Huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM
Đường giao thông đến đâu, bộ mặt nông thôn vùng sâu đổi thay đến đó. Phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) là một phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, được nhân dân tích cực ủng hộ và huy động được nguồn lực trong dân để thực hiện. Bằng các nguồn vốn, tỉnh Trà Vinh đã huy động, lồng ghép được hơn 1.400 tỷ đồng phát triển KTXH vùng nông thôn.
Chúng tôi đến ấp Đa Hòa, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành với những mô hình thoát nghèo hiệu quả. Người dân đi xe máy đến tận bờ ruộng, đường GTNT khang trang, rộng rãi, không còn cảnh nhà tranh vách lá. Mỗi công đất (1.000m2) ruộng hoặc trồng màu, nông dân đều có thu nhập ổn định từ 5-10 triệu đồng/vụ. Cả huyện Châu Thành hiện nay đã có 160km đường GTNT liên xóm, ấp trong vùng đồng bào Khơ-me được xây dựng hoàn chỉnh, 100% xã có đông đồng bào Khơ-me được điện khí hóa với hơn 86% hộ có điện. Huyện đã xây dựng 6 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ 3.122 hộ với vốn đầu tư là 2,9 tỷ đồng và hỗ trợ 2.124 lu chứa nước cho 2.124 hộ nghèo, giúp trên 90% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các chợ ở xã Lương Hòa, Lương Hòa A, Hòa Lợi, Song Lộc, Nguyệt Hóa và thị trấn Châu Thành được xây mới và sửa chữa khang trang, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa mua bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi.
Trong số 17 xã điểm xây dựng NTM của Trà Vinh, đến nay có hai xã Long Đức (TP Trà Vinh) và Phú Cần (huyện Tiểu Cần) đã hoàn thành xây dựng NTM đạt 19 tiêu chí; riêng 15 xã còn lại có 1 xã đạt 18/19 tiêu chí, 10 xã đạt từ 10-13 tiêu chí và 4 xã đạt từ 7-9 tiêu chí...
Nỗ lực giảm nghèo
Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh xác định công tác chính sách giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH của địa phương. Trong đó, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách đối với người có công, trợ cấp xã hội thường xuyên, đột xuất; chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo về nhà ở; ưu tiên cho 17 xã điểm xây dựng NTM. Các công trình an sinh xã hội phục vụ cộng đồng cho vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, xã đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo trên địa bàn và giữa thành thị với nông thôn. Năm 2013, tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn hơn 647 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, còn phân công cán bộ, đảng viên ở từng ấp, khóm giúp đỡ các hộ nghèo tại địa phương, đảm bảo giúp hộ nghèo sử dụng đúng và có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ. Nhờ đó, tỉnh đã giảm được 6.485 hộ nghèo, trong đó có gần 3.000 hộ đồng bào Khơ-me.
CCB Kim Dương ở ấp Sơn Lang, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang tự hào cho biết, chỉ với 1,5ha đất nông nghiệp, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình đa canh tổng hợp. Trò chuyện với anh, chúng tôi cảm nhận được nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của nông dân Khơ-me đã được thay đổi cơ bản. Trong từng phum sóc, phần lớn nông dân Khơ-me đã vươn lên làm giàu với nhiều mô hình sản xuất mới, bền vững. Những hộ gia đình trồng ớt chỉ thiên, trồng cà tím, dưa chuột, đậu bắp xuất khẩu, nuôi tôm, nuôi bò… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã không còn là chuyện hiếm.
Sự đổi thay và phát triển trên vùng đất nghèo khó này, giờ có thể cảm nhận được qua từng nét mặt hồ hởi trong lễ hội đua ghe ngo, trong ánh mắt tràn đầy niềm tin khi nhìn theo chiếc đèn lồng gió bay lên trong mùa Ok Om Bok… Những nét văn hóa đặc trưng ấy từng bị mai một trong một quá khứ giờ đã được phục hồi cùng với đời sống sung túc, ấm no.
Bài và ảnh: Phương Nghi