Nhóm phóng viên chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội cựu tù chính trị Côn Đảo, một nhân chứng sống đã chứng kiến hầu hết những sự tàn bạo, dã man và thảm khốc nhất của “Địa ngục trần gian”. Bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu khởi nghĩa. Ông bị địch bắt sau một lần tham gia đánh phá sân bay Bạch Mai, sau những chiêu bài dụ dỗ thất bại rồi tra tấn bằng đủ mọi thủ đoạn dã man trong suốt 8 tháng trời nhưng vẫn không moi được một chút thông tin nào, cuối cùng chúng quyết định đưa ông ra tòa án binh và kết án “Chung thân khổ sai, lưu đầy đi Côn Đảo”. Ông Hậu đón nhận bản án của mình rất thanh thản và nhẹ nhàng, thậm chí là không hề có ý định kháng án, điều đó cũng làm rất nhiều người ngạc nhiên. Ông kể lại “Lúc đó bọn chúng có hỏi tôi rằng: Tòa xử thế ông có kháng án không?. Tôi đã trả lời ngay lập tức là “Không”. Chúng hỏi vì sao, tôi đã không hề do dự khi khẳng định rằng “các ông không thể giam cầm tôi suốt đời, chỉ vài năm nữa thôi là tôi sẽ trở về”. Đó thực sự là một cảm giác rất thanh thản và tôi biết rằng mình có thể vượt qua được thử thách này, cũng chẳng có gì đáng sợ hơn phải sống trong kiếp nô lệ”. Những ngày tháng bị giam cầm ở Côn Đảo cũng là lúc thể hiện tinh thần quật cường, lòng trung thành với cách mạng người chiến sĩ cộng sản. Ngày ấy, cùng bị đầy ra Côn Đảo với ông Hậu có 70 người, cả 70 người này đều được liệt vào danh sách những đối tượng cực kỳ nguy hiểm, bị xích riêng dưới một căn hầm, không cho tiếp xúc với những người tù khác vì sợ đây sẽ là những mầm mống phản động nếu được phân về các nhà ngục khác. Ngay cách đối xử cũng hoàn toàn khác biệt, họ phải ở trong những căn hầm chật chội, bị xiềng xích, phải nằm đè lên nhau không nhúc nhích nổi, thậm chí còn phải thay phiên nhau…ngủ. Cả đòn roi, việc lao động khổ sai và các cực hình tra tấn cũng dã man, khốc liệt hơn nhiều so với những tù nhân bình thường. Những người tù từng ngày từng giờ đều bị đầy đọa cả về mặt thể xác và tinh thần, bọn cai ngục muốn biến nơi đây trở thành một địa ngục thật sự nhằm giết dần giết mòn những chiến sĩ cách mạng bằng lao động khổ sai, bằng đòn roi, bằng những cực hình mà người ta chỉ mới nghĩ đến thôi đã thấy khiếp đảm.

Trong những năm tháng sống tại Côn Đảo, cũng đã nhiều lần ông nghĩ đến chuyện vượt ngục. Chuyện vượt ngục ở Côn Đảo lại có đặc thù không giống với những nơi khác, không thể hành động một cách cá nhân đơn lẻ vì như vậy là cầm chắc cái chết. Muốn vượt ngục cần phải thông qua tổ chức, có chủ trương, kế hoạch cụ thể và hơn hết là sự hỗ trợ của anh em, cả người đi lẫn người ở lại. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 12-12-1952, 200 anh em tù nhân đã tấn công 1 trung đội lính da màu, cướp tàu trốn ra biển. Nhưng không may là kế hoạch bị bại lộ, khi tàu mới đi chưa được 10 km thì bị tấn công, 81 đồng chí đã hy sinh, những người còn lại đều bị bắt và bị tra tấn một cách dã man. Cuộc vượt ngục tập thể của 200 tù nhân đó đã gây ra một tiếng vang lớn và trở thành một dấu ấn đậm nét trong lịch sử tồn tại của nhà tù Côn Đảo mà sau này người ta vẫn thường nhắc đến như một minh chứng cho ý chí quật cường của các chiến sĩ cộng sản.

Và có một điều thật lạ lùng, một điều rất đặc biệt đó là trong số 70 chiến sĩ cách mạng đã bị đầy ra Côn Đảo ngày đó thì cả 70 người đều đã vượt qua lưỡi hái tử thần để trở về với tổ quốc mà không có ai gục ngã ở cái nơi vẫn được coi là “địa ngục trần gian ấy”. Để làm được điều đó không những cần một sức sống mãnh liệt, một tinh thần lạc quan mà hơn hết thảy là một niềm tin tuyệt đối con đường mà họ đã lựa chọn, con đường của cách mạng.

Hoàng Linh