GS.TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì buổi tọa đàm. Tham gia buổi tọa đàm có đại diện các Ban Đảng; các hội chuyên ngành văn học - nghệ thuật Trung ương; phụ trách Ban Văn hóa - Văn nghệ của các đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, văn học nghệ thuật gặt hái được những kết quả đáng trân trọng, góp phần cổ vũ động viên đông đảo cán bộ đảng viên trong xây dựng và phát triển đất nước. Báo chí có vai trò quan trọng trong truyền bá các giá trị và thành tựu của văn học nghệ thuật đến với cán bộ đảng viên. Qua sóng phát thanh truyền hình, báo chí, đông đảo công chúng biết được diện mạo, thành tựu văn học nghệ thuật của đất nước.
Hiện nay, nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật qua sóng phát thanh truyền hình đang là nhu cầu phổ biến và có tỷ lệ công chúng cao nhất. Ngành phát thanh truyền hình đang đứng trước những thách thức lớn trong việc tuyên truyền sâu rộng các sản phẩm văn học nghệ thuật lành mạnh đến với đông đảo công chúng.
Phân tích những mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa tác động đến đời sống văn học nghệ thuật của nước ta, các đại biểu nêu rõ những khó khăn, thách thức đối với công tác tuyên truyền văn học nghệ thuật trên sóng phát thanh truyền hình.

Kết luận buổi tọa đàm, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: Hiện nay, thời lượng phát sóng các chương trình văn học nghệ thuật trên đài phát thanh truyền hình còn thiếu, chất lượng các chương trình chưa cao; mối quan hệ giữa các đài phát thanh truyền hình với các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật chưa được đặt đúng tâm. Vì vậy, trong thời gian tới, các đài phát thanh truyền hình từ Trung ương đến địa phương cần thấy rõ tuyên truyền văn học nghệ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng, từ đó có những điều chỉnh về chương trình, nội dung, thời lượng, thời gian và thời điểm phát sóng phù hợp dành cho văn học nghệ thuật.
Các đài phát thanh truyền hình cũng cần tập trung giới thiệu sâu đậm các tác phẩm có nội dung và nghệ thuật tốt, phản ánh sinh động cuộc sống, hướng con người tới chân- thiện- mỹ; tổ chức tốt hơn nữa những cuộc thảo luận bàn tròn, trao đổi, định hướng cho công chúng về những vấn đề lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.
Bên cạnh đó, các đài phát thanh truyền hình tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Hội chuyên ngành, Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương để cùng xác định nội dung và đối tượng tham gia chương trình, tránh tình trạng “khoán trắng” cho người làm chương trình và người dẫn chương trình.
Đồng thời, các đài phát thanh truyền hình cần quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên để có những chương trình phát sóng chất lượng, có tính thuyết phục cao, hướng tới nâng cao tính chuyên nghiệp của các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Nguyễn Hoàng