Thời gian gần đây, một vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Đó là chuyện “ăn chặn tiền kêu gọi từ thiện”. Câu chuyện được bắt đầu từ lời cáo buộc của một nữ doanh nhân khá tiếng tăm. Bà tố cáo trên mạng xã hội: “Có nhiều nghệ sĩ đã ăn chặn hàng chục tỷ đồng, cho đến hàng trăm tỷ đồng từ thiện do người dân đóng góp”.  

Không những thế, nữ doanh nhân này còn chỉ đích danh tên, tuổi của những nghệ sĩ đã ăn chặn tiền từ thiện và khẳng định, bà “Có đầy đủ chứng cứ, và sẽ chịu trách nhiệm với những cáo buộc đó”.

Câu chuyện ngay lập tức trở thành đề tài rất nóng, thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ có những người theo dõi, không chỉ ở những người “hóng” chuyện, mà cả những tri thức nổi tiếng cũng rất quan tâm với nhiều nỗi suy tư.

Sự việc cho đến lúc này vẫn chưa có cơ quan nào đứng lên kết luận về tính xác thực của nó. Chính vì vậy, cuộc khẩu chiến giữa nữ doanh nhân - “bên bóc phốt” và các nghệ sĩ - “bên bị bóc phốt” trên mạng vẫn chưa đi đến hồi kết. Liên tục cả hai bên đều đưa ra các bằng chứng để phản bác, chứng minh bên mình đúng, đối phương sai. Không ít các cơ quan báo chí viết bài, đưa tin, nhưng cũng chỉ xoay quanh một vài “lời trần tình”, “bộc bạch” từ một phía của những người trong cuộc. Chắc chắn chúng ta còn phải chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc kết luận…    

Trở lại vấn đề “làm từ thiện”, kêu gọi sự chung tay, đóng góp để san sẻ khó khăn với đồng bào mình trong hoạn nạn, dịch bệnh… là việc làm rất tốt. Đó là giá trị nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái; “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của người Việt Nam. Rất cần thiết phải có những cá nhân, tổ chức có uy tín, có sự ảnh hưởng nhất định trong xã hội đứng lên kêu gọi, tập hợp những tấm lòng thiện nguyện. Nhờ đó, sự giúp đỡ, san sẻ “gánh nhọc nhằn” của cộng đồng với những người  khó khăn, hoạn nạn mới kịp thời và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nhìn lại chúng ta không thể không khỏi băn khoăn, nếu như không muốn nói là nghi ngờ. Bởi đã một thời gian rất dài, hầu hết mọi hoạt động quyên góp từ thiện của các cá nhân, thậm chí các tổ chức gần như bị thả nổi, không có sự kiểm soát; còn người đi quyên góp từ thiện thì “rất ngại công khai” những đồng tiền, bát gạo mà mình quyên góp được.

Chính vì không có sự kiểm tra, giám sát và thiếu đi một quy tắc về quyên góp, nên mới xảy ra nghi vấn một số cá nhân ăn chặn tiền kêu gọi làm từ thiện.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để người dân yên tâm đóng góp từ thiện? Không phải lo lắng về lòng tốt sẽ bị lợi dụng?

Thiết nghĩ không hề khó để giải quyết vấn đề này. Nếu thực tâm thiện nguyện, những người trực tiếp kêu gọi sự đóng góp và các nhà quản lý xã hội sẽ có ngay giải pháp.

Đầu tiên cần phải nói đến trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức kêu gọi đóng góp để làm từ thiện. Cần phải khẳng định công việc này đòi hỏi phải xuất phát từ tâm tính thiện và tự nguyện. Không lợi dụng lòng tốt của xã hội để làm từ thiện với mục đích trục lợi. Phải hướng đến những mục tiêu cao cả của làm từ thiện là chia sẻ vì đồng bào trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Không vì mục đích mang lại cho bản thân cả về vật chất, lẫn danh tiếng mới đi làm từ thiện.

Mặt khác, phải xác định được quyền của các nhà hảo tâm đã đóng góp từ thiện. Họ có quyền được biết tiền, hàng hóa của mình đã đi đến đâu, có đến đúng địa chỉ hay không. Tiền và hàng hóa của người đóng góp cần được kiểm soát trong quá trình đến với đồng bào, không thể giao phó hoàn toàn vào người kêu gọi, huy động từ thiện muốn làm gì thì làm.

Chính vì vậy, các cá nhân và tổ chức kêu gọi thiện nguyện cần phải tuân thủ nguyên tắc: Công khai, minh bạch về tài chính lẫn hàng hóa đã được đóng góp.

Việc công khai, minh bạch số tiền, hàng hóa được người dân đóng góp và người nhận không hề khó. Nhất là trong điều kiện công nghệ số, thì đó là điều hoàn toàn có thể dễ dàng thực hiện. Vấn đề là người tổ chức quyên góp từ thiện có nhận thức được yêu cầu công khai, minh bạch là nguyên tắc cốt yếu hay không mà thôi. Không phải vô cớ, mà công chúng đòi hỏi các nghệ sĩ đã quyên góp từ thiện phải sao kê ngân hàng, và công bố rộng rãi các sao kê này trên các phương tiện truyền thông cho mọi người được thấy.

Về phía các nhà quản lý xã hội, đã đến lúc cần xem xét lại tính thực tiễn của các văn bản quy phạm pháp luật về kêu gọi từ thiện hiện nay, như Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Phải nhanh chóng xây dựng Bộ nguyên tắc hoạt động từ thiện đầy đủ hơn, để hoạt động từ thiện đảm bảo đúng pháp luật, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả cao. Phải tạo ra hành lang pháp lý, để những người có tấm lòng thiện nguyện sẽ yên tâm hoạt động từ thiện mà không “vướng” vào nghi vấn, dị nghị hay thậm chí vi phạm vào pháp luật.

Có như vậy thì việc quyên góp từ thiện mới đúng nghĩa thiện nguyện, không bị biến tướng, không bị lợi dụng để trục lợi.

Thế Sơn