Ông Trần Quang Khải (ở giữa) Bí thư Chi bộ 2, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cùng các lực lượng tại chỗ tham gia phòng, chống dịch.

Xưa những người lính đã anh dũng chiến đấu trong cuộc chiến tranh để thống nhất đất nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn- Pốt và bảo vệ chủ quyền lãnh hải… về lại thời bình, những ngày Thủ đô bị “giặc Covid-19” tấn công, họ lại bước vào “trận chiến” mới để góp phần bảo vệ bình yên cho Thành phố.

Ngày đêm bám chốt

Tại chốt “vùng xanh” trên cầu Đình Hoàng (đường Trần Cung, phường Cổ nhuế 1, Bắc Từ Liêm), vào khoảng 11h30, dưới cái nắng gắt của một ngày tháng 8 oi ả, 2 cán bộ trực chốt vẫn đang hướng dẫn người và phương tiện xuất trình giấy tờ, khai báo theo quy định. Đặt vội chiếc mũ xuống bàn, áo thấm đẫm mồ hôi, ông Trần Kim Tịnh - thành viên Tổ bảo vệ dân phố Hoàng Mười (phường Cổ nhuế 1), nói: “Do đây là chốt chính của cả khu vực phường Cổ Nhuế 1, liên thông đến tận Chèm Vẽ nên lượng người lưu thông qua chốt khá đông. Nhiều hôm quá 12h vẫn chưa xong việc”.

Được biết, từ ngày 24/7, khi Thành phố quyết định lập các chốt kiểm soát dịch ở đường ngang, ngõ tắt và từng khu phố, ông Tịnh và các thành viên trong Tổ bảo vệ dân phố cũng được phường huy động, giao nhiệm vụ trực chốt “vùng xanh”. Mỗi ca trực của ông gồm 2 người, kéo dài trong thời gian từ 6 đến 8 tiếng. Ban đầu, khi biết tin ông Tịnh tham gia chốt trực, người trong gia đình cũng không khỏi lo lắng cho sức khỏe của ông, bởi năm nay ông đã gần 65 tuổi. Giữa lúc dịch bệnh phức tạp hoành hành, lại phải tiếp xúc với cả trăm người mỗi ngày, không ai muốn người thân của mình phải đương đầu với nguy cơ lây nhiễm cao như vậy. Nhưng khi chính quyền, nhân dân cần, ông Tịnh sẵn sàng góp sức cùng các lực lượng bám chốt, giữ “vùng xanh” không chút nề hà.

Cũng là một “lão tướng” đầy nhiệt huyết, những ngày qua, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (63 tuổi) - Tổ trưởng tổ 7, khu dân cư số 6 (phường Hàng Bột) luôn có mặt tại chốt “vùng xanh” tại ngõ 200 phố Tôn Đức Thắng để trực chốt, làm nhiệm vụ. Mọi công việc như đo thân nhiệt, tuyên truyền, kiểm soát người ra vào chốt đều được bà thực hiện một cách thuần thục. Khi được hỏi động lực nào giúp bà có quyết tâm, kiên trì bám chốt như thế, bà Ngọc cho hay, vào thời điểm đầu tháng 8, nơi đây từng ghi nhận 1 ca F0 và trở thành “vùng đỏ” khi có ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, từ 12h ngày 15/8, sau khi hết thời gian 14 ngày cách ly theo quy định, ngõ 200 đã được xem xét, đánh giá chuyển thành “vùng xanh” để tiếp tục phòng, chống dịch. Để bảo vệ những thành quả đã đạt được, mặc dù tuổi cao nhưng vì tinh thần trách nhiệm bà cùng các thành viên trong tổ vẫn quyết tâm góp sức, thay phiên nhau túc trực tại chốt khiếm soát “vùng xanh”. “Nhiều hôm trực đến tận gần sáng mới về nhà, con cháu thấy thương lắm, thế nhưng ai cũng hiểu được tâm huyết của mình nên cũng chỉ động viên giữ gìn sức khỏe, đảm bảo an toàn để tránh bị lây nhiễm”- bà Ngọc chia sẻ.

Dành hết tâm sức cho cuộc chiến chống dịch

Cùng với việc bám chốt “vùng xanh” những ngày qua, với vai trò và trách nhiệm của mình, các “lão tướng” cũng đã có nhiều hoạt động đóng góp vào cuộc chiến phòng, chống dịch tại địa phương cũng như Thành phố. Điển hình như ông Trần Quang Khải (70 tuổi), Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận số 2, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm). Theo chia sẻ của ông Khải, từ ngày Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, ông đã phối hợp với lực lượng chức năng phường khẩn trương tuyên truyền, thông tin đến bà con về việc chấp hành nghiêm những quy định về phòng, chống dịch; yêu cầu người dân không ra ngoài nếu không có việc cần thiết; yêu cầu các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu trên địa bàn ký cam kết nghiêm túc đóng cửa; kiểm tra, kiểm soát tại 2 chốt “vùng xanh” và 1 chốt “vùng đỏ” trên địa bàn phụ trách…

Không chỉ tuyên truyền về phòng, chống dịch, ông Khải còn làm tốt công tác vận động người dân tham gia cứu trợ. Theo đó, riêng Tổ dân phố số 2 đã kêu gọi được các mạnh thường quân đóng góp 347 suất quà để tặng cho các đối tượng gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 như người lao động nghèo, sinh viên bị mắc kẹt tại Hà Nội… “Từ ngày 24/7 đến nay, gần như tôi không ở nhà mấy mà thường xuyên ra đường làm nhiệm vụ. Khi thì kiểm tra các chốt kiểm soát, lúc lại tới từng ngõ, xóm để tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, rồi xét duyệt hồ sơ tiêm chủng vắc xin, kêu gọi mạnh thường quân… Hi vọng rằng, sự tận tâm của chúng tôi sẽ góp phần sớm đẩy lùi dịch Covid-19”, ông Khải chia sẻ.

Tương tự, là một quân nhân, đáng lẽ sau khi về hưu sẽ vui vầy bên con cháu, thế nhưng, ông Đinh Xuân Hợp (61 tuổi) - Tổ trưởng Tổ dân phố số 10 (phường Láng Thương, quận Đống Đa) lại tình nguyện làm công việc “vác tù và hàng tổng”. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Hợp cùng lãnh đạo Tổ dân phố thường xuyên tuyên truyền vận động bà con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, kêu gọi ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, rà soát các đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp, vận động người dân đăng ký tiêm vắc xin. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, cùng giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch, hơn một tuần qua, ông Hợp cùng với các đồng chí cảnh sát khu vực, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc đã đến từng hộ gia đình có phòng trọ cho thuê, gửi thư kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và kêu gọi giảm tiền phòng cho những người thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn…

Nhận xét về sự tâm huyết và sẵn sàng lăn xả của các “lão tướng”, bà Phạm Thị Hồng Hải - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Láng Thượng, chia sẻ: “Thời gian qua, cùng với lực lượng chức năng, các bác Tổ trưởng, Bí thư chi bộ, thành viên tổ Covid cộng đồng, dù tuổi cao nhưng đã không quản ngại vất vả, tham gia tích cực vào công tác chống dịch tại địa phương. Điển hình như bác Hợp. Mới đây, cả khu nhà 3 tầng tập thể 54A Nguyễn Chí Thanh bị phong tỏa vì có ca bệnh F0, dù không thuộc địa bàn mình quản lý nhưng bác Hợp cũng đã tình nguyện tham gia trực chốt tại đây, có nhiều hôm thực hiện nhiệm vụ đến tận 12h đêm mới về”.

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại nhiều khu dân cư sống tập trung, tiếng nói, uy tín và sự gương mẫu của những người cao tuổi, cán bộ hưu trí chính là “vũ khí” hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch. Bằng kinh nghiệm dày dạn, cùng sự gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào, họ chính là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh tập thể, góp sức cùng cả hệ thống chính trị cơ sở nhanh chóng khống chế, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Lê Thắm