Tết này, vợ chồng CCB Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị Tiến sẽ lại đón xuân ở “túp lều”… - nơi trước đây từng là chuông trâu cũ của gia đình ông bà.

Cách đây vài số báo, Báo CCB Việt Nam có loạt bài phản ánh về cặp vợ chồng CCB Nguyễn Văn Bình phải trốn nhiễm dòng điện 220kv để xuống ngủ - nghỉ tại chuồng châu (cũ) ở góc vườn mỗi khi tối đến… Vụ việc đã từng được các cơ quan chức năng ở Thái Nguyên và cả Trung ương xem xét, vào cuộc, nhưng tình cảnh đến nay cặp vợ chồng CCB Nguyễn Văn Bình vẫn lay lắt sống dưới đường dây 220kv Tuyên Quang – Thái Nguyên…

Nguy cơ, lại một cái Tết nữa đón xuân ở… chuồng trâu cũ!

Trở lại gặp vợ chồng CCB Nguyễn Văn Bình ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ vào những ngày cuối tháng 11-2024, cuộc sống, sinh hoạt của cặp vợ chồng này vẫn vậy. Ngày ngày, căn nhà 3 gian nằm dưới làn dây điện 220kv Tuyên Quang – Thái Nguyên vẫn luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài. Chỉ khi đến bữa cơm thường nhật, hai vợ chồng mới mở cửa vào đó nấu nướng và ăn vội bát cơm xong lại “trốn” làn dây điện để xuống “túp lều” góc vườn nghỉ ngơi.

May mắn, khi chúng tôi đến gặp ông bà, cũng là lúc buổi trưa, bữa cơm của cặp vợ chồng già đến hồi dọn ăn. Thấy nhà báo vào, ông Bình khá bất ngờ vội vã trải chiếu và mời nhà báo ăn cùng để trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt dưới làn dây 220kv ra sao?

Bà Tiến, vợ ông Bình đon đả bày biện đồ ăn ra mâm. Vừa mời chúng tôi ngồi xuống ăn cơm, nước mắt bà Tiến lại tuôn ra và chúng tôi cảm nhận được tiếng nậc nghẹn trong cổ bà.

Vừa ăn bà Tiến vừa kể: Năm nay là năm thứ 18 hai vợ chông tôi ngủ ở chuồng trâu cũ ở góc vườn. Ngẫm, nghĩ cũng cực lắm! Nhưng chả còn cách nào để mà trốn khỏi được đường dây 220kv này.

Nói rồi, bà Tiến tiếp tục: “18 năm về trước, khi đường dây hoàn thành trong vòng 10 tháng và đóng điện vào tháng 4-2007, khắp nhà tôi nhiễm điện nặng. Ngày đó, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ nằm dưới đường dây 220kv cũng đã kiến nghị, đề xuất được di dời ra khỏi đường dây để không ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống… Các đoàn kiểm tra từ trung ương tới địa phương về kiểm tra đều nhìn ra độ nhiễm điện, nhưng chả hiểu sao lại bảo chúng tôi là không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe, cuộc sống… Họ có sống lâu dưới đường dây điện 220kv như vợ chồng tôi đâu mà cảm nhận được mức độ ảnh hưởng ảnh hưởng của đường dây đó như thế nào. Tôi chỉ mong ước, có cán bộ cấp cao nào đó của ngành điện; cán bộ cấp cao nào của trung ương hay ở Thái Nguyên về sinh sống thử dưới đường dây cao thế một thời gian, để họ cảm nhận được nỗi thống khổ của người dân ra sao…”.

Căn nhà của chị Xuân, hàng xóm với CCB Nguyễn Văn Bình đã bỏ hoang nhiều năm nay để… trốn nhiễm điện.

Vẫn theo bà Tiến, chồng bà là nạn nhân chất độc da cam, một CCB mẫn cán mỗi tháng được ít tiền trợ cấp của Nhà nước; còn bà là giáo viên nghỉ hưu, đồng lương ít ỏi nên không có điều kiện di dời khỏi nơi này. “Muốn đi khỏi nơi này lắm nhưng biết đi đâu về đâu khi giờ thu nhập chỉ đủ cho sinh hoạt của hai vợ chồng…” - nói rồi bà Tiến lại rơm rớm nước mắt, nuốt miếng cơm không nổi và kể tiếp: “anh thấy phía trước căn nhà không còn nóc kia không? Đó là nhà của vợ chồng chị Xuân, hàng xóm với nhà tôi. Chồng chị ấy cũng là bộ đội. Hơn chục năm về trước, chồng chị trong quân ngũ, luôn sống xa nhà nên chỉ có chị Xuân và 2 đứa con nhỏ ở đó. Sợ bị nhiễm điện, chị Xuân đã phải ôm con đi thuê nhà ở, sau đó, khi không còn tiền thuê nhà thì lại ôm con quay về ở nhưng không thể trụ nổi nên cách đây vài năm, vợ chồng chị ấy quyết định rời bỏ căn nhà, đi nơi khác… Còn vợ chồng tôi, Tết này hai vợ chồng sẽ lại đón xuân ở “túp lều” thôi nhà báo ạ!

Ngừng một lát, bà Tiến tiếp tục: Những bận tết trước, khi tôi còn công tác trong ngành giáo dục, đồng nghiệp đến chúc Tết, khi mời vào nhà trên nghe tôi kể hoàn cảnh sinh sống dưới đường dây 220kv, tối đến phải soạn giáo án trong chuồng trâu cũ để trốn nhiễm điện, nghe thấy vậy đồng nghiệp uống vội ngụm trà nóng hổi rồi vỗi vã xin phép ra về.

Cũng có dịp cận tết khác, phía trước vườn trồng ít đào bán dịp Tết, một số khách đến hỏi mua, thấy đường dây điện lõng thõng trên đầu, hoảng quá, họ bỏ đi hết, chả ma nào mua đào nhà tôi nữa… Thành ra tết năm ấy, nhà tôi hoa đào đỏ rực phía trước nhà. Nhưng nào có được ngồi trên nhà chính mà thưởng ngoạn, ngắm đào tết phía trước nhà đâu, mà hai vợ chồng… sau đó lại co ro trong túp lều góc vườn mấy ngày tết; buồn, tủi không tả siết khi năm ấy chả hàng xóm nào sang chúc tết cả…

Kinh hoàng cơ thể nhà báo phóng ra… điện đỏ rực!

Sau bữa cơm đạm bạc của cặp vợ chồng CCB Nguyễn Văn Bình, bà Tiến nhắc đi nhắc lại: Cố đến chiều tối, chú quay lại xem người phát ra điện như thế nào nhé.

Chuyện là, trước đó vài hôm, ông Bình có gửi qua zalo cho tôi mấy clip quay lại cảnh gí bút thử điện vào người, vào chậu nước, vào cây cối xung quanh nhà ông, khiến bút thử điện sáng đỏ rực.

Để kiểm chứng lại sự việc này, khoảng 17g30 đến 18g30 ngày 22-11-2024, tôi đề nghị ông Bình gí bút thử điện vào người tôi. Lập tức đèn bút thử điện (loại thông thường) bật sáng... Trước khi lên Thái Nguyên, tôi còn “thủ” 2 cái bút thử điện của vợ tôi mua về nhà dùng, mang lên nhà ông Bình… kiểm chứng. Khi yêu cầu ông Bình thay bút thử điện của tôi mang theo, ông ấy gí vào người tôi thì cả hai bút cũng đều sáng đỏ. Không tin vào mắt mình, tôi liền lấy lại hai cái bút thử điện của tôi và lần lượt yêu cầu ông Bình để tự tay tôi kiểm chứng. Khi gí bút thử điện vào lá cây mã đề, lá cây chanh, chạm bút vào cọc tre phơi quần áo nhà ông Bình và kiểm chứng trong chậu nước, dưới đất… chỗ nào cũng phát sáng bút thử điện. Sang hộ gia đình bên cạnh nhà ông Bình và đến gần chân cột điện cạnh khu đất nhà bà Xuân kiểm chứng, thì hiện tượng bút thử điện cũng đều phát sáng.

Có tận mắt chứng kiến và thử nghiệm mới thấu được nỗi sợ hãi của vợ chồng người CCB già Nguyễn Văn Bình suốt nhiều năm qua ra sao. Dù họ sống trong sợ hãi đó, nhưng kêu mãi, gào mãi đến giờ vẫn chỉ là văn bản đưa đi đưa lại của một số cơ quan chức năng…

Chia tay cặp vợ chồng ông Bình, nhìn dáng ông ngày tiều tụy, nước da tai tái, con mắt vô hồn; còn bà Tiến cũng trong tình trạng khi mái tóc của bà ngày bạc trắng và nước da mặt đen xạm, tới nhợt không kém ông Bình... Chúng tôi khuyên ông bà đi đến cơ sở y tế chuyên môn ở trung ương kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng sức khỏe, nhưng ông bà thốt lên: “biết đến nơi nào kiểm tra vì trước đây từng có đoàn về kiểm tra, đánh giá…”.

Từng có nghiên cứu nhiều chỉ tiêu sức khỏe cao hơn bình thường khi bị ảnh hưởng từ trường ở các đường điện
Trước đó, để giải quyết tình trạng người dân kiến nghị liên quan đến ảnh hưởng đường dây cao thế, ngày 5-10-2007, Báo Dân trí đưa tin Bộ Công thương đã tiến hành tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học về mức độ ảnh hưởng từ trường ở đường điện cao thế đi qua hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang...
Tại hội thảo lấy ý kiến đó, một kết quả nghiên cứu rất đáng lưu ý do Hội an toàn vệ sinh lao động Việt Nam công bố, cho thấy có nhiều chỉ tiêu về sức khỏe con người cao hơn bình thường, được cho rằng do ảnh hưởng của điện từ trường.
PGS.TS Trần Công Huấn (Hội an toàn vệ sinh lao động Việt Nam), thông tin kết quả nghiên cứu 151 công nhân trạm biến áp, 222 công nhân đường dây 500kV, với các chỉ tiêu không giống nhau đã cho những kết quả cũng rất khác nhau. Theo đó, chỉ tiêu tần suất tế bào có vi phân ở các công nhân trạm cao hơn  bình thường; ở chỉ tiêu tỷ lệ các bệnh mắc phải thì cho kết quả nhóm được điều tra có các bệnh gan mật cao hơn bình thường. Trong khi đó, các triệu chứng chủ quan thì nhóm công nhân này cũng có tỷ lệ suy nhược thần kinh cao hơn…
Trong một kết quả nghiên cứu khác được tiến hành với với 31 hộ dân ở huyện Củ Chi (TP.HCM) và 44 hộ dân tại tỉnh Hòa Bình (sống gần và xa đường dây 500kV) cũng cho thấy, tỷ lệ các bệnh lao phổi, lao thượng thận ở Củ Chi cao hơn bình thường. Cũng kết quả này thể hiện, những người dân sống gần đường dây cao thế 500kV khi trời mưa thì bị điện giật nếu chạm vào angten, mái nhà…
“Trong khi đó, kết quả nghiên cứu trên chuột nhắt trắng về mức độ ảnh hưởng của điện từ trường cũng đem lại kết quả, loài động vật này sau một thời gian sống nơi có điện trường thì có hiện tượng giảm cân”, ông Huấn cho biết.

Bài và ảnh: Tư Hoành