Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 320 phía Bắc (từ trái sang phải là các cựu chiến binh: Đại úy Mai Trung Kiên, Phó ban Liên lạc; Đại úy Chu Thanh An, Trưởng ban; Thiếu tá Nguyễn Đình Nham (đã mất); Trung sĩ Đào Duy Cử; Thượng úy Giang Văn Toản.

Trung đoàn 320 ra đời ngày 20-3-1964, là một trong hai trung đoàn chủ lực đủ quân đầu tiên của quân đội ta vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Trung đoàn năm xưa nay chỉ còn..."trung đội"

Dấu chân “người lính 320” còn in khắp mọi vùng, từ Đông Nam Bộ, Long An, Đồng Tháp cho tới cả đất nước Campuchia (làm nhiệm vụ quốc tế). Ngoài danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước phong tặng cho 3 tập thể: Trung đoàn 320 (năm 1976), Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 334 (1970), Đại đội Trinh sát (1989), còn có 5 đơn vị được nhận Huân chương Quân công và 70 lần đơn vị được nhận Huân chương Chiến công từ hạng Nhất đến hạng Ba…

Ngày 16-8-1964, Trung đoàn 320 (sau đây gọi tắt là Trung đoàn) hành quân đi B, với gần 2.800 người. Đến ngày 30-4-1975, trong số ấy chỉ còn lại 17 người, như một "trung đội" (được ví như những “hạt gạo trên sàng”) rồi hao dần theo thời gian. Người ra đi gần đây nhất (hôm 30 Tết Tân Sửu) là Thiếu tá Nguyễn Đình Nham, 83 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội. Hằng năm, vào tháng 3, Ban Liên lạc cựu chiến binh (BLL CCB) trung đoàn đều tổ chức gặp mặt, ôn lại truyền thống “Trung dũng - Bất khuất - Đoàn kết - Chiến thắng” của đơn vị.

Gặp mặt lần này, BLL tổ chức phù hợp với trạng thái “bình thường mới” phòng, chống dịch Covid-19. Không tụ tập đông người. Chương trình, nội dung được biên tập rồi gửi qua mạng cho các CCB của trung đoàn.

Đáng chú ý, trong 4 thành viên của Ban Liên lạc CCB Trung đoàn ở phía Bắc đến dự, ngoài Trung sĩ Đào Duy Cử (sinh năm 1956, quê Thường Tín, Hà Nội, nguyên Trung đội phó, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2), 3 người còn lại thuộc diện 17 “hạt gạo trên sàng” là: Đại úy Chu Thanh An (Trưởng BLL, sinh năm 1937, tại Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Thông tin Trung đoàn…), Đại úy Mai Trung Kiên (Phó BLL, sinh năm 1942, quê Hưng Yên, nguyên Trưởng tiểu ban cán bộ Trung đoàn…), Thượng úy Giang Văn Toản (sinh năm 1943 tại Hà Nội, nguyên Đại đội trưởng Quân y Trung đoàn…). Trưởng BLL CCB Trung đoàn 320 tỉnh Bắc Giang-Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1949, nguyên cán bộ chính trị thuộc Trung đoàn...) cùng có mặt.

Những trận đánh vang danh từ núi rừng Tây Nguyên tới Đồng Tháp Mười

Trong buổi gặp mặt, các CCB đã cùng nhau ôn lại những trận đánh tiêu biểu của trung đoàn. Đó là: Hai trận phục kích đầu tiên trong ngày 1-6-1965, diệt gọn đoàn xe 11 chiếc do Trung tá Lê Văn Ba, Trưởng tiểu khu Pleiku chỉ huy, cùng đoàn thanh tra của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đi kiểm tra quận Lệ Thanh. Sau đó, diệt gọn đoàn xe Ngụy đi giải cứu. Hai trận này tiêu diệt 300 tên địch, thu nhiều vũ khí và trang bị. Trận bao vây Đồn Biên phòng Đức Cơ (gần Ngã ba Lệ Thanh) từ ngày 20-6-1965, kéo dài suốt 67 ngày đêm làm cho quân địch khốn đốn. Trận vận động tiến công trên đường 19 ngày 9-8-1965, tiêu diệt và làm thiệt hại nặng Chiến đoàn Thủy quân lục chiến số 5, Chiến đoàn Thiết giáp 3 và Tiểu đoàn Biệt động quân 21, góp phần đẩy quân ngụy ở Tây Nguyên vào thế hoang mang, suy sụp.

Các trận thắng khác của trung đoàn trên đất Tây Nguyên cũng được tái hiện như: Đánh bại cuộc hành quân Paul Rever 4 của quân Mỹ (Chiến dịch Sa Thầy cuối năm 1966), góp phần làm thất bại cuộc phản công chiến lược lần thứ 2 của địch. Đặc biệt là sự kiện Trung đoàn đánh “Trận then chốt thứ nhất” trong Chiến dịch Pleime.

Mở tiếp trang sử về thời gian Trung đoàn ở Miền Đông Nam Bộ (từ tháng 5-1968). Bước vào đợt 2 chiến dịch Mậu Thân, nằm trong đội hình Sư đoàn 7, trung đoàn tiến đánh thị trấn Lộc Ninh, chốt giữ thị trấn và Làng Ba. Tại đây, ngày 13-9-1965, chiếc trực thăng chở viên tướng 2 sao Ket Ware-Tư lệnh Sư đoàn 1 bộ binh “Anh cả đỏ” chỉ huy quân Mỹ phản kích lại ta, đã bị xạ thủ Nguyễn Xuân Hậu (Đại đội súng máy 18) “hóa kiếp”. Trong 2 tháng, Trung đoàn đánh thắng nhiều trận, thắng lợi giòn giã, được sư đoàn biểu dương liên tục, nhân dân ca ngợi…

Những ngày Trung đoàn “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại Long An không thể nào quên. Thực hiện chủ trương của trên, cuối năm 1968 đầu năm 1969, Trung đoàn vào vị trí triển khai ở Nam lộ 4, trên đất 3 huyện: Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, cửa ngõ phía Nam Sài Gòn. Nơi đây địch đang thực hiện “chương trình bình định” quyết liệt nhất. Chúng tập trung đối phó Trung đoàn. Tham chiến với tư thế “Thạch Sanh của thế kỷ 20”, từ tháng 1 đến tháng 9-1969, Trung đoàn tiêu diệt hàng nghìn tên Mỹ-ngụy, phá hủy nhiều pháo lớn và xe tăng địch, giữ yên lòng dân.

Hai năm 1969-1970 ở Long An, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn tâm niệm: “Kiên trì bám trụ, chủ động tiến công, sống chiến đấu ở đây mà chết cũng ở đây!”. Trên thực tế, 593 đồng chí bị thương. 1027 đồng chí hy sinh. Địch thấy trên thi hài của anh em ta có khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì kinh ngạc. Sự hy sinh của trung đoàn góp phần giữ vững cơ sở cách mạng, giúp các căn cứ của huyện, xã và các “lõm” du kích vượt qua thời kỳ khó khăn nhất.

Thời gian làm nhiệm vụ ở chiến trường Đồng Tháp Mười (từ tháng 2-1972, trong đội hình Quân khu 8) Trung đoàn lập nhiều chiến công mới; trong đó có trận tiêu diệt Giang đoàn 59 của địch trên kênh Dương Văn Dương ngày 9-6-1972. Đánh chìm và bắt sống 9/11 tàu cùng 9 tù binh. Tiếp đó, tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 1 (thuộc Sư đoàn 7 ngụy) đến ứng cứu và đánh thiệt hại Tiểu đoàn 417 Bảo an… Những chiến công của trung đoàn đã bảo đảm an toàn hành lang để các đơn vị bạn tiến xuống vùng sâu và góp vào thắng lợi của cả nước, buộc phía địch phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau hai năm liên tục chiến đấu trừng trị quân địch phá hoại Hiệp định Paris, bước vào tuần đầu tiên của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 (4-3-1975/ 30-4-1975), ngày 11-3-1975 Trung đoàn đã lập chiến công vang dội, diệt gọn Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 ngụy, tại Ngã 6-Bằng Lăng, xã Hậu Mỹ Nam, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang).

CCB Đào Duy Cử (người duy nhất còn lại của mũi tiến công vào đìa Đầm Sen, do đồng chí Đào Trọng Hà, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 chỉ huy, trong trận này) kể lại: Sau 8 tiếng đồng hồ giao tranh, ta diệt 250 tên, bắt sống 52 tên, thu 104 súng các loại, làm chủ hoàn toàn trận địa. Trong trận này, tên Hồ Bé, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 ngụy điện báo cho chỉ huy Trung đoàn 10 của hắn: “B40 bắn trúng ruột tôi, khoảng 1.000 Việt cộng đang vây quanh, tôi có nguy cơ bị bắt sống”. Lúc đó hắn đang được đám tùy tùng dìu chạy trốn. Với chiến công này, Trung đoàn được Bộ tư lệnh Quân khu 8 tặng cờ mang dòng chữ: “Xuất kích xung phong băng đồng diệt gọn” và đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất. Sau đó trung đoàn hòa cùng các cánh quân xốc tới giải phóng miền Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ cắt đứt lộ 4, không cho địch từ Mỹ Tho về Sài Gòn và ngược lại.  

Sau Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, suốt hơn một năm bảo vệ biên giới Đồng Tháp (kể từ trận đầu tiên tiêu diệt một trung đội quân Pôn Pốt trong công sự ngày 30-9-1977), và sau đó làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia, trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Một thời sống giữa ngọn đèn lòng dân

Đại úy Chu Thanh An kể: Những ngày trung đoàn vượt Trường Sơn để vào Tây Nguyên, vô cùng gian nan, vất vả, chiến sĩ ta “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”, ứng tác những vần thơ: “Nhằm phía địch lên đường xốc tới/ Níu cành cây vượt dốc tiến lên/ Đầu người dưới, cuối người trên/ Ta vượt được dốc là lên cổng trời”. Trong thời gian chuẩn bị cho Chiến dịch Sa Thầy (Kon Tum, cuối năm 1966), ở vào hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn về lương thực, trung đoàn phát động bộ đội trồng sắn để nuôi mình và chia sẻ với đồng bào địa phương. Mỗi người trồng 1000-1500 gốc sắn, cũng trở nên câu ca đầy ấn tượng: “Nơi nơi cây sắn khắp vùng/ Bao la sắn điệp trùng/ Ngàn ngàn kho sắn đầy/ Giặc nào dám đến đây/ Sắn này vung lên ngay/ Đánh cho giặc tan thây”.

Giữa mùa Thu năm 1966, ở trong rừng Gia Lai, Trung đoàn bị Sư đoàn 25 Mỹ ráo riết tìm diệt nên mất liên lạc với cấp trên. Trong khi các cơ quan Bộ tư lệnh Mặt trận B3 thực hiện chỉ thị của đồng chí Chu Huy Mân (Tư lệnh kiêm Chính ủy), tổ chức xuyên rừng đi tìm, thì Trung đoàn trưởng Đinh Xuân Mẫn vừa đi vừa ngắt rau tàu bay ăn để giữ sức, chỉ huy cán bộ, chiến sĩ khiêng cáng thương binh, lui quân về đỉnh núi Chư Prong. Nửa tuần lễ không có hạt cơm nào. Vậy mà ngày 8 tháng 8, gặp một đại đội Mỹ, nhiều thương binh đã gượng dậy cầm súng cùng đồng đội “sống chết” với chúng, tiêu diệt 130 tên, thu vũ khí. Sau trận ấy, số anh em còn lại về đến hậu cứ thì đã hoàn toàn kiệt sức. Vậy mà vẫn rạng ngời khí phách: “Tàu bay chấm muối, vai cáng thương binh/ Gặp Mỹ thình lình, giương lê xốc tới” (Thơ chiến sĩ Trung đoàn).

CCB, Bác sĩ quân y Giang Văn Toản bồi hồi nhớ lại: Thời điểm cuối năm 1969 đầu năm 1970 ở Long An, Nam lộ 4 gần như vùng trắng, địch kiểm soát gắt gao. Lực lượng của Trung đoàn sống chủ yếu dựa vào số dân bám trụ lại. Suốt ngày dưới hầm. Không còn chỗ nuôi giấu thương binh. Bác sĩ Ba Lạc đã phải đứng dưới ruộng nước mổ cấp cứu thương binh. Một đêm các chiến sĩ ta đến nhà chị Hai Tỏ (một người dân rất thương quý bộ đội) để nhận lương thực, thực phẩm. Chị không mở cửa mà đưa qua kẽ liếp 6 hộp thịt và nói nhỏ rằng, có địch phục kích. Anh em ta vừa ra khỏi thì địch bắn xối xả vào nhà chị. Ở Tân Trụ, có má Ba “cơm nguội” ngày ngày nấu nồi cơm để đêm bộ đội đến lấy và cô Bảy Nghiệm 18 tuổi cùng các thôn nữ đêm nào cũng gánh nước dự trữ cho bộ đội dùng. Ở Cần Đước, Hội Mẹ chiến sĩ ấp 2 Long Định mua sắm ni lông, bếp đun bằng dầu cho bộ đội. Các má ở Châu Thành nhắc du kích và con cháu dành những món ngon nhất cho các chú từ miền Bắc vào đánh Mỹ xâm lược, bảo vệ dân lành. Bộ đội bị thương, dân tìm cách che chở. Anh Bùi Minh Giám, Chính trị viên Tiểu đoàn 5 bị thương lòi ruột, đội phẫu thuật trải ni lông phẫu thuật anh trên gò mả, bị địch phát hiện. Bà con dân làng đưa anh xuống hầm bí mật. Bộ đội hy sinh, bà con chôn cất chu đáo, rất cảm động. Bà con dùng ngọn lửa đèn, dùng màu áo để hợp đồng với bộ đội. Những mẹo ấy cũng nên thơ: “Ngọn đèn ám hiệu đêm khuya/ Có lính (ngụy) má tắt, lính về má chong/ Đèn kia sáng tựa ánh hồng/ Tấm lòng của má, tấm lòng miền Nam” (Thơ của chiến sĩ Cao Nguyên Hoài). Dân phơi áo đen (ám hiệu có địch), áo trắng (an toàn). Nhiều tháng ngày, bộ đội ta phải ẩn trong cây lá ngoài đồng, cực kỳ gian khổ. Ngày nào cũng có chiến sĩ hy sinh. Một cô giáo làng khóc nức nở: “Anh em hy sinh nhiều thế này thì còn người đâu mà chiến đấu”. Song người còn lại vẫn lạc quan, cùng nhau ngâm nga “Cuộc đời ta bên lá, lá bên ta/ Cùng chiến đấu, cùng tỷ tê tâm sự/ Chiến thắng hôm nay chia lá phần nhỏ chứ/ Nghe lá rì rào mà tưởng bản trường ca” (Thơ chiến sĩ Lê Bá Bao).

Trung đoàn giải thể nhưng truyền thống còn mãi trong tim đồng đội và nhân dân

Các CCB của trung đoàn mang nặng những nỗi niềm… mà theo họ, đôi khi đã phải vịn vào đấy để không bị gục ngã trước những cám dỗ của đời thường.

Một trong những nỗi niềm ấy, là hồi tưởng sự xúc động hân hoan khi được tin: Ngày 20-10-1976,  Đảng và Nhà nước đã quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho trung đoàn.  Vui với phần thưởng và danh hiệu cao quý, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn cũng không bao giờ nguôi nỗi đau trước những mất mát hy sinh của hàng nghìn đồng đội mà sự kiện xảy ra vào ngày 4-5-1970 là một dẫn chứng. CCB Mai Trung Kiên xúc động thuật lại: Đầu tháng 5-1970, thực hiện mệnh lệnh của trên, sau khi để 3 tiểu đoàn ở lại các huyện Cần Đước, Tân Trụ và Châu thành (Long An), các bộ phận còn lại cùng với Ban chỉ huy Trung đoàn rút về vùng Ba Thu (Đức Huệ, Long An). Ở địa điểm mới chưa kịp củng cố, thì lực lượng này đã phải chiến đấu chống địch đi càn. Ngày 4-5-1970, một cánh quân địch có xe tăng, thiết giáp càn quét trúng sở chỉ huy trung đoàn. Giữa địa hình trống trải, quân địch rất đông, anh em ta gồng mình đánh trả rất kiên cường. Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Khôi, Chính ủy Nguyễn Tăng Liệu cùng với hơn 40 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…

Ngay cả khi nghe CCB Nguyễn Văn Hòa kể về Hạ sĩ Nguyễn Đức Hành-Tiểu đội phó Trinh sát của Trung đoàn (sinh năm 1960, quê Triệu Hải, Thừa Thiên Huế, nhập ngũ 15-2-1983), 11 tháng tuổi quân thì 8 tháng chiến đấu trên đất Campuchia, đã cùng trung đội diệt 200 tên địch, thu nhiều vũ khí, trang bị…, hy sinh đầu năm 1984) được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 30-8-1989…, lòng dạ các CCB vẫn cứ thấy day dứt, xót xa.

Mỗi lần gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập của đơn vị, các CCB Trung đoàn 320 lại thấy truyền thống “Trung dũng - Bất khuất - Đoàn kết - Chiến thắng” và sắc thái của trung đoàn lấp lánh, rọi ấm tâm hồn, nhắc nhở họ gìn giữ và phát huy truyền thống ấy trong cuộc sống. Họ khẳng định, chỉ có Bộ đội Cụ Hồ mới tạo ra được những giá trị nhân văn như thế. Giống như, sau 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trung đoàn nhận mệnh lệnh giải thể, để lại vô vàn những kỷ niệm xúc động lòng người, nhưng tỉnh Đồng Tháp vẫn khôi phục lại tên Trung đoàn 320, cái tên song trùng của Trung đoàn 891 quân dự bị, nhằm phát huy truyền thống của Trung đoàn 320 anh hùng.

PHẠM XƯỞNG