Từ ngày 24/6, toàn thành phố Bắc Giang đã gỡ bỏ giãn cách xã hội sau hơn 1 tháng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 30/6, cả nước ghi nhận 450 ca mắc COVID-19 mới; dự kiến từ 10/7, Bắc Ninh và Bắc Giang quay lại trạng thái 'bình thường mới'; bổ sung 7.650 tỷ đồng để mua 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19; bệnh nhân COVID-19 thứ 81 của Việt Nam tử vong, có tiền sử lao phổi… là những tin nổi bật trong ngày 30/6.

Ngày 30/6, cả nước ghi nhận 450 ca mắc COVID-19 mới

Tính từ 18 giờ 30 phút ngày 29/6 đến 6 giờ ngày 30/6, Việt Nam có 94 ca mắc mới COVID-19 (BN16414-16507) gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Ninh Bình và 93 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (62 ca), Phú Yên (21 ca), Nghệ An (4 ca), Bắc Giang (3 ca), Bình Định (3 ca); trong đó 87 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Từ 6 giờ đến 12 giờ 30 phút ngày 30/6, Việt Nam có 116 ca mắc mới, trong đó 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang và 115 ca ghi nhận trong nước tại: TP. Hồ Chí Minh (63 ca), Bình Dương (24 ca), Hưng Yên (9 ca), Bắc Giang (8 ca), Bắc Ninh (5 ca), Phú Yên (2 ca), Long An (1 ca), Bình Định (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Bắc Kạn (1 ca). Trong đó 112 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Tính từ 12 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút ngày 30/6, cả nước có 240 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh và 233 ca ghi nhận trong nước tại: TP. Hồ Chí Minh (124 ca), Bình Dương (57 ca), Đồng Nai (12 ca), Quảng Ngãi (10 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (6 ca), Đồng Tháp (5 ca), Nghệ An (4 ca), An Giang (4 ca), Phú Yên (4 ca), Bắc Ninh (3 ca), Đà Nẵng (2 ca), Bắc Giang (2 ca). Trong đó 221 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

TP Hồ Chí Minh đã có trên 4.000 trường hợp mắc COVID-19

Chiều 30/6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã vượt qua 4.000 trường hợp và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong đợt dịch lần 4 này, Thành phố đã có 459 trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện từ nhiều bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn. Do tính chất lây lan rất nhanh của chủng Delta, hiện đã có 55/130 bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có trường hợp F0 đến khám chữa bệnh; trong đó, đa số các ca mắc được bệnh viện phát hiện chủ động nhưng cũng có một số bệnh viện phát hiện bị động, dẫn đến sự lây lan mầm bệnh trong bệnh viện.

Điều này đã khiến một số bệnh viện phải phong toả như Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và mới đây là trường hợp của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.

Thông tin về 25 trường hợp mắc COVID-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, một thân nhân ở quận Bình Tân là người nuôi bệnh của một bệnh nhân đang điều trị tại khoa B4 (khoa Lao kháng thuốc) được phát hiện mắc COVID-19 và đã lây lan sang 24 người khác là thân nhân, bệnh nhân của khoa B3 và B4 ở cùng một khối nhà.

Hiện bệnh viện phải tạm phong toả khu vực điều trị nội trú bệnh lao để rà soát lại toàn bộ các khoa, phòng khác. Tất cả các mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính lần 1.

Đối với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, qua tầm soát xét nghiệm đã phát hiện 10 trường hợp mắc COVID-19 là nhân viên, người lao động tại bệnh viện (nhân viên bảo vệ, phòng Tài chính kế toán). Hiện bệnh viện đã tạm phong toả toàn bộ để rà soát, kiểm tra xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên.

Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện phải siết chặt hơn nữa các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện; tiếp tục triển khai các giải pháp theo tiêu chí bệnh viện an toàn của Bộ Y tế.

TP Hồ Chí Minh triển khai đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 từ nay đến ngày 10/7

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch số 2151/KH-UBND về Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn từ ngày 29/6 đến ngày 10/7 nhằm huy động sức mạnh của toàn dân, toàn hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Đợt cao điểm này, TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai và tăng cường 9 nội dung, giải pháp trọng tâm để chống dịch COVID-19 như: tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; tổ chức và tăng cường năng lực xét nghiệm; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly; tăng cường năng lực điều trị; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.

Bổ sung 7.650 tỷ đồng để mua 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 30/6/2021 về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, hơn 7.650 tỷ đồng được bổ sung cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó 30 triệu liều của Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam, do AstraZeneca sản xuất và 31 triệu liều do Pfizer sản xuất, như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.

Trong đó, hơn 5.100 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế từ nguồn kinh phí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH và hơn 2.550 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ vaccine phòng COVID-19 thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng 37 tỷ đồng trong tổng số 1.237 tỷ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế theo Quyết định số 507/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chi đối ứng cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối, thuê kho bảo quản vaccine, mua vật tư tiêm chủng cho các lô vaccine phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ, vaccine viện trợ, tài trợ của nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

Ngành hàng không tăng cường kiểm soát hành khách đến từ TP Hồ Chí Minh

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị trong ngành hàng không về việc tăng cường kiểm soát hành khách đến từ TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng không khẩn trương triển khai và tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) của Bộ Y tế. Tăng cường kiểm tra hành khách đến từ TP Hồ Chí Minh tới các địa phương khác, đảm bảo 100% hành khách thực hiện khai báo y tế nghiêm ngặt; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác truy vết khi có tình huống phát sinh.

Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường hình thức khuyến cáo đối với hành khách khi về các địa phương bắt buộc phải khai báo trung thực, chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo để phân loại các đối tượng nguy cơ; tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.

Đặc biệt, không tham gia các hoạt động tập trung đông người trong vòng 14 ngày đối với những người từng đến các địa điểm có trường hợp mắc COVID-19 ở, lưu trú hoặc khu vực bị phong tỏa (cách ly vùng) do có trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian theo thông báo của UBND cấp tỉnh và phải thực hiện cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

Bệnh nhân COVID-19 thứ 81 của Việt Nam tử vong, có tiền sử lao phổi

Chiều 30/6, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo về ca tử vong thứ 81 của Việt Nam.

Đó là bệnh nhân 12938 (nam, 61 tuổi, địa chỉ tạm trú tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), có tiền sử lao phổi đã điều trị cách đây 7 năm.

Bệnh nhân ho 4 ngày, sau đó khó thở, được xét nghiệm SAR-CoV-2 và cho kết quả dương tính. Ngày 20/6, bệnh nhân được nhập viện tại Bệnh viện Trưng Vương TP Hồ Chí Minh trong tình trạng tỉnh, khó thở, với chẩn đoán viêm phổi nặng do SAR-COV-2.

Bệnh nhân được điều tích cực bằng thở oxy máy, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm, vận mạch. Tuy nhiên, do tuổi cao, tiền sử mắc lao, bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân tử vong ngày 26/6, với chẩn đoán tử vong viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp tiến triển, suy đa cơ quan, trên bệnh nhân tiền sử lao phổi đã điều trị cách đây 7 năm.

Dự kiến từ 10/7, Bắc Ninh và Bắc Giang quay lại trạng thái 'bình thường mới'

Chiều tối 30/6, tại cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cho biết, dự kiến từ ngày 10/7, tình hình dịch được kiểm soát hoàn toàn, Bắc Ninh, Bắc Giang quay lại trạng thái “bình thường mới” đến cấp quy mô xã, phường.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, tình hình dịch COVID-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang đã tốt lên nhưng các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là. Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo tất cả nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp quay trở lại hoạt động phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, “làm đến đâu chắc đến đó”.

Phó Thủ tướng biểu dương Bắc Giang trong việc tổ chức “mô hình mỗi khu nhà trọ cho công nhân một doanh nghiệp lưu trú”; đề nghị nhân rộng và phát huy mô hình tổ chức sản xuất an toàn trong trạng thái “bình thường mới”.

Cùng với việc đảm bảo an toàn trong các khu, cụm công nghiệp, Bắc Ninh và Bắc Giang phải quản lý chặt chẽ một số hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đời sống. Điển hình, các chợ dân sinh phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào, hạn chế tập trung đông người, quản lý người liên quan đến các chuỗi cung ứng thực phẩm… Các địa phương tiếp tục xem xét việc hạn chế một số loại hình dịch vụ, hoạt động không thiết yếu.

“Qua đợt dịch, các địa phương phải rút ra bài học kinh nghiệm, đi từng bước chắc chắn, không để dịch quay trở lại khu công nghiệp”, Phó Thủ tướng yêu cầu; đồng thời đề nghị, trong việc triển khai tự lấy mẫu xét nghiệm, hai địa phương sử dụng kết hợp phương pháp Realtime RT-PCR mẫu gộp để đảm bảo tính chính xác cao, tần suất sàng lọc hợp lý hơn so với chỉ sử dụng xét nghiệm nhanh.

Bình Phước ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, đến chiều 30/6, tỉnh đã ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên.

Trường hợp này là một nam giới, tạm trú tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đến huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước làm thầu xây dựng. Khi có biểu hiện sốt, đau họng, người này đã chủ động đến Trung tâm Y tế huyện Chơn Thành đề nghị test nhanh COVID-19. Sau 2 lần test nhanh, kết quả đều dương tính và chuyển kết quả về CDC tỉnh để xét nghiệm PCR đã khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi phát hiện, huyện Chơn Thành đã khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp F1, F2. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã truy vết 11 trường hợp F1 được đưa đi cách ly ngay và 11 trường hợp F2. Hiện cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tiếp tục truy vết.

Tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách từ Hải Phòng đi Hưng Yên và ngược lại

Từ ngày 30/6, thành phố Hải Phòng tạm dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch từ Hải Phòng đi tỉnh Hưng Yên và ngược lại.

Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hải Phòng sẽ đình chỉ hiệu lực của phù hiệu đã cấp cho các phương tiện kinh doanh vận tải thuộc diện dừng hoạt động nêu trên. Các đơn vị vận tải có trách nhiệm dừng hoạt động của phương tiện, khẩn trương thu hồi, hoàn trả phù hiệu về Sở Giao thông Vận tải; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra lây lan dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác bến xe niêm yết thông báo này tại các bến xe; khẩn trương thông báo cho các đơn vị vận tải hành khách được biết nội dung nêu trên.

Các đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng ngày, UBND thành phố Hải Phòng đã yêu cầu tất cả những người đến từ các tỉnh, thành phố ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng bắt buộc phải khai báo y tế trung thực, chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo để phân loại người có nguy cơ.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)