Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Tên tuổi Đại tướng gắn liền với sự ra đời, chiến đấu, trưởng thành của QĐND Việt Nam Anh hùng; với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong Thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta: Vì từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay, Đảng và Chính phủ đã ủy cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo Quân đội ta”(1). Tài năng và đức độ người “Anh Cả” của QĐND Việt Nam thể hiện trên một số dấu ấn nổi bật sau:

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện, xây dựng QĐND Việt Nam không ngừng lớn mạnh

Để xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) cho công cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, tháng 12-1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp sớm tổ chức LLVT tập trung. Thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Hoàng Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của QĐND Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí đã chỉ huy Đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần, tạo khí thế, tinh thần đấu tranh cách mạng cho LLVT và toàn dân. Trên cương vị là Tư lệnh LLVT cách mạng, đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo các LLVT phát huy vai trò nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đồng chí đã tham mưu cho Trung ương Đảng phát triển LLVT ba thứ quân (dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực), trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của bộ đội chủ lực; đồng thời, trực tiếp tổ chức mở rộng, phát triển LLVT cả về số lượng, chất lượng, quy mô tổ chức, trình độ, khả năng chiến đấu; chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích, kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, tiến hành nhiều trận đánh quan trọng quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng, bộ đội chủ lực không ngừng phát triển, lớn mạnh, thành lập các đại đoàn, phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích, tạo sức mạnh tổng hợp tổ chức các chiến dịch có tính chất quyết định về chiến lược, tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch. Với vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Bí thư Quân ủy Trung ương, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, Đại tướng đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy thắng lợi nhiều chiến dịch quan trọng, như: Việt Bắc (1947), Biên giới, Trung du (1950), Đồng Bằng, Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Đại tướng tham mưu cho Trung ương Đảng và trực tiếp xây dựng, phát triển quân đội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tổ chức Bộ tư lệnh Miền, kết hợp thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (chủ lực Miền), bộ đội địa phương với việc đưa các sư đoàn chủ lực miền Bắc cơ động vào tăng cường, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng thời, Đại tướng trực tiếp kiến nghị với Trung ương và chỉ đạo khẩn trương xây dựng QĐND Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại; gửi cán bộ sang học tập tại Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em nhằm bổ sung lực lượng, nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng để chuẩn bị khung cán bộ chỉ huy cấp binh đoàn, quân đoàn; xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh chủng Đặc công... Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng đề xuất thành lập các quân đoàn chủ lực (1, 2, 3, 4) nhằm tăng cường sức mạnh quân sự đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, thực hiện những trận đánh quan trọng, chiến dịch quyết chiến chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là minh chứng khẳng định đề xuất của Đại tướng là sáng tạo, chính xác, phù hợp yêu cầu chiến trường, đáp ứng đòi hỏi khách quan của quy luật phát triển quân đội thời điểm đó.

Thực tiễn khẳng định, Đại tướng không chỉ giỏi cầm quân mà còn có tài tổ chức quân đội; từ đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ, vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, tiến lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, các binh đoàn, quân đoàn chủ lực lớn, các quân chủng, binh chủng. Từ lúc chỉ biết sử dụng giáo mác, lựu đạn đến biết sử dụng xe tăng, pháo binh, tên lửa, máy bay; từ nghệ thuật đánh du kích nhỏ lẻ, phát triển lên chiến tranh chính quy, hiện đại, đánh hiệp đồng quân, binh chủng; vận động thần tốc, đánh nhanh, thắng nhanh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện và xây dựng quân đội thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà quân sự tài năng xuất chúng, vị Tướng mưu lược, quyết đoán

Đánh giá về tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư sử học Georges Boudarel người Pháp đã viết: “GIAP là nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lĩnh tài ba, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX... một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của các thời đại"(2). Ở những thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến, Đại tướng luôn đánh giá đúng cục diện chiến trường, sáng suốt đưa ra những quyết định đúng đắn; đề xuất, chỉ đạo, thực hiện công thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” đập tan cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp lên Việt Bắc (1947); sáng suốt quyết đoán đổi mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950); chủ trương phân tán lực lượng cơ động Pháp ra nhiều hướng trên chiến trường Đông Dương để chúng khó ứng cứu cho chiến trường Điện Biên Phủ trong Chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954). Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Đại tướng hết sức cẩn trọng, so sánh tương quan lực lượng hai bên, táo bạo nhưng không tùy tiện, xác định chắc thắng mới đánh, nên đã đề xuất và quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đưa chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng khẳng định: “Phải tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bằng cuộc chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước"(3). Sớm nhận ra tầm quan trọng của việc chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, Đại tướng đề xuất với Trung ương và trực tiếp chỉ đạo xây dựng, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, mở Đường Hồ Chí Minh trên biển nhằm tiếp tế hàng quân sự và binh khí kỹ thuật nhanh chóng, kịp thời cho chiến trường miền Nam. Đại tướng đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng mở Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh để ghìm lực lượng cơ động chiến lược của địch ở Bắc chiến trường miền Nam (tức Trị Thiên), tạo điều kiện thuận lợi để quân dân miền Nam tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), tiêu diệt địch trên chiến trường trọng điểm Sài Gòn-Gia Định, Huế, Đà Nẵng; chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng phương án, tổ chức đánh bại cuộc tiến công đường không chiến lược (1972) của Mỹ, bảo vệ vững chắc bầu trời Hà Nội, Hải Phòng... giữ vững hậu phương chiến lược chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Đại tướng chỉ đạo Bộ tư lệnh chiến dịch điều Sư đoàn 968 từ Nam Lào về tổ chức nghi binh ở Pleiku (Bắc Tây Nguyên); bí mật cơ động Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A từ Bắc Tây Nguyên về hướng chính (Nam Tây Nguyên) phối hợp với Sư đoàn 316 thần tốc từ miền Bắc vào bố trí thế trận, bất ngờ đột phá Buôn Ma Thuột mở màn chiến dịch, tổ chức cắt giao thông, sẵn sàng đánh địch phản kích ứng cứu Buôn Ma Thuột, làm cho địch hoảng loạn, buộc phải rút chạy khỏi Tây Nguyên. Đặc biệt, Đại tướng đã nắm chắc thời cơ chiến lược, đề nghị giải phóng sớm miền Nam (1975) so với kế hoạch ban đầu; chỉ đạo mở Chiến dịch Huế-Đà Nẵng; giải phóng quần đảo Trường Sa; thành lập cánh quân phía Đông Sài Gòn phối hợp với 4 cánh quân khác và ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa...”, kịp thời xốc tới bao vây, tiến công tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến toàn thắng.

Trong quá trình chỉ đạo tác chiến, Đại tướng luôn cân nhắc kỹ lưỡng, đưa ra những quyết định táo bạo, quyết đoán, sắc sảo, đúng đắn; luôn chủ động “khiển địch, điều địch” buộc chúng bị động thay đổi thế trận, phải đánh theo cách đánh của ta, từng bước lâm vào thế bị động đối phó, bị tiêu hao, tiêu diệt ngày càng lớn và chịu thất bại hoàn toàn. Điều đặc biệt là, Đại tướng chưa từng được đào tạo ở bất kỳ trường lớp quân sự nào, kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng đều do tự học, tự nghiên cứu từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và tinh hoa quân sự thế giới; tiếp thu, vận dụng sáng tạo học thuyết quân sự Mác-Lênin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đúc rút kinh nghiệm qua thực tiễn chỉ đạo chiến đấu. Điều này đã tạo nên sự đặc sắc, độc đáo, khác biệt của Đại tướng khiến thế giới khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là “danh tướng”, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại, như Đại tướng Mỹ Oétmolen đã đánh giá Võ Nguyên Giáp là “một thống soái quân sự cỡ lớn”, còn Bécna-sử gia phương Tây khẳng định: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào có thể so sánh kịp với tướng Giáp"(4).

3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người góp phần quan trọng phát triển lý luận quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam

Không chỉ trực tiếp cầm quân đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng còn có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển lý luận quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, toàn dân đánh giặc, LLVT làm nòng cốt; đánh địch toàn diện trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực, lấy đấu tranh vũ trang là chủ yếu; phát huy sức mạnh tổng hợp trên cơ sở lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn... Lý luận quân sự Võ Nguyên Giáp là sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đấu tranh quân sự của các nước trên thế giới; kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đặc biệt là đúc rút từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc. Đại tướng luôn đề cao công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận khoa học quân sự Việt Nam; chú trọng tìm rõ nguyên nhân thành, bại, rút ra bài học, quy luật trong từng trận đánh, chiến dịch, chiến trường và cả cuộc chiến tranh. Đại tướng quan niệm: “Tổng kết không phải để phê phán sai lầm và những người mắc sai lầm, mà chủ yếu tìm ra thêm những quy luật của chiến tranh, nhằm tiến tới những thắng lợi to lớn hơn nữa"(5). Đại tướng đã khái quát, viết nhiều tác phẩm, công trình lý luận quân sự giá trị, tìm ra những quy luật cơ bản về xây dựng QĐND, về chiến tranh giải phóng dân tộc, về nghệ thuật quân sự, về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân... Đây là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn tăng cường, củng cố nền quốc phòng, an ninh hiện nay.

Thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng đã chú trọng nghiên cứu và vận dụng thành công chiến tranh du kích; phát triển chiến tranh chính quy, từ đánh nhỏ lên đánh vừa, đánh lớn, từ phục kích lên vận động chiến, trận địa chiến, truy kích địch; phối hợp giữa mặt trận phía trước với lót ổ đánh vùng sau lưng, hậu phương địch với nhiều quy mô, hình thức, trên nhiều loại địa hình (miền núi, trung du, đồng bằng, đô thị), bằng nhiều binh chủng, hợp thành tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Tư tưởng, lý luận quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được biểu hiện rõ trong một loạt vấn đề về đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ... hết sức độc đáo, sáng tạo, hiệu quả; nghệ thuật quân sự “lấy yếu địch mạnh”, “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông”; quan hệ giữa tập trung và phân tán; tư duy so sánh tương quan lực lượng hai bên địch, ta; tư tưởng chiến lược tiến công; phát huy sức mạnh toàn dân đánh giặc; lý luận chiến tranh du kích, chiến tranh địa phương; phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân, giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động; chiến đấu dũng cảm, mưu trí, giữ nghiêm kỷ luật, đánh chắc thắng, hạn chế thương vong, đổ máu; giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi toàn bộ; kết hợp đấu tranh vũ trang với chính trị, ngoại giao, khai thác mâu thuẫn nội bộ đối phương; vai trò của yếu tố chính trị, tinh thần; xây dựng hậu phương, bảo đảm hậu cần chiến lược... Những quan điểm, tư tưởng đó tạo nên nét riêng biệt, độc đáo, đặc sắc trong lý luận quân sự Võ Nguyên Giáp, không chỉ góp phần đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc Tổ quốc, mà còn chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự Việt Nam, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà lãnh đạo, nhà chính trị tài giỏi, mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Quân đội, của Đảng, Nhà nước, nhân dân và với bạn bè quốc tế

Trong suốt quá trình tổ chức, chỉ đạo, điều hành quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ là Tổng Tư lệnh, Tổng Chỉ huy, mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy nhiều chiến dịch, thật sự là nhà lãnh đạo, nhà chính trị tài giỏi của QĐND Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy quân đội, đồng chí luôn bám sát đường lối, phương hướng chính trị của Đảng; giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, chỉ huy, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp xác đáng, khoa học, phù hợp với yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khả năng LLVT và tình hình đất nước. Trong “suốt hai cuộc kháng chiến hơn 30 năm, chưa bao giờ Bộ Chính trị bác bỏ bất cứ một đề xuất chiến lược nào của Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp hoặc của tập thể Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh"(6). Trong lãnh đạo quân đội, Đại tướng luôn coi trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, chăm lo giáo dục phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến cho cán bộ, chiến sĩ. Kết hợp chặt chẽ, khéo léo giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, ngoại giao, tư tưởng, binh, địch vận; giữa quốc phòng với kinh tế, an ninh... để đạt được kết quả toàn diện trên cả hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi dân là gốc, không lấy “súng đẻ ra chính quyền” mà quan niệm “người trước, súng sau”, “chính trị đi trước quân sự”. Trong Bộ biên tập Bách khoa toàn thư Pháp, mục nói về Võ Nguyên Giáp đã viết: “Trong Võ Nguyên Giáp, nhà chính trị đi trước nhà quân sự"(7). Đại tướng đã thấm nhuần sâu sắc mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, giữa nhân dân và quân đội, giữa người và súng, giữa tinh thần quân đội và trang bị kỹ thuật; hết sức coi trọng yếu tố chính trị, tinh thần, xây dựng quyết tâm chiến đấu; thường xuyên xây dựng mối quan hệ “quân với dân như cá với nước”; quan hệ giữa người chỉ huy với người chiến sĩ như anh với em; tôn trọng nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, lấy lợi ích chung đặt lên trên lợi ích riêng, lúc thắng lợi không bao giờ coi đó là thành tích của riêng mình. Đặc biệt, với cương vị là Tổng Tư lệnh-thống soái quân đội, Đại tướng luôn đề cao tính nhân văn, coi trọng tính mạng quân sĩ, đau với từng vết thương của người lính, tiếc từng giọt máu của chiến binh. Nguyên tắc bất di, bất dịch trong quá trình chỉ đạo chiến tranh của Đại tướng là: “Tầm cao của mỗi chiến thắng phải tỷ lệ nghịch với tổng số thương binh, tử sĩ trong chiến thắng ấy... phải giành bằng được chiến thắng ở mức cao nhất đi đôi với việc giảm xuống thấp nhất thương vong của tướng sĩ"(8). Đại tướng là tấm gương về “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”-sáu đức tính của người làm Tướng do Bác Hồ chỉ ra; về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, khiêm tốn, đoàn kết, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình yêu thương con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước, để lại trong cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo, nhà chính trị đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời hy sinh vì quân đội, vì đất nước, vì nhân dân.

Với sự hội tụ đầy đủ các tiêu chí: Người tổ chức, xây dựng quân đội; người đánh trận giỏi; nhà lý luận quân sự xuất sắc; nhà lãnh đạo chính trị tài ba, mẫu mực... Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân hết lòng kính trọng suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”; cán bộ, chiến sĩ quân đội mến phục suy tôn là “Người Anh Cả” của QĐND Việt Nam, xứng đáng là “Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy, Tướng của các tướng và Thầy của các bậc thầy quân sự”.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, Quân đội ta và phong trào cách mạng thế giới; đồng thời, góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam. Học tập, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ cả nước tiếp tục phát huy truyền thống Quân đội anh hùng, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đặc biệt là tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp góp phần ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19, đem lại cuộc sống bình an cho nhân dân.

Đại tướng, Tiến sĩ PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

-------------------------

1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.264.

2 Nguyễn Văn Sự - Đại tướng Võ Nguyên Giáp danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài, Nxb QĐND, H.2011, tr.11.

3 Trần Thái Bình - Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM.2007, tr.698.

4 Trần Trọng Trung - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb CTQG, H. 2006, tr.842.

5 Trần Thái Bình - Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM.2007, tr.703.

6 Sđd, tr.696.

7 Sđd, tr.712.

8 Sđd, tr.692.