Chúng tôi trọ trong nhà bà Lan, chỉ có hai ông bà chừng 50 tuổi. Anh con cả đã xây dựng gia đình, ở riêng đầu làng rồi đi bộ đội, đóng quân trên Thái Nguyên. Cô con gái thứ hai đi thanh niên xung phong (TNXP) cùng đợt với chúng tôi, nhưng đang ở trong Thanh Hóa. Hằng ngày, chúng tôi ra thao trường luyện tập, ông bà làm lụng trong nhà, ngoài đồng, tất bật theo mùa màng nhưng vẫn dành cho chúng tôi những ấm trà xanh, nồi khoai luộc hoặc nải chuối chín trong vườn. Trong bốn anh em ở trọ, xem chừng ông bà quý tôi hơn cả, bà thường khen tôi vui vẻ và nhanh nhẹn. Thỉnh thoảng bà cũng khoe cô con gái tên là Huệ ngoan hiền, học giỏi, nay đi TNXP biết có bằng chúng bạn không. Có lần bà cho tôi xem một bức ảnh, trong đó là một cô gái mặc trang phục TNXP, đội mũ cối gắn sao, có hai dải đuôi sam ôm lấy khuôn mặt tròn trắng hồng và đôi mắt đen như biết nói. Bà bảo: Em nó đấy, rồi đưa cho tôi một bức thư. Sau những lời thăm hỏi, kể chuyện thường nhật Huệ có hỏi: “Nhà ta có bộ đội đóng quân à mẹ. Lính đặc công là được tuyển chọn cơ bản, tin tưởng lắm mẹ ạ”. Rồi bà nói nhỏ, nếu anh bằng lòng thì tôi để dành cho...
Rồi khóa huấn luyện tân binh cũng trôi nhanh, chúng tôi được ăn bồi dưỡng, nhận quân trang, chuẩn bị lên đường đi chiến đấu. Buổi sáng chúng tôi tập trung ở sân kho để làm Lễ xuất quân thì Huệ cũng vừa về đến nhà. Sau khi thủ trưởng đơn vị phổ biến nhiệm vụ, đại diện chính quyền địa phương phát biểu thì Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Mẹ chiến sĩ hát mấy bài chia tay. Chương trình gần kết thúc thì người giới thiệu dẫn ra một cô gái và nói: Đây là đồng chí Kim Huệ, TNXP xin góp vui một bài. Huệ lúng túng giây lát rồi em chậm rãi: Nhân buổi chia tay các anh bộ đội lên đường đi chiến đấu, em xin hát bài “Bèo dạt mây trôi” để nói lên tình cảm nhân dân quê em với các anh.
Những hàng quân vai mang ba lô, súng quàng trước ngực, lặng lẽ đứng nghe; xung quanh là hầu hết dân làng, trẻ già, trai gái ra đưa tiễn cũng rưng rưng. Huệ mặc chiếc áo xanh có in những bông hoa nhỏ màu trắng, quần sa tanh đen bóng, hai dải đuôi sam vẫn vắt ra phía trước, khuôn mặt tròn đỏ hồng lên theo những luyến láy của bài hát và đôi mắt đen huyền lúng liếng. Tôi như trôi theo lời hát và nghĩ em đang hát cho riêng tôi, chỉ một mình tôi thôi. Khi đơn vị phát lệnh hành quân về vị trí tập kết để lên tàu hỏa vào miền Trung thì tôi định chạy lại, nói với Huệ rằng tôi đóng quân ở nhà em và đã được mẹ cho xem ảnh cùng thư của em gửi về, nhưng lại thôi. Tôi nghĩ, em xinh đẹp thế, nhỡ có người yêu rồi thì sao.
Từ hôm đó trở đi, mỗi khi nằm ngủ hay những lúc thư thái, tôi lại nhớ đôi mắt đen như biết nói, khuôn mặt trắng hồng hai bên là hai dải đuôi sam đung đưa và tiếng hát “Thương nhớ ở ai... sương rơi đến sắp tàn, trăng tàn/ Cành tre đưa trước ngõ, làn gió la đà/ Em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh” khiến tôi thổn thức, bâng khuâng. Thế rồi trận ấy, đơn vị tôi bí mật tập kích vào một cứ điểm địch, nhưng khi làm chủ trận địa thì pháo địch ở xung quanh cấp tập hỗ trợ cho bộ binh phản kich. Một quả đạn pháo trúng vào gian hầm tôi đang chốt giữ, gỗ và đất đá ập xuống. Không biết tôi đã ngất đi trong thời gian bao lâu nhưng khi ấy tôi đã nghe thấy tiếng hát to dần của Huệ: “Thương nhớ... ai sương rơi đêm sắp tàn/ Người đi xa có nhớ/ Là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời, sao chằng thấy anh...”. Tiếng hát của em đã thức tỉnh tôi, đưa tôi ở lại với đồng đội của mình. ..
Do nhiệm vụ của đơn vị, giữa năm 1976 tôi mới được đi phép về thăm quê sau ngày miền Nam giải phóng. Ở nhà được năm ngày, tôi xin gia đình đi Tiên Du tìm Huệ. Tôi không biết khu nhà bếp của đại đội ngày xưa nay xây lại làm nhà mẫu giáo ở cổng làng. Khi tôi đạp xe qua thì thấy một người con gái chống nạng xách một xô nước ngang qua, thấy người lạ, cô dừng lại nhìn và tôi cũng thốt lên “Huệ”. Em buông rơi xô nước chao đảo rồi ngã kịp vào vòng tay của tôi đưa tới.
Thì ra, sau ngày chúng tôi đi chiến đấu, đơn vị Huệ cũng chuyển vào Quảng Bình và đúng những ngày máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Một đêm có đoàn hàng chục xe quân sự nối đuôi nhau chở hàng vào Nam thì chúng bất ngờ ập đến ném bom. Ban Chỉ huy quyết định dùng một xe nghi binh bật pha chạy theo ngả khác thu hút địch, Như vậy là cảm tử để cứu cả đoàn xe. Huệ được lệnh dẫn đường cho chiếc xe đó, chạy chừng 2km thì chiếc ô tô bị một quả rốc két bắn trúng, bốc cháy lao xuống vực, người lái xe hy sinh, Huệ văng ra đường. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong quân y viện dã chiến và mất một chân. Điều trị ổn định, Huệ về quê được đi học lớp mẫu giáo và đang là cô giáo của làng. Bố mẹ đã mất, Huệ sống một mình trong ngôi nhà cũ. Em nói: Ngày các anh vào miền Nam, mẹ viết thư giục em về, sao lúc em hát bài “Bèo dạt mây trôi” anh không đến? Tôi cởi lòng: Anh cũng định gặp em, nói với em về mong muốn của bố mẹ nhưng ngày ấy anh đang trên đường đi chiến đấu, không biết sống chết thế nào, nhỡ ra lại làm khổ em. Ngày mai anh đưa em về thăm quê, thăm gia đình anh. Huệ giãy nảy rằng sao anh vội thế, chỉ có mẹ dặn chứ anh đã nói gì với em đâu, rằng anh phải cho em suy nghĩ, còn các bác, các chú em nữa... Cuối cùng thì em hẹn tôi vài ngày nữa trở lại, em sẽ trả lời.
Đúng ba ngày sau tôi trở lại, Huệ đã xin nghỉ dạy ở trường, vào nhà cổng cũng khóa. Tôi đang băn khoăn thì một cô bạn của Huệ đến đưa cho một bức thư em viết cho tôi vẻn vẹn có mấy dòng: “Anh Thân, ngày anh đến đây thì em đã ở xa rồi. Anh đừng tìm em nữa. Em rất quý trọng anh, từng mong anh mau trở về và yêu anh nữa. Nhưng giờ em là người tật nguyền, em không muốn anh thương hại em”. Cô bạn của Huệ đã kể rằng, em suy nghĩ nhiều trong lần dẫn đường cho chiếc xe nghi binh ở Trường Sơn. Sao hai người cùng ở trên một chiếc ô tô lại chỉ có một người còn sống. Sau ngày ra viện, Huệ đã tìm được quê quán người lái xe hy sinh. Anh ấy có một mẹ già đang sống một mình ở Hải Dương. Huệ đã nhận là mẹ nuôi và có lẽ về đấy. Tôi nghe mà thấy như đang đứng trước một thử thách mới và nhớ đến một khuôn mặt tròn hồng, đôi mắt đen lúng liếng với hai dải đuôi sam đung đưa trước ngực với tiếng hát thiết tha: “Thương nhớ... ai sương rơi đêm sắp tàn, trăng tàn/ Cành tre đưa trước ngõ, làn gió la đà/ Em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh...”.
X.G