Khác với những năm trước, đợt này đã thực hiện rộng rãi việc chuyển giao thâm nhập “3 gặp 4 biết” từ đơn vị nhận quân về địa phương, nhằm nâng cao trách nhiệm của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, tiết kiệm ngân sách mà vẫn bảo đảm chỉ tiêu, nâng cao chất lượng, đúng pháp luật và an toàn tuyệt đối.

Chúng tôi về Bắc Ninh khi Hội Lim vừa vãn, câu quan họ “giã bạn” như còn vương vấn bên những cành đảo nở muộn, trong phòng khách chậu quất quả vẫn vàng tươi cùng lộc xanh mơn mởn. Sau chén trà ấm nóng, đồng chí Nguyễn Thanh Trụ, Chủ tịch Hội CCB, kiêm thành viên Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh vào đề ngay: Tuyển quân đợt 1 năm nay, Bắc Ninh có 850 thanh niên của 3 huyện Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ và thị xã Từ Sơn về Quân khu 1, Quân đoàn 2, Binh chủng Công binh, Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tổng tham mưu. Ngay từ đầu quý 4 năm ngoái, các bước từ rà duyệt, phân loại danh sách, sơ tuyển, khám sức khoẻ, xét duyệt về chính trị đạo đức, tổ chức hiệp đồng, thâm nhập đến chốt quân số, phát lệnh gọi đều theo đúng kế hoạch, chú đáo, không “khoán trắng” cho địa phương, nhất là khâu thâm nhập “3 gặp 4 biết” tiến hành cụ thể, chặt chẽ. Lễ giao nhận quân thực hiện vào ngày 2-3-2010.

Theo Đại tá Ngô Xuân Thứ, Ủy viên thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thì Bắc Ninh có gần 29.500 công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, trừ các loại tạm hoãn, tạm miễn, miễn và chưa gọi còn gần 6.000 công dân đủ điều kiện sơ tuyển; với phương châm nâng cao chất lượng là chính, qua 2 bước sơ tuyển tại cơ sở còn 2.812 công dân được điều khám tại huyện và có 1.711 người đủ điều kiện sức khoẻ; khi xét duyệt chính trị và tiến hành thâm nhập “3 gặp 4 biết” có 1.050 thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ và tỉnh đã trao lệnh gọi cho 976 thanh niên. Trước ngày lên đường có 5 trường hợp phát sinh, là Nguyễn Thế Thăng, xã Dũng Liệt (Yên Phong) bố chết và 4 trường hợp ở Quế Võ và thị xã Từ Sơn bị tại nạn giao thông nên rút lệnh.

Dọc đường về Quế Võ, nhất là các nhiệm sở và trung tâm huyện, cờ nhiều màu cùng băng-rôn, khẩu hiệu mừng Xuân, mừng Đảng, động viên thanh niên nhập ngũ rực rỡ, bay phần phật trong nắng và gió. Đồng chí Nguyễn Quang Trường, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Huyện có 246 thanh niên nhập ngũ, chất lượng có cao hơn những năm trước là sức khoẻ loại 1 chiếm 48,7%, độ tuổi 18-20 là 68,6%, văn hoá cấp 3 là 81,8%, đặc biệt 100% đều là đoàn viên và có đơn tình nguyện, huyện lựa chọn 64 trường hợp tiêu biểu nhất để mở lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, vừa tạo điều kiện cho anh em phấn đấu trong quân đội, vừa là nguồn cán bộ cho địa phương sau này. Có kết quả đó là do huyện làm tốt khâu “3 gặp 4 biết”, từ thành lập khung của huyện kết hợp các xã, thị trấn có Chủ tịch UBND, cán bộ quân sự, công an, đại biểu Hội CCB, Đoàn thanh niên đến tập huấn nghiệp vụ; bước 1 gặp tại xã kiểm tra con người và hồ sơ, bước 2 tại gia đình để rõ hoàn cảnh và tâm tư nguyện vọng của anh em… Trong những phút giải lao ngắn ngủi của lớp cảm tình Đảng; em Nguyễn Văn Tân, 21 tuổi, thôn Đỉnh, thị trấn Phố Mới cho biết: Em là con thứ 2 trong gia đình có ông nội là liệt sĩ, bố mẹ làm ruộng, nhà đủ ăn, em nhập ngũ để làm tròn trách nhiệm của một thanh niên đối với Tổ quốc, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Còn em Nguyễn Xuân Hạnh, 19 tuổi, xã Phương Cầu, vừa học xong lớp 12 lại có nguyện vọng vào bộ đội được đi học để trở thành sĩ quan quân đội. Em nói: Ông nội là liệt sĩ, bố là bộ đội chống Mỹ phục viên, nhà có hai anh em trai, được vào quân đội em rất phấn khởi…

Đồng chí Lại Hữu Đôi, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Phố Mới cho biết: Thị trấn có 12 thanh niên nhập ngũ đợt này, có 3 cháu là con CCB và 3 thanh niên được đi học cảm tình Đảng. Nhân dịp tết Nguyên đán, thị trấn tặng mỗi trường hợp một túi quà trị giá 50.000 đồng, ngày lên đường mỗi người được tặng thêm 200.000 đồng và các thôn, tổ dân phố cũng tặng 100.000 đồng/người… Đó là tấm lòng của bà con, người ở lại với người ra đi làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi rưng rưng nhớ về lịch sử dân tộc, đã biết bao lần nhân dân ta góp từng quả cà, bát gạo để nuôi quân và mổ lợn, mổ trâu khao quân khi chiến thắng và truyền thống “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” vẫn ngời sáng trong cuộc sống hôm nay.

Tô Kiều Thẩm