CCB Đặng Việt Dũng và CCB Nguyễn Thị Thúy tại buổi gặp mặt Câu lạc bộ CCB yêu thơ năm 2022.
Đến thăm ông Đặng Việt Dũng và bà Nguyễn Thị Thúy vào một chiều đông ấm áp tại căn hộ ngay bên công viên Hòa Bình, Hà Nội, tôi bị cuốn ngay vào “câu chuyện tình nảy nở từ cánh rừng Trường Sơn” năm xưa của ông bà!
Ông hồ hởi kể:
- Mọi chuyện bắt đầu từ một chiều tôi ra suối tắm. Gần tới bờ suối thì chợt nghe có tiếng con gái nói cười, rồi thấy ba cô gái mặc bộ Tô Châu vàng úa, người gầy đét, tóc cũng vàng hoe xơ xác, da tái sạm vì sốt rét… Nép sau lùm cây quan sát một lúc rồi tôi chạy về doanh trại, hét thật to: “Có ba con tôm luộc ngoài suối các cậu ơi…”. Cậu Phái và Tính ở cùng ban và anh em các phòng, ban khác đều đứng bật dậy hỏi dồn: Tôm nào vậy?
Khi biết đó là ba cô gái thì tất cả rất hào hứng chạy ngay ra bờ suối. Một lúc sau quay về, cậu Tính hể hả: “Ba cô tân binh anh ạ, vừa về Ban Quân y…”. Tôi buông ra một câu nguội lạnh: Miền Bắc hết con gái rồi hay sao mà lại đưa ba con “tôm luộc” vào đây. Rồi những ngày sau đó, tôi là người bôi bác nhiều nhất ba cô quân y mới vào đó.
- Ối dào - bà ngắt lời - hồi mới vào, chị em chúng tôi lại chả như “mì chính cánh” ấy, biết thế nhưng chúng tôi cũng chẳng buồn để ý…
Đó là chuyện lần đầu tiên ông nhìn thấy bà - năm 1968. Khi ấy ông phụ trách Ban Đồ bản, Phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu, Quân khu Trị Thiên. Đơn vị đóng quân ở phía Tây huyện A Lưới, gần sát biên giới. Trong khu rừng già rậm rạp, không mấy khi thấy ánh mặt trời ấy, cả năm cũng chẳng thấy bóng dáng phụ nữ nên sự xuất hiện của ba nữ chiến sĩ quân y đã trở thành sự kiện của khối cơ quan quân khu.
Ngày ấy ở chiến trường kỷ luật rất nghiêm, nhất là quan hệ yêu đương. Những chuyện tình cảm, hầu như chỉ ở mức “thầm yêu, trộm nhớ”. Đã có nhiều anh đến bày tỏ tình cảm, nhưng bà Thúy chỉ lắc đầu! Dù biết đó là tình cảm chân thành. Có một anh cùng cơ quan Hậu cần đã trèo lên cây cổ thụ cao vút, cố lấy một giò phong lan rất đẹp về tổ chức sinh nhật bà… Sau sinh nhật, thậm chí anh đó còn bị bà ý tứ phê bình là “lối sống tiểu tư sản!”. Rồi có lần dép cao su đúc tuột quai, bà cũng tìm cách tự sửa, mặc cho bao chàng xung quanh tỏ ý muốn giúp… Tóm lại là bà rất hồn nhiên với việc ngày ngày đi kiểm tra sức khỏe các phòng, ban, về pha thuốc, điều trị; rồi sinh hoạt Đoàn Thanh niên, tham gia văn nghệ… Thật vô tư như độ tuổi mười tám của bà.
Sự hồn nhiên, say việc và khẳng khái của cô quân y đã khiến chàng đồ bản để ý. Nhất là qua các buổi sinh hoạt liên chi đoànhay liên hoan văn nghệ mà ông Dũng luôn nổi bật bởi dáng cao ráo, điển trai lại văn hay, vẽ đẹp, chụp ảnh và làm ảnh ngay tại đơn vị… Ông thường sáng tác kịch cho Đội văn nghệ diễn. Mà vở nào cũng có nhân vật chính là một nam và một nữ. Như vở “Ra trận”, cô gái đưa tiễn người yêu đi bộ đội và ra chiến trường… Không ai khác, người thủ vai chính luôn là ông và bà đóng đôi. Đã có ý kiến nhắc nhở trong sinh hoạt. “Chúng tôi yêu nhau trên sân khấu mà…” - ông Dũng cự lại.
Bà Thúy xen lời:
- Lúc đầu tôi đâu có ưng. Nhất là tôi là người ít nói nên không thích ông ấy nói nhiều. Cả khi mấy đồng hương ông ấy sang chơi và nói vun vào làm tôi nghĩ ngợi nhiều lắm. Tôi rủ chị Lộc và chị Ấu cùng Ban Quân y ra bờ suối tâm sự mấy buổi mà vẫn trăn trở, bâng khuâng.
Ông Dũng thêm:
- Hồi đó nhiều anh ngỏ lời với bà Thúy mà tôi đâu có biết. Mọi tình cảm và việc “tấn công” của tôi cũng hết sức bí mật. Cho đến đận tôi bị sốt mấy tháng, người xanh rớt, cô ấy đi kiếm lá mua trên rừng và ra suối chém cá về nấu canh chua bồi dưỡng cho tôi, tôi cảm động lắm.
Nhưng quyết định yêu của bà chỉ được củng cố khi Thủ trưởng Dương Bá Nuôi - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu gọi bà lên gặp và nói: Sợ sau này về mày ế, chú “tác hợp” cho nhé. Nhưng chuyến này chú phải đưa nó đi “thử thách” một đợt. Thấy Thủ trưởng quan tâm, bà Thúy yên tâm hơn hẳn. Bà nhớ lại:
- Khi chia tay ông ấy lên đường đi ra Bắc nhận xe, nhìn theo bóng ông ấy xa dần dưới chân đồi, tôi nhớ thương vô cùng và biết chắc là mình đã yêu! Sau chuyến công tác ấy, chúng tôi chính thức yêu nhau nhưng vẫn phải bí mật. Hơn bốn năm sau, khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, chúng tôi mới báo cáo tổ chức. Đơn vị quyết định làm lễ cưới cho cả ba đôi. Biết tin đó, các cụ ở quê bảo chúng tôi phải về cưới ở quê. Thủ trưởng Nuôi còn ký “Giấy chứng nhận và giới thiệu” cho chúng tôi về đưa chính quyền địa phương, đề nghị “cho phép hai đồng chí Dũng và Thúy tổ chức lễ thành hôn tại địa phương”. Thật không ngờ, cả Ủy ban và bà con làng xã cũng rất trân trọng sự quan tâm chu đáo của đơn vị và đám cưới được tổ chức rất vui vẻ.
Vũ Quang Huy