Năm nay, mở đầu buổi gặp mặt Trưởng ban liên lạc Lê Anh Khải mời Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc bảo tàng Quân sự Việt Nam phát biểu trước. Khác hẳn với mọi lần, giọng Thiếu tướng Lê Mã Lương chùng xuống. Ông nói:

  • Về dự buổi gặp mặt hôm nay còn có vị khách đặc biệt. Đó là chị Nguyễn Thị Bích Liên, con dâu liệt sĩ Đỗ Văn Tạc, một trong bảy liệt sĩ được chúng ta cùng gia đình đón hài cốt về địa phương tháng 11-2013.
    Đứng lên chào mọi người, chị Liên vừa lau nước mắt, vừa xúc động kể:
  • Đã 6 lần cháu và gia đình cơm đùm, cơm nắm vào các tỉnh thuộc Quân khu Trị Thiên (cũ) tìm phần mộ của bố chồng cháu - Liệt sĩ Đỗ Văn Tạc, nhập ngũ tháng 12-1967 mà không được. Giữa lúc cả gia đình không còn hi vọng, thì có hai bác là Đại tá Đỗ Phúc Công và Thiếu tá Lê Huy Mai, là đồng đội cũ của bố cháu đến nhà nói “Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội Quân khu Trị Thiên” có thể tìm được. Nghe theo, gia đình cháu đến gặp các bác và được bác Trung tướng Khuất Duy Tiến, mở sổ ra tra cứu. Biết bố cháu thuộc c2, k7, e8 Trung đoàn 324, hi sinh ngày 26-9-1972 trên cao điểm 490, thế là bác Trưởng ban liên lạc phân công ngay bác Đỗ Tuấn Đạt, Thường trực Ban liên lạc; Nguyễn Đình Cự; Lê Anh Khái; Nguyễn Văn Chính đi cùng gia đình cháu vượt gần 700km về tận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm hài cốt bố cháu. Các bác đều ngoài 70 tuổi, nhất là bác Đạt, lấy xe riêng của gia đình cùng bác Cự thay nhau lái xe, tự túc hết lương thực, thực phẩm như bộ đội ngày xưa đi đánh giặc; rồi đi bộ, trèo đèo, lội suối mắc tăng, mắc võng ngủ rừng qua đêm để leo lên điểm cao 490 tìm hài cốt bố cháu, đưa về chôn cất “mồ yên, mả đẹp” trong nghĩa trang liệt sĩ quê nhà (xã Thụy Vũ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Hôm nay cháu không biết nói thế nào cho hết được tình cảm của gia đình nhà cháu với các bác. Chỉ biết là chúng cháu, những thế hệ con cháu vô cùng khâm phục các bác - một thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” mẫu mực, hết lòng vì nhân dân, vì đồng đội.
    Chị Liên vừa dừng lời thì một bác trong Ban liên lạc giới thiệu “bác lái xe” đưa đoàn đi tìm hài cốt Liệt sĩ Đỗ Văn Tạc. Đó là CCB Đỗ Tuấn Đạt, nguyên là chiến sĩ lái xe Đội vận tải C69, Cục Hậu cần, Quân khu Trị Thiên (cũ).
    Nghe mọi người kể, lúc này chị Liên mới hiểu thêm, đúng hôm ông Đạt cùng đồng đội lên đường đi tìm hài cốt bố chồng chị thì vợ ông Đạt là bà Nguyễn Thị Mão (một trong những “mạnh thường quân”, mỗi năm tài trợ hơn 300 triệu đồng cho Ban liên lạc hoạt động) đang nằm viện điều trị bệnh gan. Biết là không thể thiếu được chồng mình, vì ông thuộc đường lên điểm cao 490; gia đình lại có xe riêng… bà chủ động bảo ông: “Anh cứ đi. Ở nhà em còn có các con…”.
    Năm 2013, cùng với tìm hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Tạc, Ban liên lạc đã đi 16 lượt vào chiến trường xưa, sang đất bạn Lào, Cam-pu-chia để tìm, đưa về quê hương 14 hài cốt liệt sĩ. Điển hình như: Bác sĩ Vũ Thuỷ, 68 phố Khâm Thiên; Hoàng Quang Bính, thị trấn Đông Anh; Bùi Đăng Thính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai; Ngô Xuân Thủy, xã Tự Lập, huyện Mê Linh; Nguyễn Văn Hồ, Nguyễn Thế Mạc là hai chú cháu cùng ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Nguyễn Xuân, xã Quảng Nhân; Bùi Xuân Ký, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa)…
    Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện cảm động, nhiều tấm lòng, việc làm ân nghĩa mà chúng tôi được nghe, được biết tại cuộc gặp mặt đầy nghĩa tình này. Ai cũng thầm ước nguyện, mong cho họ “chân cứng đá mềm”; “tuổi cao chí càng cao” để tiếp nối truyền thống, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến mới.
    Thúy Hương