Quang cảnh tọa đàm.

Sáng 16-8, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học: Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập (2017-2022).

Tham dự chương trình có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo một số ban, đơn vị, các cấp hội nhà báo, lãnh đạo một số cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội cùng các nhà báo lão thành, đại diện Cục Di sản văn hóa, lãnh đạo một số bảo tàng…

Tham luận của các đại biểu đã có nhiều đóng góp, chia sẻ sâu sắc, khoa học và có giá trị định hướng phát triển cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong thời gian trước mắt cũng như tương lai.

Các tham luận không chỉ dừng lại với kinh nghiệm, mà còn bày tỏ những mong đợi và gợi ý về công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật, đặc biệt là tài liệu, hiện vật báo chí Việt Nam trước năm 1945 và ở nước ngoài; vấn đề công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo tàng; công tác trưng bày, truyền thông, quảng bá để công chúng đến gần hơn với bảo tàng. Đặc biệt là hoạt động nghiên cứu và phát huy giá trị lịch sử báo chí của một bảo tàng chuyên ngành còn non trẻ.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Triệu Hiển, nguyên giám đốc Bảo   tàng Cách mạng Việt Nam nhấn mạnh: Mỗi công việc mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam   đã làm đều khẳng định vị thế của một bảo tàng công lập, tuy sinh sau đẻ muộn,   nhưng đã làm rất tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, 5 năm so với bề   dày hơn 150 năm lịch sử báo chí nước nhà thì vô cùng ngắn ngủi. Vì vậy, những   gì mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đạt được chỉ mới là bước đầu. Do đó bảo tàng   cần hoạch định những kế hoạch, những dự án ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tầm   nhìn cho 10, 20, 30 năm tới.    

Nhà báo Hà Minh Huệ cho rằng: Tới thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước di sản to lớn của nền báo chí Việt Nam được sưu tập đồng thời được chiêm ngưỡng những tờ báo, tờ tạp chí thời xa xưa; những hiện vật, công cụ tác nghiệp của các thế hệ nhà báo trưng bày rất ấn tượng theo cách hiện đại, tái hiện các thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc.

Phần lễ kỷ niệm 5 năm thành lập (2017-2022) đã phác họa lại chặng đường đã qua và những kết quả đạt được trong 5 năm qua của Bảo tàng Báo chí Việt Nam thông qua hoạt động trưng bày với các hình ảnh, tư liệu đặc sắc, gắn liền với quá trình ra đời và phát triển của Bảo tàng Báo chí Việt Nam; tôn vinh các tập thể và cá nhân đã có đóng góp tích cực và bày tỏ sự nỗ lực, quyết tâm chinh phục những thách thức mới của đội ngũ cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Ngày   28-7-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Bảo tàng Bảo tàng Báo   chí Việt Nam; Lễ công bố quyết định và ra mắt Bảo tàng đã được tổ chức ngày   16-8-2017.  

Ngày   19-6-2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam hoàn thành không gian trưng bày cố định   và chính thức mở cửa đón khách tham quan, được công chúng và các chuyên gia   bảo tàng đánh giá cao về chất lượng trưng bày và hiệu quả giáo dục truyền   thống.  

Tính   đến tháng 7-2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được hơn 35 nghìn tài   liệu, hiện vật từ 15 cuộc vận động hiến tặng và những chuyến đi sưu tầm ở hơn   50 tỉnh thành; 20 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí đã   được tổ chức tại bảo tàng và lưu động ở các địa phương khác; hơn 18.000 lượt   khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài đã đến với bảo   tàng… Sản xuất 250 phim tư liệu và clip về các nhà báo và lịch sử báo chí,   trong đó có chùm phim đoạt giải B, giải Búa liềm vàng (phối hợp với Truyền   hình Nhân dân) năm 2021 và 1 phim đoạt giải khuyến khích, giải Báo chí Quốc   gia lần thứ XVI, 2021; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2011 vì   “đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Báo   chí Cách mạng Việt Nam”.  

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN