Tại Phiên họp UBTVQH thứ 22, Quốc hội Khoá XIV, Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam có chất vấn Thủ tướng Chính phủ về 3 vấn đề: Giải pháp xử lý rác thải ở địa phương; giải pháp nâng cao năng suất lao động, mở rộng quy mô nền kinh tế; giải quyết chính sách đối với người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.
Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, xử lý chất thải rắn
Về vấn đề xử lý rác thải, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau: Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn và khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ dự án đầu tư xử lý chất thải rắn như: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam; Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.
Công tác quy hoạch cũng được Thủ tướng Chính phủ và địa phương quan tâm, tổ chức lập và phê duyệt theo thẩm quyền, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn cũng như việc thực hiện tốt hơn công tác quản lý chất thải rắn. Cụ thể như quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải rắn bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, Vùng đồng bằng sông Cửu Long và ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Thực tế thời gian qua vẫn còn có sự bất cập trong quản lý chất thải rắn, chưa thống nhất và đồng bộ trong quản lý chất thải từ Trung ương tới địa phương; hiệu lực, hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cao; xu hướng, mức độ phát sinh chất thải rắn đang tiếp tục gia tăng, nhất là chất thải rắn sinh hoạt ở các khu vực đô thị. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có chế tài áp dụng và đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý chất thải rắn tại nguồn, ở các đô thị loại IV và V, công tác thu gom vẫn chưa được cải thiện nhiều do nguồn lực còn hạn chế, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang áp dụng ở nước ta ngày càng đa dạng nhưng hiệu quả thực tế chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể như sau:
- Kiện toàn hệ thống tổ chức phục vụ công tác bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nội dung về quản lý chất thải quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường tới các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý chất thải rắn nhằm thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và quản lý một cách đồng bộ, hiệu quả; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về mô hình xử lý chất thải phù hợp, theo hướng giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu năng lượng từ chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Rà soát, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải.
- Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi), quỹ bảo vệ môi trường, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tiếp tục tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn và áp dụng cơ chế giá dịch vụ công trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý chất thải.
- Tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hoá công nghệ và sản xuất thiết bị tái chế, xử lý chất thải rắn. Định hướng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện của các vùng miền, địa phương và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Phát triển và nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác quản lý chất thải rắn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Nghiên cứu, điều chỉnh các biện pháp chế tài nghiêm khắc, phù hợp với các hành vi vi phạm quy định về thu gom, xử lý chất thải rắn tại nguồn theo từng công đoạn.
- Nhằm thực hiện tốt các nhóm giải pháp cơ bản trên, dự kiến thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường, cụ thể là 100% tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh từ cơ sở y tế phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; và các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ cơ bản cần thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Các giải pháp cải thiện năng suất lao động
Theo thông lệ, năng suất lao động (NSLĐ) được tính bằng GDP chia cho số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Cùng số lao động đang làm việc, nếu GDP càng lớn thì NSLĐ càng cao. Quy mô của GDP nhìn chung phụ thuộc vào các nhân tố sản xuất là lao động, vốn và công nghệ. Sự kết hợp hiệu quả của các nhân tố lao động, vốn và công nghệ còn tùy thuộc vào môi trường thể chế, mô hình tăng trưởng, cơ cấu của nền kinh tế và một số nhân tố khác. NSLĐ là một trong các chỉ tiêu thể hiện rõ ràng nhất năng lực, mô hình và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Với thực tiễn của Việt Nam, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, 40% lao động còn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 60% lao động còn làm việc trong khu vực phi kết cấu thì mục tiêu đầu tiên là chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các khu vực khác và chính thức hóa việc làm khu vực phi kết cấu là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Trong nội bộ từng khu vực công nghiệp, dịch vụ cũng như nông nghiệp, việc chuyển dịch từ các ngành tạo ra giá trị gia tăng thấp sang các ngành tạo ra giá trị gia tăng cao cũng quan trọng không kém.
Vì vậy, đối với nước ta, để cải thiện NSLĐ của cả nền kinh tế thì việc đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực có giá trị gia tăng thấp sang khu vực có giá trị gia tăng cao là quan trọng nhất; cùng với đó là những giải pháp cụ thể sau:
a- Nhóm giải pháp chung: - Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực nói chung và nguồn nhân lực nói riêng. Điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, chủ động. Tăng cường hiệu quả phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô.
- Phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân gắn với cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả, cạnh tranh. Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2017 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Xây dựng chính sách ngành kinh tế trọng điểm cần tập trung đầu tư phát triển, đi kèm với các chính sách ưu đãi và tạo động lực cho sự tham gia của khu vực tư nhân và thu hút lao động có kỹ năng vào những ngành này. Đẩy nhanh việc xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển các ngành, lĩnh vực như khởi nghiệp sáng tạo; nhân lực cho công nghệ thông tin; gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
- Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, thương mại. Rà soát, loại bỏ mọi điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không cần thiết và các loại phí không chính thức.
- Thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân; kịp thời giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp.
- Cải cách mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm sự tham gia vào các ngành, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao, khu vực ngoài nhà nước có thể đảm nhận. Cần xây dựng lộ trình với những biện pháp cụ thể để xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những ưu đãi với doanh nghiệp nhà nước, tiến tới loại bỏ hoàn toàn.
b- Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực - Rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương. Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng giáo dục, gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo một số trường đại học, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới.
- Thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo, thực hiện tự chủ các trường đại học, cao đẳng công lập. Tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học; công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, trên cơ sở đó thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học.
- Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học, trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động giảng dạy nghiên cứu, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng đào tạo.
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện cơ sở vật chất; cải thiện điều kiện ăn ở, đi lại cho học sinh nội trú ở vùng sâu, vùng xa; bảo đảm công bằng trong giáo dục, đào tạo.
- Xây dựng các quy định về liên thông giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả trong đào tạo, tạo cơ hội học tập, phát triển năng lực cho người học. Thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề (không phân biệt hình thức sở hữu) theo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động của doanh nghiệp.
- Triển khai thực hiện theo lộ trình việc phân bổ chi ngân sách cho hoạt động dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập. Mở rộng áp dụng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề (không phân biệt hình thức sở hữu) từ nguồn ngân sách nhà nước; nghiên cứu việc chuyển một số cơ sở dạy nghề công lập thành đơn vị cung cấp dịch vụ công, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự bù đắp chi phí và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội.
- Tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ lao động; khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp tham gia dạy nghề; khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn, tự đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của bản thân, các doanh nghiệp bạn hàng, đối tác, các doanh nghiệp có liên quan khác.
- Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng, đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài; thực hiện đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Vận động đối tác nước ngoài tham gia xây dựng và phổ biến mô hình đổi mới về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam. Nghiên cứu, thúc đẩy các hiệp định công nhận lẫn nhau trong các ngành nghề phù hợp. Nâng cao hiệu quả các chương trình học bổng của các nước, tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam.
c- Nhóm giải pháp về khoa học và công nghệ - Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động nghiên cứu ứng dụng sang khu vực doanh nghiệp.
- Xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ cho giai đoạn đến năm 2025. Tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
- Xây dựng, thực hiện các chương trình xúc tiến, chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặt cơ sở nghiên cứu phát triển tại Việt Nam và sử dụng kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam.
- Tăng cường cơ chế đối ứng hợp tác công tư để khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Tăng quy mô tài chính cho các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay từ các quỹ nhà nước cho dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; hình thành thiết chế bảo lãnh vốn vay đối với các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ để doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
- Chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp. Xây dựng chính sách khuyến khích chuyển dịch lao động trình độ cao từ các viện nghiên cứu, trường đại học sang khu vực doanh nghiệp.
- Đầu tư hình thành và vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ, chuyên gia công nghệ, trung gian công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn công nghệ cần đổi mới, chuyển giao. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đánh giá, định giá tài sản trí tuệ và góp vốn doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ.
- Thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
d- Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước - Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương; đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức tổ chức tuyển dụng, sử dụng, trả lương, đánh giá, đề bạt cán bộ; thực hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện điện tử hóa nghiệp vụ quản lý nhà nước và xã hội hóa việc xây dựng các dữ liệu thông tin quản lý nhà nước trong phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ.
- Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Nhiều chính sách hỗ trợ người có công
Cùng với những thành quả đạt được về kinh tế - xã hội của đất nước sau nhiều năm đổi mới và hội nhập, Nhà nước không ngừng xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/Dioxin cả về đối tượng thụ hưởng và điều kiện thực hiện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua thường xuyên được hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012, Pháp lệnh cơ bản khắc phục được những bất hợp lý so với trước đây, tạo được sự phấn khởi chung của đối tượng thụ hưởng và nhân dân, chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng từng bước được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thông qua đó, số lượng đối tượng người có công được công nhận và thực hiện chế độ người có công ngày càng tăng; các mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh để hỗ trợ đời sống cho gia đình người có công.
Năm 2002, cả nước xác nhận được trên 6 triệu người người có công với cách mạng, đến năm 2017, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công, trong đó người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học gần 312.000 người (năm 2002 đối tượng này chưa phải là đối tượng người có công theo quy định của Pháp lệnh, năm 2012 là khoảng 186.000 người). Hiện nay, theo thống kê của Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, chăm sóc không ngừng phát triển.
Cùng với chính sách ưu đãi người có công và hệ thống chăm sóc sức khỏe rộng khắp, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình quốc gia về kinh tế - xã hội; đã huy động toàn xã hội chăm lo cho các đối tượng người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo trong đó có nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thông qua: Chương trình xóa đói, giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình 135; Chương trình 30a; Chương trình xây nhà tình nghĩa, nhà đồng độ; Hệ thống các quỹ: Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Kết quả thực hiện các Chương trình và hoạt động của các Quỹ đã tạo ra phong trào xã hội rộng lớn, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các nhóm đối tượng này, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/Dioxin.
Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rõ về thời gian và vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc trong chiến tranh ở Việt Nam làm căn cứ để xác nhận đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời, việc giải quyết chế độ phải căn cứ danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học do Bộ Y tế quy định.
Để tiếp tục tăng cường năng lực, củng cố phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, ngày 20/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cùng với chính sách an sinh xã hội khác đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội góp phần phát triển bền vững, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội cho công tác trợ giúp xã hội; phát huy sự quan tâm và chăm sóc của xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Đối với kiến nghị mở rộng việc xác nhận và giải quyết chế độ đối với số người bị phơi nhiễm chất độc da cam (không phải người hoạt động kháng chiến) cần tiếp tục được các cơ quan chức năng (Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế) nghiên cứu, đánh giá cụ thể và xây dựng chính sách khi có đầy đủ cơ sở thực tiễn, khoa học và trong điều kiện kinh tế - xã hội cho phép.
Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, trong đó có nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung chính sách đối với một số đối tượng, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung yêu cầu của Chỉ thị.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo: Bộ Y tế thực hiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phòng ngừa dị tật bẩm sinh có liên quan đến chất độc hóa học; nghiên cứu chỉnh sửa bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ; tăng cường mạng lưới giám định y khoa và nâng cao năng lực giám định bệnh tật, dị tật có liên quan với chất độc hóa học; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách cho các nạn nhân chất độc hóa học/ Dioxin, đề xuất các điều kiện để xác định nạn nhân da cam/Dioxin, làm cơ sở tiến hành tổng điều tra số lượng nạn nhân chất độc hóa học/Dioxin.
VPCP