Ông Nguyễn Đăng San, quê ở Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tháng 4-1970, khi vừa tròn 18 tuổi ông nhập ngũ, được biên chế vào trung đoàn 1 (trung đoàn Ba Gia-Vạn Tường), Sư đoàn 2. Ông đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Đường 9 - Nam Lào, cao nguyên Bô-lô-ven, giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh, TP Đà Nẵng. Trong một trận đánh ác liệt, tại thị xã Kon Tum, ông bị thương nặng, trong người hiện còn 8 mảnh đạn, được xếp loại thương binh hạng 3/4.
Mang trên mình nhiều thương tật và di chứng chất độc da cam, bằng ý chí, nghị lực, ông đã vượt lên, thực hiện đúng lời Bác dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế". Tháng 8-1975, ông chuyển ngành về ngành than, nhưng di họa chất độc da cam vẫn đeo đẳng ông; làm vợ ông nhiều lần sinh đẻ không thành, ốm đau quặt quẹo; đến lần thứ 8, vợ ông mới sinh được một con gái; hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Năm 2002, ông nghỉ hưu, thành lập Công ty cổ phần Hoà Bình, là công ty chuyên khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng, thu hút hàng trăm lao động, phần nhiều là CCB, đối tượng chính sách, có thu nhập ổn định. Doanh thu của đơn vị hàng năm đạt từ 8,55 - 15 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 500 triệu - 1 tỷ đồng. Ông San đã hình thành một triết lý kinh doanh rất mới, đó là "Làm kinh tế để tri ân đồng đội". Hàng năm, ông đều trích từ nguồn thu nhập cá nhân hàng trăm triệu đồng để thăm và tặng quà những đối tượng chính sách, đi tìm gia đình các đồng đội đã hy sinh, kể lại những câu chuyện chiến đấu của họ; thăm viếng các nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Đường 9, nơi mà nhiều đồng đội của ông yên nghỉ. Ông kể: "Ngày 12-5-2009, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn, tôi cùng đoàn đại biểu chiến sĩ Trường Sơn vào thăm lại chiến trường xưa và thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ. Tôi tặng Nghĩa trang Trường Sơn đôi lọ lục bình có khắc bài thơ, khắc hoạ một thời binh lửa cùng đồng đội. Tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9, trong nước mắt nghẹn ngào, tôi đã đọc bài thơ này viếng đồng đội. Bài thơ có đoạn viết: "...Tôi viết bài thơ gửi tình đồng đội. Anh ở nơi đâu, góc biển, chân trời; ta đã cùng nhau chung sống một thời. Chung đơn vị, hành quân đi phía trước. Đường Trường Sơn gian nan ta cùng bước. Một căn hầm mấy đứa ngủ chung nhau. Súng đạn, ba lô, quần áo gối đầu; Mảnh chăn mỏng chung nhau cùng đắp. Mỗi trận bom gầm, hầm tung bật nắp; Đè đỡ lên nhau che chắn bom thù. Giữa mênh mông khói lửa mịt mù. Vẫn cố gọi, mong thấy nhau đủ mặt. Túi lương khô, chia nhau dè dặt; Điếu thuốc lào mỗi đứa kéo nửa hơi; Vẫn say xưa, vẫn thấy yêu đời. Đi đánh giặc mà vui như trảy hội; Bởi nơi ấy là tình đồng đội; tình quê hương đất nước chứa chan. Đã cho ta sức mạnh phi thường; Để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đồng đội ơi... hiện ở nơi đâu..."
Đọc hết bài thơ, tôi thấy người lạnh toát, run lên bần bật. Từ thinh không thăm thẳm, hình như có tiếng gọi: San ơi!... San ơi!... ơi... ơ... ơ... Tiếng gọi lúc to, lúc nhỏ, lúc hư, lúc thực, rồi lịm dần. Trước mắt tôi hình ảnh những người lính tuổi mười tám, đôi mươi, mũ tai bèo, quần áo xanh lá cây còn mới, đang lớp lớp cầm súng, vượt hàng rào bùng nhùng, đánh vào lô cốt địch. Tiếng hô xung phong, tiếng bom, mìn, tiếng súng nổ cứ vang vọng xa dần. Tôi vô cùng xúc động, cố trấn tĩnh, quan sát đoàn đại biểu gần một nghìn người, xem có ai gọi mình không? Nhưng, phía sau, phía trước và hai bên tượng đài, mọi người đều sụt sùi, không có ai gọi tôi cả. Tôi ngạc nhiên đến thẫn thờ... Có thể, từ thinh không thăm thẳm, những linh hồn của đồng đội đã gọi tôi... Bởi, nghĩa tình đồng đội, từ sâu thẳm tâm linh, vẫn như ngọn lửa, cháy mãi với những người đang sống. Xin cảm ơn các anh hùng liệt sĩ! Xin cảm ơn những người đồng đội một thời binh lửa, đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách, sống xứng đáng với những người đã hi sinh vì tổ quốc...”
Câu chuyện lạ đó làm cho tôi càng thêm hiểu, nghị lực phi thường, vượt lên thương tật để trở thành một doanh nhân tiêu biểu, một CCB gương mẫu của ông Nguyễn Đăng San, Giám đốc Công ty cổ phần Hoà Bình, tỉnh Quảng Ninh.
VIỆT HÙNG