** **Lần giở lại sử cũ, Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn viết rằng: "Nhà Nguyễn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp mỗi người sáu tháng lương thực. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Họ tha hồ lượm nhặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn. Họ nhặt được những đồ như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, ngà voi... Họ còn lượm những vỏ đồi mồi, những con hải sâm, những con ốc hoa thật nhiều. Đến kỳ tháng tám thì đội Hoàng Sa ấy mới trở về cửa Eo (cửa Thuận An), rồi họ tới thành Phú Xuân trình nạp các vật hạng đã lượm nhặt được. Người ta cân, khám nghiệm và định xong đẳng hạng các sản vật, rồi mới cho đội này bán riêng những con ốc hoa, mai hải ba, hải sâm. Bấy giờ, đội ấy được nhận lãnh bằng cấp về nhà...". Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam thực lục do các sử thần trong Quốc sử quán biên soạn, Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông, Đại Nam nhất thống chí... đều có những trang ghi chép cụ thể về đội Hoàng Sa. Công việc của họ được ghi lại không chỉ là lượm nhặt hải vật, đồ đạc tàu thuyền bị đắm, mà kiêm quản cả đội Bắc Hải cùng làm nhiệm vụ ở Trường Sa và các đảo phía trong Nam. Đặc biệt, đội Hoàng Sa còn làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, canh chừng giặc biển, dựng bia chủ quyền và giữ gìn các hải đảo Hoàng Sa. Trai tráng vùng cửa biển Sa Kỳ, mà nhiều nhất là đảo Lý Sơn, được chọn vào hải đội Hoàng Sa vì họ có truyền thống đi biển rất thạo. Và cũng bởi từ đây cũng là nơi có hải trình ngắn nhất để ra quần đảo Hoàng Sa.
Biển là một ngư dân trai trẻ, nước da đen sạm, tóc dài phủ gáy, quê ở đảo Lý Sơn. Tôi quen Biển thật tình cờ. Đó là một đêm mưa bão, tàu đánh cá mà Biển là thủy thủ trẻ nhất dạt vào Bến Nghè, đảo Cồn Cỏ. Máy hỏng, tàu trôi dạt suốt 3 ngày đêm lênh đênh trên biển cả ngập tràn bão tố. Tàu va vào bãi đá ngầm, vỡ toác. Cả năm người trên tàu đã kiệt sức. Cả năm người đã buộc chân với nhau bằng một sợi dây cước chắc chắn, để nếu có chết thì vẫn bên nhau. Chúng tôi lao xuống tàu, đưa cả năm người lên bờ, đốt lửa sưởi ấm, nấu cơm nóng cho ăn với thức ăn là ruột cây đùng đình kho muối. Dạo ấy, biển động lâu quá, thực phẩm của bộ đội trên đảo cạn kiệt, nên chỉ còn cây đùng đình mọc hoang trong rừng làm thức ăn chủ lực. Biển, sức trẻ mười bảy nên hồi phục rất nhanh. Biển kể với tôi rằng, ba của Biển nghe đâu đã chết trong một chuyến vượt biên ra nước ngoài, mẹ đi lấy chồng, Biển ở với ông chú là chủ tàu này, mười tuổi đã đi biển, thuộc lòng biển như thuộc lòng bàn tay, nhìn hướng sóng là biết đất liền ở đâu, ngửi mùi tanh của biển biết trời yên trời động… Nhưng mà, Biển lại chưa biết chữ, bởi có được đi học ngày nào đâu… Biển kể, có những chuyến biển dài ngày, đi giữa đại dương mênh mông vạn dặm, thỉnh thoảng Biển nhìn thấy dải đất mờ xa ở cuối đường chân trời, Biển hỏi chú đó là đâu? Chú dừng tay gỡ cá trong lưới, đứng dậy sửa soạn áo quần, thắp ba nén nhang bái vọng về dải đất xa mờ. “Hoàng Sa!” - Chú buông độc một câu như một lời thề vậy, chứ không phải như để trả lời câu hỏi của đứa cháu thất học. Biển, hậu duệ của những thủy binh trong đội Hoàng Sa thuở xưa, trí óc còn chưa khai mở, những đã cảm thấy thiêng liêng bởi hai tiếng “Hoàng Sa”. Biển đã từng nghe người già trong làng kể chuyện, đã có biết bao nhiều người dân của làng đến đó mà không trở về… Đêm ấy, những ngư dân trên con tàu thoát nạn và Biển đã kể cho chúng tôi nghe cuộc đời đi biển đầy giông tố. Họ kể về cái làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn giờ đây vẫn còn các ngôi mộ gió do dân làng lập nên cho những đứa con của làng đã hi sinh ở Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước. Mỗi lần ra biển, họ đều đến thắp hương khấn vái cầu mong linh hồn bất tử những thủy binh hải đội Hoàng Sa tung hoành một thuở chở che họ vượt qua phong ba bão tố, gặp may mắn hanh thông trong chuyến biển dài… Họ kể, có những lần hải trình đi ngang qua Hoàng Sa, thấy dải đất mờ xa trắng bạc, tất thảy tàu thuyền đều tắt máy, thủy thủ xếp hàng ngang đứng trên bong tàu, thắp nhang vái lạy về phía mảnh đất lênh đênh ngoài khơi xa của Tổ quốc, nơi có thể còn đâu đó hài cốt tổ tiên của họ. Trong trái tim chai sạn một đời bão gió của họ dậy lên niềm thương cây nhớ cội, chợt thấy đau nhói một nỗi niềm… Họ rót chén rượu trắng, hai tay dâng lên trời, rì rầm lời khấn nguyện rồi đổ xuống biển xanh sâu thẳm, như mong được chia sẻ và tạ tội cùng tiền nhân…
Sử liệu, thư tịch cũ viết rằng năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Vua chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị việc phái người ra dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165, đã chép rằng từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu Vua hằng năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê trong bản tấu của Bộ Công ngày 12-2-1836 rằng: mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, để làm cột mốc... Quyển 6, Đại Nam thực lục chính biên chép: Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, người làng An Vĩnh đưa binh thuyền đi, đem theo mười bài gỗ làm dấu mốc. Mặt bài khắc chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ... Vẫn còn lưu truyền câu chuyện trong ký ức của các cụ già ở Lý Sơn, đó là cuộc ra đi hùng tráng. Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật đã dẫn đầu 5-6 chiếc thuyền ra biển Đông. Mỗi thuyền chở khoảng mười người với mười tấm bài gỗ và mang theo lương thực đủ ăn sáu tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới bãi Cát Vàng, tức quần đảo Hoàng Sa bây giờ. Cập vào đảo nào, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ. Không ai nhớ Phạm Hữu Nhật đã đi được bao nhiêu chuyến, nhưng cuối cùng ông đã không về cùng với đội binh thuyền Hoàng Sa của ông… Nhưng cái tên ông đã được đặt cho một hòn đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa: Đảo Hữu Nhật, ở phía nam Hoàng Sa, diện tích khoảng 0,32 km2. Đảo có nhiều san hô, cỏ tranh. Vào mùa xuân, loài vích biển thường bò lên đây để đẻ trứng…
Mùa xuân năm ấy, trời yên biển lặng, nắng vàng tan chảy trên đồi cỏ tranh Hải Phòng, Hà Nội ở đảo Cồn Cỏ, đoàn ngư dân gặp nạn được chúng tôi cứu giúp bùi ngùi chia tay, trở về đất liền. Biển, nước mắt đã chảy, nói với tôi ở cầu cảng: “Sang năm em sẽ nhập ngũ, đi bộ đội hải quân!”. Tôi hét với theo Biển trên chuyến tàu đầu năm: “Nhớ học chữ đã, Biển ơi! Không biết chữ, không đi bộ đội được đâu!”. Rồi một thời gian trôi qua, một hôm, bất ngờ chúng tôi nhận được thư của Biển: “Em đang theo học lớp học tình thương, lớp 5 rồi các anh ạ. Ba của em cũng đã trở về, ông đã sống sót nhờ bám được một mảnh ván thuyền vỡ trong cơn bão, rồi được thuyền nước ngoài cứu nạn. Ông biểu em qua bên đó với ông, nhưng em không muốn, em ở đây đi biển quen rồi, em quen ở một mình rồi… Vả lại, em còn phải học nhiều chữ nữa, để đi bộ đội hải quân… À các anh ơi, ông Phạm Hữu Nhật, chánh đội trưởng hải đội Hoàng Sa mà chú em đã kể cho các anh nghe ấy, giờ mới biết chính là Phạm Văn Triều, người trong họ em đấy”. Biển, chàng trai trẻ mang cái tên như chính cuộc đời nhiều sóng gió, cực khổ của em, đã làm cánh lính trẻ chúng tôi xúc động. Chúng tôi cử hạ sỹ Trần Công Thành, người “văn hay chữ tốt” nhất trung đội viết thư trả lời, tiếp tục động viên Biển vượt lên trong cuộc sống. Buổi chiều hôm ấy, xin phép chỉ huy, chúng tôi ra đứng trên mỏm Con Hổ, rồi đi dọc bãi biển Hi-rôn ở mạn đông Cồn Cỏ, phóng tầm mắt ra ngoài khơi xa. Chiều xuân gió biển dịu nhẹ. Một mảnh ván gỗ vỡ ra từ một con tàu bất hạnh nào đó. Một chiếc phao thủng, một cái muôi cơm bằng nhựa, dạt trên bãi cát san hô. Biển xanh quá thể, bất chợt một cậu lính trẻ nào đó buột lên hai tiếng “Hoàng Sa!”. Chúng tôi dừng bước, và như những ngư dân trên chuyến tàu bị nạn năm nọ, đứng hàng ngang sát mép sóng biển, mặt hướng vọng về phía khơi xa… Trong tim ngân vọng hai tiếng Hoàng Sa. Hoàng Sa ơi, chúng tôi thương nhớ Người lắm lắm!
** Tùy bút của Trần Hoài**