Sau sự việc tranh chấp, ông Đoàn Văn Hùng - con trai liệt sĩ Đoàn Công Hào sinh hoạt bên túp lều dựng tạm cuối góc vườn.

Ông Đoàn Văn Hùng là con trai của liệt sĩ Đoàn Công Hào (thôn Lộc Tiêu, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), gặp vấn đề về thần kinh. Do nhiều khúc mắc trong vấn đề tranh chấp đất đai, thời gian qua, gia đình ông phải sống lay lắt trong túp lều dựng tạm ở góc vườn, khu vực thờ tự liệt sĩ cũng vì thế lạnh lẽo, tang thương.

Trong đơn và hồ sơ tài liệu gửi đến Báo CCB Việt Nam, bà Hà Thị Hợp - vợ ông Đoàn Văn Hùng (con trai của liệt sĩ Đoàn Công Hào) phản ánh: Ông Đoàn Công Hào hy sinh năm 1967, để lại cho vợ là bà Dương Thị Mậy 3 người con. Sau thời gian làm ăn ở khu vực miền Nam, năm 2003, do tuổi đã cao, bà Dương Thị Mậy trở về quê nhà ở xã Hải Lộc để sinh sống. Không có đất ở, nên cùng năm đó, bà Mậy đã mua lại căn nhà 2 gian của gia đình anh Mai Văn Quang và chị Dương Thị Huế tại khu vực Kè Vích, khu đất thuộc sự quản lý của UBND xã Hải Lộc. Gia đình bà Mậy sinh sống bình thường thì đến năm 2009, ông Đồng Văn Đức - người cùng xã đến tranh chấp thửa đất. Để bảo vệ quyền lợi của gia đình, bà Dương Thị Mậy đã làm đơn xin xác nhận đất ở và được UBND xã Hải Lộc giải quyết bằng cách cho gia đình được ở trên lô đất, có quyền bảo vệ tài sản, nhà cửa của gia đình trên mảnh đất đang sử dụng. Được tu sửa chỗ ở, nhưng không được chuyển nhượng cho người khác. Khi Nhà nước cần sử dụng đất cho mục đích chung của tập thể thì gia đình và chính quyền địa phương bàn bạc, thống nhất cách giải quyết.

Sau khi bà Mậy mất, vợ chồng bà Hà Thị Hợp - ông Đoàn Văn Hùng tiếp tục ở trên mảnh đất này. Theo thời gian, ngôi nhà cũ xuống cấp và bị đổ. Ngày 13-6-2022, gia đình bà Hà Thị Hợp làm đơn báo cáo chính quyền địa phương để xây dựng lại ngôi nhà, vừa là để ở, vừa là nơi thờ cúng bố mẹ. Trong quá trình xây dựng, ông Đồng Văn Đức cùng một số thành viên đến ngăn cản việc xây dựng. Dù phía gia đình đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, quá trình xây dựng cũng bị đình trệ từ thời điểm đó đến nay.

Ngày 15-9-2022, PV Báo CCB Việt Nam có mặt ở xã Hải Lộc để tìm hiểu sự việc. Theo quan sát, ngôi nhà của gia đình bà Hà Thị Hợp mới hoàn thành được phần móng. Thời gian đình chỉ xây dựng quá lâu nên các thanh sắt ở móng đã rỉ sét, gần 10 tấn xi-măng phơi mưa, phơi nắng hư hỏng nặng. Không có chỗ ở, gia đình bà Hợp dựng tạm 1 túp lều ở góc vườn, vừa là sinh hoạt, vừa làm chỗ thờ tự. Do gặp vấn đề về thần kinh nên khi thấy khách lạ, ông Đoàn Văn Hùng chỉ ú ớ, ánh mắt nhìn về phía xa xăm, vô định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Doãn Huân - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết: Chúng tôi đã nhận được đơn của bà Hà Thị Hợp cũng như của ông Đồng Văn Đức về tranh chấp đất ở. Theo hồ sơ 299 (năm 1984-1985), thửa đất này có số 408, tờ bản đồ số 02, diện tích 294m2 mang tên ông Đồng Văn Đức. Hồ sơ địa chính đo đạc năm 2002, thửa đất này có số 266, tờ bản đồ số 11, diện tích 120m2 mang tên ông Đồng Văn Tân (con trai ông Đồng Văn Đức). Khu vực này nằm sát đê biển nên khi đo địa chính, chính quyền địa phương thống nhất cho rằng thửa đất của ông Đồng Văn Đức do ở sát đê, có nguy cơ ảnh hưởng tới cuộc sống nên năm 1986-1987, UBND xã đã chuyển cư, cấp cho gia đình ông Đồng Văn Đức một miếng đất khác ở trong làng (thửa 212, tờ bản đồ số 11 đã được cấp giấy quyền sử dụng đất), để đổi thửa đất 266.

Trả lời câu hỏi vì sao gia đình ông Đồng Văn Đức được UBND xã cấp một lô đất mới, nhưng trong hồ sơ địa chính đo đạc năm 2002 thửa đất số 266, tờ bản đồ số 11, diện tích 120m2 vẫn có tên ông Đồng Văn Tân (con trai ông Đức), thì ông Lê Doãn Huân cho rằng, thời điểm những năm 1986-1987 trụ sở làm việc của UBND xã còn thiếu thốn, việc lưu trữ tài liệu không được tốt nên các giấy tờ đều nhàu nát, thất lạc. Có thể vì thế nên năm 2002, lúc đo đạc vẫn để tên ông Đồng Văn Tân?

Thời gian đình chỉ xây dựng quá lâu nên các thanh sắt ở móng đã rỉ sét, gần 10 tấn xi măng phơi mưa, phơi nắng đã xuất hiện hư hỏng.

Cũng theo ông Huân, năm 2003, bà Dương Thị Mậy trở về địa phương. Trong quá trình tìm kiếm chỗ ở, bà Mậy có mua lại ngôi nhà 2 gian của bà Dương Thị Huế với giá 1,8 triệu đồng. Thời điểm đó bà Huế cũng thừa nhận lô đất này của ông Đồng Văn Đức và yêu cầu bà Mậy nếu muốn sử dụng lâu dài thì phải xin phép ông Đức. Thời điểm năm 2009, xảy ra tranh chấp giữa hai gia đình, UBND xã có xác nhận cho gia đình bà Dương Thị Mậy được sử dụng thửa đất số 266, tờ bản đồ số 11, diện tích 120m2 là vì nhận thấy đây là gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nơi ở nên tạm thời giao cho gia đình sử dụng, còn UBND xã vẫn là đơn vị quản lý thửa đất này.

Liên quan đến tranh chấp đất ở giữa gia đình bà Hà Thị Hợp và ông Đồng Văn Tân, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc đã có chỉ đạo yêu cầu UBND xã Hải Lộc sớm giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả giải quyết trước ngày 25-9-2022.

Thiết nghĩ, việc đúng sai thế nào, rất cần các cơ quan chức năng xã Hải Lộc và huyện Hậu Lộc tích cực vào cuộc, xác minh làm rõ, xử lý dứt điểm vụ việc. Không nên để một người con của liệt sĩ bị tàn tật sống trong cảnh không nhà không cửa và hương hồn liệt sĩ vất vưởng trong túp lều cuối góc vườn!

Bài và ảnh: Võ Hóa