Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Cư M’Ta, huyện M’Đrắk.

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), ngày 23-7-2021, Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 10 (BLLBCĐSĐ10), Quân đoàn 3 tổ chức lễ an vị vong linh 186 liệt sĩ tại Nhà bia tưởng niệm ở xã Cư M’Ta, huyện M’Đăk, tỉnh Đắk Lăk, có mặt đại diện chính quyền địa phương và bà con dân tộc xã Cư M’Ta đến dâng hương. Nhà bia tưởng niệm do Ban Liên lạc ở Hà Nội đứng ra tổ chức và xây dựng, kinh phí do CCB sư đoàn ở mọi miền tự nguyện đóng góp. Tại đèo M’Đrăk, cách đây 46 năm đã diễn ra trận chiến đấu vô cùng ác liệt của Sư đoàn 10 đánh tan Lữ dù 3 và Trung đoàn 40 quân đội Sài Gòn, khi chúng lập tuyến phòng thủ trên đèo M”Đrăk chặn đường tiến quân của Sư đoàn xuống giải phóng tỉnh Khánh Hòa và quân cảng Cam Ranh, trong Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân 1975.

Từ ngày 9 đến 20-3-1975, Sư đoàn 10 đánh, tiêu diệt toàn bộ quân ngụy trong thị xã Buôn Ma thuột, sau đó đánh bại 2 Trung đoàn 44 và 45, Sư đoàn 23 đổ bộ tái chiếm Buôn Ma Thuột. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gấp rút điều Lữ dù 3, lực lượng tổng dự bị từ Quân khu 1 ra đèo M’Đăk có Trung đoàn 40, Sư đoàn 22 phối thuộc; lợi dụng đồi núi hiểm trở lập tuyến phòng ngự làm lá chắn trên đường 21, dài l5km, có các trận địa pháo 105 ly và 155 ly và 175 ly ở Lam Sơn, Dục Mỹ chi viện, có Sư đoàn 6 không quân ở Phan Rang yểm trợ tối đa.

Nhận nhiệm vụ của Bộ Tư lênh chiến dịch, Sư đoàn 10 sử dụng toàn bộ lực lượng 3 trung đoàn bộ binh, cùng Trung đoàn 40 pháo binh, Lữ đoàn xe tăng 273, Trung đoàn công binh chi viện và Trung đoàn 25 phối thuộc; với chiến thuật bao vây chia cắt, đột phá chính diện, cắt rời thế phòng ngự liên hoàn của địch. Riêng Trung đoàn 24 luồn rừng, vượt đèo cao dốc đứng suốt 5 ngày đêm chiếm lĩnh trận địa phía đông đường 21, khu vực cầu suối Chình, chân đèo M’Đrăk, khóa chặt đường rút chạy của địch về Dục Mỹ, Ninh Hòa. Từ sáng 29-3-1975, Sư đoàn trưởng Hồ Đệ lệnh cho các Trung đoàn 66 và 28 đồng loạt nổ súng tiến công. Trung đoàn 66 bao vây tiêu diệt Tiểu đoàn 5 dù; Trung đoàn 28 tiêu diệt Tiểu đoàn 6 và sau đó tiến công Tiểu đoàn 2 dù. Suốt 3 ngày đêm, được sự chi viện của pháo binh và xe tăng 273, các mũi đột kích tiến công toàn tuyến phòng ngự của địch. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, có quả đồi ta đột phá tới 3 lần mới chiếm được mục tiêu. Máy bay địch điên cuồng ném bom, bắn rốc-két, pháo binh địch liên tục trút đạn xuống trận địa ta. Có thời điểm hai bên đấu pháo suốt 2 giờ đồng hồ, cả rừng núi M’Đrăk rung lên như sấm rền. Sáng ngày 1-4-1975, cả 3 tiểu đoàn dù và trung đoàn 40 ngụy đã bị tiêu diệt, bị bắt sống và tan rã hoàn toàn. Thừa thắng, Đại đội 10, Tiếu đoàn 6, Trung đoàn 24 nhận lệnh đánh chiếm Trường huấn luyện biệt động quân Lam Sơn, đánh chiếm Trường hạ sĩ quan pháo binh, giải phóng thị trấn Dục Mỹ, quận ly Ninh Hòa. Ngày 2-4-1975, Trung đoàn 24 tiến về giải phóng T.P Nha Trang và quân cảng Cam Ranh. Chiến công tiêu diệt Lữ dù 3 quân đội Sài Gòn trong là chiến tích đầu tiên của sư đoàn chiến đấu hợp đồng binh chủng cấp sư đoàn, ghi vào trang sử vàng của sư đoàn.

Trong trận chiến đấu, 186 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho CCB tham gia trận đánh năm ấy. Thực hiện tâm nguyện tri ân đồng đội hy sinh, ngày 28-2-2021, Ban Liên lạc do Trung tướng Trần Quốc Phú làm Trưởng ban vào đèo M’Đrăk cùng CCB sư đoàn tỉnh Đăk Lăk làm lễ động thổ xây dựng Nhà bia tưởng niệm ngay nơi diễn ra trận đánh năm xưa, thuộc địa phận xã Cư M’Ta, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lăk bên quốc lộ 26 (21 cũ). Sau 6 tháng khẩn trương thi công, Nhà bia tưởng niệm đã hoàn thành. Ngày 23-7-2021, Lễ đón rước vong linh liệt sĩ về Nhà bia được tiến hành. Buổi lễ có đại diện Ban Liên lạc và CCB Sư đoàn 10 tỉnh Đăk Lăk; đại diện chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương về dâng hương!

Có được công trình tâm linh đẹp, hài hòa giữa kiến trúc và phong cảnh thiên nhiên là sự đóng góp của 650 tấm lòng CCB Sư đoàn 10, của tấm lòng hảo tâm và các cơ quan, đoàn thể địa phương. Xúc động hơn có những người là con, là cháu của liệt sĩ, là người vợ CCB đã mất... Nhiều ít, từ 500.000 đồng đến vài chục triệu, trăm triệu đồng... đều là những tấm lòng tri ân cao cả, tỏ lòng biết ơn người đã hy sinh thân mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Đặc biệt Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - vị tướng năm nay đã 96 tuổi, trong cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1975, ông là Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên, hiện đang sống ở Hà Nội ủng hộ 20 triệu đồng, quý nhất là ông thường xuyên theo dõi tiến độ thi công, tham gia ý kiến, động viên bằng tình cảm của người cha, người ông đối với cán bộ, chiến sĩ trên công trường.

Trung tướng Trần Quốc Phú - Trưởng BLLBCĐSĐ10, người chỉ huy xây dựng công trình suốt 6 tháng, ngoài công sức, ông và gia đình ủng hộ 300 triệu đồng; CCB Ngô Duy Chuyên - nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Trung đoàn 24 tham gia chiến đấu, người bắt sống Đại tá Nguyễn Trọng Luật - Tỉnh trưởng Đắk Lắk ngày 11-3-1975, Giám đốc Công ty xăng dầu Bình an, bám công trường cùng Tướng Phú chỉ đạo công việc, ông ủng hộ 200 triệu đồng. Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 tuyển chọn 20 cán bộ, chiến sĩ đến ở trên công trường, miệt mài lao động, vất vả dưới trời năng hè rát bỏng, cùng nhà thầu hoàn thành công trình đúng kế hoạch đề ra.

Công trình tâm linh “Là sự kết tinh của những tấm lòng, nghĩa cứ cao đẹp, thể hiện “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân đồng đội ngã xuống cho sự thắng lợi vinh vang” - (lời Trung tướng Trần Quốc Phú). “Tượng đài là nơi để nhân dân tôn thờ các Anh hùng Tiên liệt..” (lời Chủ tịch huyện M’Đrăk). Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhắn nhủ: “…Sau này các thế hệ của Sư đoàn 10 sẽ biến khuôn viên thành công viên xanh hòa với màu xanh M’Đrăk đế các liệt sĩ cảm nhân tình đồng đội!”…

Trần Thế Thi