Ngày 17-3-1968, tại đền Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, nhân dân tỉnh Hải Dương đã làm lễ xuất quân, gửi hơn 600 người con thân yêu của mình chi viện cho Mặt trận 4-Quảng Đà (tỉnh Quảng Đà cũ).
Đoàn quân với phiên hiệu 2013 “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chưa đầy một tháng, các chiến sĩ đã tới Đất Quảng, đối diện với tội ác tột cùng của quân địch. Mang trong mình truyền thống “Đường 5 anh dũng”, các chàng trai Hải Dương sát cánh cùng quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng kiên cường chiến đấu diệt thù, giải phóng quê hương. Mỗi tấc đất “chưa mưa đã thấm” ở đấy đều đã thấm máu của họ. Suốt 7 năm ròng trên chiến trường Quảng Đà, “Chiến sĩ 2013” đã tham gia hàng trăm trận đánh. Tiêu biểu như Chiến dịch X1-1968, đánh căn cứ Thượng Đức và vùng sâu Giáng La, Điện Thọ suốt 21 ngày đêm, tiêu diệt nhiều giặc Mỹ. Chiến dịch X2/1969, đánh một loạt căn cứ địch ở núi Lở, An Hoà, Đức Dục, Giao Thuy - Gò Nổi và kho xăng Liên Chiểu - Non Nước. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, Mặt trận 4 phối hợp với các chiến trường lập công, góp phần dẫn đến Hiệp định Pa-ri được ký kết năm 1973. Tại chiến dịch giải phóng Thượng Đức, Khâm Đức, đánh Nông Sơn, Trung Phước năm 1974, các chiến sĩ Đoàn 2013 anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công. Mùa xuân 1975, Đoàn phối hợp với toàn chiến trường, giải phóng thành phố Đà Nẵng, góp phần Giải phóng hoàn toàn miền Nam… Trong cuộc hành trình đầy gian khổ và bi tráng ấy, có rất nhiều tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm. Trong đó có các chiến sĩ Nguyễn Văn Tháng bị thương vẫn truy kích giặc, lập thành tích xuất sắc, được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công; Vũ Thiện Tích bắt sống một xe tăng địch, tiếng vang khắp mặt trận…
Sau thống nhất đất nước, nhiều cựu binh 2013 lại xốc ba lô, hành quân bảo vệ biên cương. Nhiều người đi học nâng cao kiến thức, ra công trường, xí nghiệp xây dựng đất nước.
Ngày xuất quân có hơn 600 người, giờ đây số thường xuyên gặp mặt được còn có hơn 50 người, hầu hết là thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Trên trận tuyến mới, các cựu binh Đoàn 2013 không phai nhạt tinh thần quyết thắng. Họ hòa vào phong trào thi đua yêu nước cùng nhân dân nỗ lực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo; đa số đã có cuộc sống ổn định, con cái trưởng thành. Nhiều đồng chí làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu cho tinh thần “tàn nhưng không phế” như các ông Nguyễn Văn Đủ được mệnh danh “Thần nông”, con chim đầu đàn về làm vụ đông; Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Tháng bị chất độc da cam hạng nặng nhất (mất 81% sức khoẻ), nhưng vẫn tích cực hoạt động trong BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Tứ Kỳ, ông luôn gần gũi, giúp đỡ động viên các CCB cùng cảnh ngộ vững vàng trong cuộc sống, xây dựng tương lai. Ông Nguyễn Vở sau chiến tranh trở về, gia đình đặc biệt khó khăn đã tự học để làm nghề gò hàn, bán sản phẩm, đuổi cái nghèo đi và để lại nghề cho con cháu. Ông Trần Mạc tập hợp anh em đồng ngũ, các CCB trong khu vực, hướng dẫn họ trồng rau bán, rồi chuyển sang kinh doanh hạt giống rau. Thương hiệu “Hạt rau giống Trần Mạc” nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường các vùng sản xuất nông nghiệp từ Bắc chí Nam… Ông là chủ công hỗ trợ phương tiện để ban liên lạc Hội đồng ngũ từng chiến đấu ở mặt trận Quảng Đà năm xưa đi thăm viếng hội viên bằng chính chiếc xe ô tô của gia đình ông…
Đã 15 năm nay, đồng đội 2013 họp mặt vào ngày 22-12. Họ ôn lại truyền thống và chiến công của đơn vị, tặng quà thân nhân liệt sĩ. Kinh nghiệm làm kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình của mỗi người trở thành tài sản chung. Vui buồn cũng trở thành mối quan tâm chung. Họ bàn các phương án hỗ trợ, góp công sức để giúp nhau xoá đói nghèo, tìm di hài các liệt sĩ của Đoàn để đưa vào nghĩa trang. Họ đã tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ Phúc, Anh hùng-LS Hoàng Công Lếnh, LS Xược… từ chiến trường về quê.
Thời gian đang từng giờ từng phút chứng kiến sự phát huy truyền thống anh hùng và những tình cảm đồng đội đặc biệt của cựu chiến sĩ Đoàn 2013, trong đó có sự biết ơn Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã coi các chiến sĩ trong đoàn như ruột thịt, chăm lo cho họ từng miếng ăn, viên thuốc, giấc ngủ và những chiến công.
Bài và ảnh:
Phạm Xưởng