CCB Đặng Hào Quang (thứ ba từ phải sang), trao đổi kinh nghiệm với Đoàn cán bộ Ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam và Thường trực Hội CCB tỉnh Nghệ An tại cơ sở sản xuất của Công ty An Khang.

Sau 4 năm tại ngũ (1985-1989) ở Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn công binh 185, Binh đoàn 12, CCB Đặng Hào Quang xuất ngũ về quê ở xóm Đông Hội 1, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Kết duyên với cô gái cùng quê Nguyễn Thị Nam, kinh tế bước đầu của đôi vợ chồng trẻ hết sức khó khăn. Không cam chịu cảnh nghèo khó, CCB Đặng Hào Quang có nhiều năm trăn trở, lăn lộn để thoát nghèo vươn lên...

Quê nhà đất nông nghiệp ít, lại bạc màu nên hằng năm cho thu nhập thấp khiến rất nhiều lao động phải bỏ quê đi xa, tìm công việc. Sau bao trăn trở, Đặng Hào Quang quyết tâm phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm giàu, phải tạo được nhiều việc làm cho bà con chính trên quê hương mình. Từ đó anh Quang tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở xóm, xã. Qua giao lưu, tìm hiểu, anh nhận thấy thế mạnh kinh tế ở vùng quê và các địa phương lân cận như Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu... đều là vườn trồng gỗ keo, gỗ xoan... Anh lặn lội ra các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình để học hỏi kinh nghiệm, tiếp quản hệ thống máy công nghiệp sản xuất và chế biến lâm sản gỗ vườn trồng.

Được sự động viên của gia đình, đồng đội, cấp ủy và chính quyền địa phương, CCB Đặng Hào Quang thành lập Công ty. Tháng 11-2015, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp phép hoạt động cho Công ty CP chế biến lâm sản An Khang.

Công ty thực hiện quy trình sản xuất khép kín, từ thu mua nguyên liệu, phân loại xử lý, chế biến đến sản xuất thành gỗ ép. Nguồn nguyên liệu được thu mua tại địa phương và vùng lân cận các loại gỗ vườn như keo, xoan... Mức giá thu mua tại chỗ gỗ cành, ngọn là gỗ xoan, keo đường kính từ 5cm trở lên 1 triệu đồng/m3, từ 10cm trở lên 2 triệu đồng/m3 và giá cứ tăng theo đường kính gỗ. Thanh toán trả tiền tại nơi thu mua. Với cách đó, Công ty thu mua hết tất cả nguyên liệu có trong dân. Những thứ tưởng như bỏ đi hoặc làm củi thì bây giờ đã có nhà máy để tiêu thụ.

Công đoạn tiếp theo là tuyển chọn, phân loại gỗ theo nhóm. Loại đưa vào hệ thống xẻ thanh, tiếp theo hệ thống sấy gỗ trong lò kín nhiệt độ cao chống mối, mọt. Tiếp đó là các công đoạn bào, soi rãnh âm dương, phủ keo ép mặt phẳng, ép tấm. Độ dày, rộng, dài tùy theo đơn đặt hàng của khách hàng. Hiện tại, Công ty bán gỗ ép thành phẩm với giá 13 triệu đồng/m3 theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để có được những sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, anh Quang phải trải qua bao khó khăn vất vả. Từ tìm nguồn vốn ban đầu để dựng nhà xưởng, máy móc công nghiệp với tổng chi phí trên 5 tỷ đồng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Với sự kiên trì nhẫn nại, bản thân CCB Đặng Hào Quang vừa là Giám đốc, vừa là quản lý, vừa là thợ bảo dưởng sửa chửa máy công nghiệp chế biến gỗ.

Ngày 26-7-2019, Đoàn cán bộ Ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam, Thường trực Hội CCB tỉnh Nghệ An đến thăm xưởng chế biến gỗ, Công ty An Khang, được Đoàn đánh giá là mô hình mới có hiệu quả, bảo đảm môi trường, giải quyết được nhiều lao động phổ thông, lao động là vợ, con, em CCB. Anh Quang cho biết, hiện số lượng công nhân thường xuyên làm việc tại 3 địa điểm từ 30-45 người, mức lương lao động phổ thông từ 4-8 triệu đồng/tháng, công nhân kỹ thuật từ 9 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào các vị trí việc làm. Công ty góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng quê hương.

Từ khó khăn đi lên CCB Đặng Hào Quang rất thấu hiểu nghĩa tình đồng đội, gia đình anh và Công ty luôn đi đầu trong các phong trào ủng hộ tại địa phương, các ngày lễ, tết Công ty đều trích từ lợi nhuận tặng quà cho công nhân, gia đình chính sách khó khăn, trẻ mồ côi khuyết tật, hộ nghèo hàng chục triệu đồng/năm.

Năm 2019, CCB Đặng Hào Quang được bầu là Đại biểu tiêu biểu đi dự Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “CCB gương mẫu” huyện Nghĩa Đàn lần thứ VI, được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen

Trần Văn Đồng