Ở khu vực đô thị của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước không khó để bắt gặp hình ảnh những gánh hàng, những chiếc xe đẩy, xe đạp với vô vàn mặt hàng khác nhau đang rong ruổi trên các tuyến phố. Hàng rong gắn liền với biết bao số phận của những người đang gồng mình vì cuộc sống mưu sinh. Mưa nắng không làm họ sợ, họ chỉ lo làm sao bán được hàng để duy trì cuộc sống của gia đình.
Trên các con phố Hà Nội, người bán hàng rong quẩy trên vai đôi quang gánh, đẩy xe đạp đi bán dạo đủ các loại mặt hàng từ đồ ăn tới rau củ quả, trái cây, hàng ví da, túi xách... Họ rời quê lên thành phố vì miếng cơm manh áo đã nhiều năm. Số tiền kiếm được hằng ngày đủ để tằn tiện nuôi sống bản thân và dành dụm gửi về cho người nhà. Có những phụ nữ gắn bó với gánh hàng rong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí lâu hơn.
Chị Bùi Thị Thơm (54 tuổi, quê ở Hà Nam), bán bún đậu mắm tôm quanh khu vực phường Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hơn 20 năm nay, tâm sự: “Ở quê làm nông nghiệp không đủ sống, ruộng vườn ở nhà có chồng và con lo toan. Tôi tranh thủ những lúc nông nhàn lên đây bán hàng, đến mùa vụ thì về cấy hái. Kiếm được đồng nào hay đồng ấy chứ chẳng ai muốn xa gia đình. Tôi trọ ở phòng tập thể đông người, mỗi người chỉ có đúng chỗ nằm. Tuy bất tiện, những rẻ tiền, còn để tích lũy gửi về gia đình”.
Không chỉ phải thức khuya, dậy sớm, mối lo lắng thường trực của người bán hàng rong là không có chỗ bán hàng. “Bán hàng rong nay chỗ này, mai chỗ nọ, lắm khi cũng bị cán bộ phường xử lý. Có nơi người ta cho xin lại hàng sau khi nộp phạt, có chỗ không trả ngay, mãi tới tối tôi mới xin được thì lúc đấy khoai, ngô… đã luộc thiu hết, đành đổ đi” - chị Lưu Thị Cúc (47 tuổi, quê ở Hưng Yên) bán ngô, khoai, sắn luộc giãi bày.
Xa quê hương, lên thành phố kiếm sống, nhiều người thuê trọ ở những khu vực ngoài đê sông Hồng. Đó là những ngôi nhà cấp bốn, giá rẻ, có không gian đủ để đun nấu, làm hàng bán, năm, sáu người cùng thuê một phòng để chia sẻ tiền trọ. Đi bán hàng cả ngày, buổi trưa họ tiện đâu nghỉ đấy, tiện gì ăn nấy, có khi ăn khoai, lúc lại ăn bún, nhưng không bao giờ quá… 20.000 đồng/bữa. Bữa tối nấu ăn cùng nhau với “nguyên tắc”: Tiết kiệm nhất có thể.
Hàng rong không chỉ là kế mưu sinh cho hàng triệu người, mà gánh hàng rong còn góp phần tạo nên nét đặc sắc cho một số tuyến phố và nét độc đáo của đời sống văn hóa đô thị với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia. Đường Phan Đình Phùng rợp bóng hai hàng cây xanh ngát trở nên sinh động với những gánh hàng hoa rực rỡ sắc màu, phục vụ du khách tham quan lưu lại những bức ảnh đẹp; các tuyến phố đi bộ cũng trở nên cuốn hút hơn với những món ăn nhẹ, thức quà phong phú của các gành hàng rong phục vụ du khách…
Ngoài vấn đề mưu sinh, những gánh hàng rong nếu song hành cùng các chính sách cũng có thể đóng góp cho ngân sách. Một quan điểm không đúng trước đây mà các nhà quản lý gặp phải là "làm sạch", "xóa bỏ" các gánh hàng rong. “Làm thế nào để khai thác kinh tế vỉa hè hiệu quả?” đang được chính quyền T.P Hồ Chí Minh đặt ra. Hiện tại, thành phố đã ban hành một số quy định và mức phí cho loại hình này với mục đích đưa hoạt động vào quy củ giải quyết vấn đề an sinh xã hội và phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, những vấn đề đặt ra đối với hàng rong là: Làm sao không ảnh hưởng tới giao thông, mỹ quan đô thị; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng được chính quyền thành phố quan tâm.
Trong quá trình phát triển, đô thị phải gánh chịu nhiều sức ép. Những người bán hàng rong cũng là một bộ phận cấu thành nên đời sống xã hội trong không gian này. Và họ, cũng không tránh khỏi những tác động nhiều mặt từ các chính sách, cơ chế, nhịp sống, khí hậu, môi trường… Xây dựng những cơ chế hỗ trợ, giúp họ ổn định hơn đời sống trong quãng thời gian mưu sinh là một việc cần thiết, thực hiện đúng tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV: “Dứt khoát phải bỏ tư duy quản không được thì cấm”.
Hồ Thanh Hương