Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là dự án Tân Rai) khởi công xây dựng năm 2008, có công suất thiết kế (giai đoạn I) là 650.000 tấn alumin/năm (giai đoạn II là 1,3 triệu tấn/năm); tổng mức đầu tư hơn 15.400 tỷ đồng, bao gồm 3 hợp phần là Khai thác mỏ, Nhà máy tuyển và Nhà máy alumin do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư dự án.
Đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường
Theo báo cáo của TKV, từ tháng 10/2013, Dự án Tân Rai đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, chạy thử và đi vào vận hành thương mại. TKV đã giao Công ty Nhôm Lâm Đồng-TKV quản lý vận hành toàn bộ dự án. Cho đến hết năm 2014, dự án đã khai thác lũy kế hơn 5 triệu tấn quặng bauxite, sản xuất ra gần 2 triệu tấn tinh quặng, 682.000 tấn alumin, xuất khẩu 490.000 tấn, đạt kim ngạch 160 triệu USD. Theo kế hoạch, năm 2015, Công ty sẽ sản xuất 540.000 tấn alumin và khi đạt công suất thiết kế năm 2016 sẽ đạt 650.000 tấn.
Đánh giá chung cho thấy, sau hơn 1 năm tổ chức vận hành Nhà máy alumin của dự án, Công ty Nhôm Lâm Đồng-TKV về cơ bản đã nắm được công nghệ, vận hành Nhà máy ổn định và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Sản lượng sản xuất ngày càng ổn định và tăng dần. Phần lớn sản phẩm alumin của Nhà máy được xuất khẩu tới 11 khách hàng từ Thụy Sỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông … với giá bán alumin bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn so với tính toán của Dự án là 325 USD/tấn. Ngoài ra có hơn 20 khách hàng trong nước hợp đồng tiêu thụ trên 90.000 tấn alumin. Sản phẩm do Nhà máy sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho.
Dự án còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lâm Đồng. Với giá trị sản lượng công nghiệp khoảng 3.500 tỷ đồng năm 2014 và lên đến 4.500 tỷ đồng năm 2015 khi nhà máy hoạt động hết công suất, nhà máy này đã giúp tỉnh Lâm Đồng tăng hơn gấp đôi giá trị sản lượng công nghiệp. Đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 210 tỷ đồng năm 2014 và khoảng 400 tỷ đồng năm 2015. Với việc tiếp tục đầu tư mở rộng công suất nhà máy lên 1,3 triệu tấn/năm và xây dựng nhà máy điện phân nhôm thời gian tới, dự án không chỉ gia tăng sản lượng, giá trị công nghiệp địa phương mà còn giúp hình thành ngành công nghiệp bauxit - nhôm hoàn chỉnh, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị của tỉnh Lâm Đồng.
Cho đến thời điểm hiện tại, Dự án Tân Rai đã thu hút và tuyển dụng trực tiếp trên 1.200 công nhân công nghiệp (lao động địa phương), tạo việc làm ổn định cho khoảng 12.000 lao động liên quan. Hơn 1.450 lao động của Công ty nhôm Lâm Đồng có việc làm ổn định và thu nhập bình quân 6,6 triệu đồng/người/tháng.
Dự án cũng luôn quan tâm, xử lý kịp thời những vấn đề về môi trường liên quan đến dự án. Các thông số môi trường trong quá trình vận hành đều được đảm bảo dưới ngưỡng cho phép. Tại thời điểm ngày 04/02/2015 chỉ còn 28 lao động Trung Quốc của Nhà thầu EPC Chalieco làm việc tại dự án để thực hiện các công tác bảo hành, nghiệm thu, thanh toán và sẽ kết thúc công việc vào cuối tháng 10/2015. Tất cả các lao động nước ngoài tại dự án đều được cấp phép theo đúng qui định.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai thác bauxit là đúng đắn
Sau khi đi thị sát, kiểm tra tình hình sản xuất, tiến độ triển khai thực hiện Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Tân Rai, Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo TKV và Ban quản lý dự án. Tại đây, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, địa phương, các đơn vị liên quan trong việc khắc phục và vượt qua khó khăn để triển khai dự án và đạt được những kết quả đáng vui mừng. “Những kết quả này đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai thác bauxit để sản xuất Alumin, nhôm là đúng đắn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Thủ tướng cho biết, qua kiểm tra, Dự án Tân Rai đã đảm bảo hiệu quả tổng hợp, gồm cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và yêu cầu về môi trường. Những lo ngại về hoàn nguyên, xử lý bùn đỏ đều được giải tỏa bởi kiểm tra các thông số về môi trường đều dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép; tiến hành hoàn nguyên và trồng cây công nghiệp ngay sau khi khai thác; các hồ bùn đỏ được xây dựng quy mô, công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn.
Từ kết quả triển khai dự án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu TKV tiếp nhận, vận hành tốt nhà máy Alumin, nâng công suất của nhà máy đạt 100%; bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn môi trường, không chủ quan và tiếp tục kiểm soát, bảo đảm an toàn tuyệt đối hồ chứa bùn đỏ cũng như môi trường, sinh thái, cảnh quan trong khu vực dự án. Thủ tướng cũng lưu ý tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, tuyển dụng lao động cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương; phối hợp tốt với địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật; phủ xanh diện tích đất ở các khu vực được hoàn nguyên sau khai thác quặng cũng như phối hợp trong hình thành một đô thị mới trên tinh thần bảo đảm tốt các yếu tố văn hóa, xã hội ở địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý tiến hành cổ phẩn hóa doanh nghiệp khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định nhằm huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân, các nhà đầu tư chiến lược nhằm tiếp tục mở rộng quy mô theo hướng tăng gấp đôi công suất nhà máy và mở rộng sản xuất alumin thành nhôm, và từ nhôm chế biến sâu thành các sản phẩm. Thủ tướng cũng đề nghị địa phương và chủ đầu tư tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm sau nhôm nhằm nhanh chóng hình thành chuỗi ngành công nghiệp nhôm.
Nhanh chóng hoàn thành dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ
Tại Đắk Nông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thị sát tại Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ. Báo cáo của TKV cho biết, Dự án có quy mô, công suất, công nghệ tương tự dự án Tân Rai do TKV làm chủ đầu tư. Các nhà thầu thi công gói thầu EPC Nhà máy alumin, Nhà máy tuyển là các Nhà thầu đã thi công cho dự án Tân Rai. Đến nay dự án đã hoàn thành khoảng trên 90% khối lượng công việc và đang gấp rút hoàn thành công tác đầu tư xây dựng. Tổng giá trị thực hiện đầu tư xây dựng lũy kế từ khi khởi công đến hết tháng 1/2015 ước đạt hơn 13.426 tỷ đồng (tổng mức đầu tư của dự án (16.821,8 tỷ đồng). Tiến độ đầu tư, xây dựng nhà máy được đảm bảo, các hạng mục công trình sẽ cơ bản hoàn thành vào quý II/2015 và toàn bộ nhà máy sẽ được bàn giao và đưa vào sản xuất vào cuối năm 2015. Hiện tổng số lao động tại dự án là 1.993 người, trong đó lao động Trung Quốc chì còn 280 người. Tất cả các lao động người nước ngoài làm việc tại dự án đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng và quản lý lao động người nước ngoài.
Sau khi đi thị sát, kiểm tra tiến độ các dự án thành phần của dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, tại buổi làm việc với lãnh đạo TKV, Ban quản lý Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với đất nước; là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, bản sắc văn hóa đặc sắc; nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trong đó có tiềm năng về trữ lượng bauxit rất lớn, khoảng 11 tỷ tấn, đứng hàng đầu thế giới.
Thủ tướng cho rằng cũng như các vùng miền khác trên cả nước, Tây Nguyên cũng có yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng và lợi thế. Một trong những tiềm năng, lợi thế đó chính là việc khai thác hiệu quả tài nguyên bauxit, cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và môi trường sinh thái; hình thành một ngành công nghiệp mới cho đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân trong vùng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, từ kinh nghiệm và sự thành công bước đầu của dự án Tân Rai, TKV cần tiếp tục thúc đẩy, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ của dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ theo đúng kế hoạch, đảm bảo đến cuối năm 2015 nhà máy sẽ đi vào vận hành thương mại và có sản phẩm xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cùng với sản phẩm Alumin của 2 dự án là triển vọng rất lớn về sản xuất nhôm và chế biến sâu các sản phẩm từ nhôm với quy mô lớn ở Tây Nguyên. Triển vọng về sản xuất sắt từ bùn đỏ mà hiện thí nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm và đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm ở quy mô công nghiệp để tính toán hiệu quả. Hiện cũng đã có hàng chục doanh nghiệp đăng ký sẽ đầu tư sản xuất chế biến sử dụng nguyên liệu nhôm Tây Nguyên. Trong đó có doanh nghiệp tư nhân Trần Hồng Quân đang quyết tâm đầu tư nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông có công suất lên đến 300.000 tấn sản phẩm nhôm/1 năm trong giai đoạn I và lên đến 600.000 tấn trong giai đoạn II với số vốn đầu tư khoảng 665 triệu USD. Như vậy, toàn bộ sản lượng alumin của nhà máy Nhân Cơ cũng chưa đủ phục vụ cho nhà máy này.
"Các tín hiệu tích cực trên cho thấy triển vọng khai thác bauxite, sản xuất alumin - nhôm và các sản phẩm từ nhôm rất khả thi.” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và cho biết Chính phủ ủng hộ và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án sản xuất hàng chục các sản phẩm sau nhôm để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ xem xét, tính toán và báo cáo Trung ương kết thúc giai đoạn thí điểm và tiến hành xây dựng các dự án, tổ hợp khai thác, chế biến bauxite - alumin - nhôm ở quy mô lớn hơn trong những năm tới./.
Hùng Sơn