Tháng 5-1969, địch mở cuộc hành quân “dân quyền”; huy động 12 tiểu đoàn bộ binh ngụy và 3 chi đoàn thiết giáp ra khu vực rừng núi phía tây bắc Kon Tum nhằm giải tỏa thế bị uy hiếp của chúng. Đây là cuộc hành quân quy mô lớn đầu tiên thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy ở  chiến trường Tây Nguyên. Để chủ động tiêu diệt địch, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch Đăk Tô 2 nhằm đánh bại cuộc hành quân của địch. Trong chiến dịch này, Trung đoàn 66 - lực lượng chủ yếu của chiến dịch đã có những trận đánh giòn giã, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch; trong đó, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 9 đã dũng cảm mưu trí, sáng tạo ra cách đánh “bao vây, công kích” tiêu diệt gọn tiểu đoàn biệt kích ứng chiến số 2 ngụy do cố vấn Mỹ chỉ huy...

Khác với các chiến dịch trước, đối tượng tác chiến lần này là quân ngụy, nhưng là những đơn vị thuộc lực lượng “con cưng”, khá thiện chiến của quân đội Sài Gòn. Tuy có thua kém quan thầy về hỏa lực, nhưng thủ đoạn tác chiến của chúng lại tinh ranh hơn quân Mỹ rất nhiều. Bọn này khá thông thuộc địa hình rừng núi, luồn lách nhanh, thường tìm cách né tránh để khỏi bị tiêu diệt. Khi hành quân, chúng cho thám báo đi trước thăm dò, nếu phát hiện có lực lượng ta là dừng lại, bí mật tản ra lợi dụng địa hình triển khai công sự chống đỡ. Thực tế những ngày đầu chiến dịch, các đơn vị của ta được lệnh vào chiếm lĩnh trận địa tiến công địch đổ bộ, nhưng khi bộ đội tiếp cận vào thì không thấy địch đâu, có đơn vị còn bị chúng tập kích lại, gây thương vong cho bộ đội.

Trước thủ đoạn xảo quyệt của địch, chỉ huy các cấp và cơ quan của Trung đoàn 66 đã nhiều ngày cùng bộ đội luồn rừng bám địch, nghiên cứu các hành động của chúng và cuối cùng đã thống nhất phương châm: Bộ đội phải kiên trì xuyên rừng lùng sục suốt ngày đêm, chỉ huy tiểu đoàn đi ngay trong đội hình đơn vị, khi phát hiện được địch, phải tổ chức bao vây chặt không cho chúng kịp “di tản”, rồi tìm cách tiêu diệt chúng… Phương châm này nhanh chóng được phổ biến đến các đơn vị.

Sáng 21-5-1969, Tiểu đoàn 9 do Tiểu đoàn trưởng Đinh Xuân La chỉ huy từ khu vực tập kết được lệnh cơ động về tây nam điểm cao 875 để sẵn sàng đánh địch. Bộ đội được quán triệt hành quân bí mật, bám sát đội hình, chỉ huy tiểu đoàn đi ngay đầu đội hình đơn vị. Khi đến khu vực Đăk Dơ Hay thì bộ phận trinh sát đi trước phát hiện có địch. Tiểu đoàn trưởng lập tức cho đơn vị dừng lại rồi bản thân anh nhanh chóng vượt lên nắm địch, thấy lực lượng địch khá đông, chúng phân tán thành từng cụm suốt một dải đồi. Hội ý chớp nhoáng thống nhất chỉ huy xong, Tiểu đoàn trưởng  liền tổ chức cho tiểu đoàn bí mật áp sát đội hình địch, bao vây chặt, rồi tổ chức các đợt công kích mãnh liệt vào từng cụm quân địch. Bị đánh bất ngờ và đồng loạt, quân địch không sao chống đỡ nổi và cũng không chi viện được cho nhau, số chết, số bị thương kêu la khiếp đảm, nhiều tên bỏ mặc đồng bọn tháo chạy vào rừng. Thừa thắng, tiểu đoàn tiếp tục truy kích và dồn chúng thành từng cụm rồi tiếp tục bao vây tiêu diệt. Đến trưa ngày 22-5, Tiểu đoàn 9 đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn địch. Đây là tiểu đoàn biệt kích ứng chiến số 2 do cố vấn Mỹ chỉ huy. Ta diệt và bắt tại trận 327 tên, nêu kỷ lục đầu tiên, tiểu đoàn ta diệt gọn tiểu đoàn địch trên chiến trường Tây Nguyên.

Với cách đánh này, ngay ngày hôm sau, tại điểm cao 668, Tiểu đoàn 9 lại đánh một trận xuất sắc tiêu diệt gọn 2 đai đội, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn biệt động ứng chiến số 1, diệt và bắt hơn 250 tên.

Bị chặn đánh liên tục, sinh lực bị tiêu hao nhiều, sáng 31-5, Bộ chỉ huy địch buộc phải đưa 2 tiểu đoàn biệt động quân số 11 và 23 về chốt giữ điểm cao 875. Trung đoàn 66 được tăng cường Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28 lập tức được lệnh tổ chức tiến công tiêu diệt chúng. Phát huy thắng lợi của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn khẩn trương cho bộ đội vận động tới, nhanh chóng hình thành thế trận, bao vây chặt quân địch, liên tiếp mở các đợt công kích rồi chia thành nhiều mũi thọc sâu, chia cắt đánh chiếm sở chỉ huy, tiến lên xóa sổ hoàn toàn 2 tiểu đoàn này, diệt và bắt 729 tên, thu nhiều vũ khí trang bị. Đây là trận đánh có tốc độ nhanh và đạt hiệu suất chiến đấu cao của chiến dịch.

Từ đây, cách đánh “bao vây, công kích” ra đời, đã xây dựng lòng tin cho bộ đội, đưa trình độ đánh tiêu diệt của Trung đoàn 66 lên một bước mới. Chiến thuật này được vận dụng rộng rãi và không ngừng phát triển, sau này trở thành chiến thuật “Vận động - Bao vây - Tiến công liên tục” của quân đội ta.

Đại tá Nguyễn Hùng Tấn - CCB Mặt trận Tây Nguyên