Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục.

Khi còn hoạt động ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm và coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Sau khi chiến tranh thế giới thứ Nhất kết thúc, các nước thắng trận họp ở Véc-xai (Versailles) - Pháp, nhằm chia lại thị trường thế giới, Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam gồm 8 điểm, trong đó, điểm thứ 6 là: “Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”. Khi tố cáo tội ác của Thực dân Pháp ở Việt Nam, Người nói, cái thiếu của người cộng sản là “Tự do dạy và học” bị những kẻ khai hóa thuộc địa ngăn cấm chúng tôi một cách dã man”. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong đó có đoạn tố cáo thực dân Pháp: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”.

Ngày hôm sau, ngày 3-9-1945, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp phiên đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách thì ngay sau vấn đề thứ nhất là nạn đói thì vấn đề thứ hai là nạn dốt. Người nói: “Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ.

Nhưng, chỉ cần 3 tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.

Trong chiến dịch ấy, bằng cách những người chưa biết chữ gắng sức mà học cho biết, nên chỉ trong vòng 1 năm, nhiều người đã biết đọc, biết viết.

Ngay năm học đầu tiên của chế độ mới, Bác Hồ đã gửi Thư cho học sinh, trong đó có đoạn viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Ngày 13-9-1958, nói chuyện với Hội nghị cán bộ giáo dục toàn miền Bắc, Người đưa ra thông điệp: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt, những cán bộ tốt cho nước nhà”.

Trước lúc đi xa, Người còn gửi Thư cho các cô giáo, các thầy giáo, các em học sinh và cán bộ, nhân viên Ngành Giáo dục. Người động viên: “Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, đảm bảo an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ ”.

Muốn giáo dục phát triển và chất lượng ngày càng tăng thì vai trò, vị trí của cô giáo, thầy giáo được Chủ tịch Hồ chí Minh đặc biệt coi trọng. Người nói: “Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”. Khi khác Người nói: …Không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”.

Đối với các cấp ủy Đảng và chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trao trách nhiệm: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.

Trong giáo dục và đào tạo, đã từng là thầy giáo, tuy thời gian không nhiều nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách dạy, cách học ở từng bậc học. Dạy mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Bậc tiểu học cần giáo dục cho các cháu yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải vui vẻ, nhẹ nhàng, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Thầy - cô giáo phổ thông phải đảm bảo cho học trò phổ thông những kiến thức chắc chắn, thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng phát triển của đất nước. Sinh viên đại học đã đến tuổi trưởng thành, thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới kết hợp với thực tiễn của nước ta để thiết thực giúp cho công cuộc xây dựng nước nhà…

Với các nhà trường, Người căn dặn: “Trước hết là phải đoàn kết. Đoàn kết thực sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân”. Và, “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.

Nghị quyết của Đảng ta qua các kỳ Đại hội luôn luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo, luôn được coi là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa  trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã chỉ rõ: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”.

Hiện nay giáo dục và đào tạo nước ta đã có những chuyển biến, những bước phát triển mạnh mẽ, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên bên cạnh đó còn những hạn chế, khuyết điểm chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Đã 52 năm kể từ ngày Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng những lời dạy của Người đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đối với các cô giáo, thầy giáo và các em học sinh vẫn còn vẹn nguyên giá trị, vẫn mang tính thời sự. Thực hiện lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội cần thực hiện tốt tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện theo đúng Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) đã đặt ra để đưa sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước ta lên tầm cao mới.

Đào Hồng