Tiếp bước đà phát triển của năm 2015, trong bối cảnh hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, đặc biệt mới đây, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, cùng với đó là việc các cấp chính quyền từ trung ương tới các địa phương, các cơ quan hữu quan không ngừng cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh theo hướng thông thoáng và phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng đánh giá, thẩm định dự án; chủ động tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư nên thời gian qua, đặc biệt là trong hai tháng đầu năm 2016, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có sự bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng mạnh cả về nguồn vốn lẫn tốc độ giải ngân.
Theo số liệu chính thức của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), trong hai tháng đầu năm 2016, cả nước đã có 291 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 1.9 tỷ USD, tăng 96,6% về số dự án và tăng 167,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015; đồng thời có 137 dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp bổ sung với 898,3 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và cấp vốn bổ sung đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện hai tháng đầu năm ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Những kết quả về thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào nước ta thời gian qua tạo ra sức bật lớn cho nền sản xuất trong nước ngay từ đầu năm và tạo đà phát triển mạnh cho cả năm 2016 này, khi mà nền kinh tế của nhiều nước khác đang gặp nhiều khó khăn và họ còn đang giảm tốc độ đầu tư ra ngoài để giải quyết các vấn đề nội tại. Các chuyên gia cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hai tháng đầu năm nay tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đạt gần 2 tỷ USD, chiếm 71,2% so với tổng vốn đăng ký. Các ngành nghệ thuật, vui chơi giải trí đạt 210,6 triệu USD, chiếm 7,5%; các ngành khác đạt 597,8 triệu USD, chiếm 21,3%. Cả nước có 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong hai tháng đầu năm, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 242,4 triệu USD, chiếm 12,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bắc Giang với 206,1 triệu USD; Bắc Ninh 200,6 triệu USD.
Trong số 31 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư và cấp mới vào Việt Nam hai tháng đầu năm 2016, Xinh-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 435,2 triệu USD, tiếp đếnlà Ma-lay-xi-a với 233,2 triệu USD; Hàn Quốc 202,4 triệu USD; Nhật Bản 140,6 triệu USD…
Không chỉ nguồn vốn FDI thu hút đạt khá, tốc độ giải ngân nguồn vốn này ngay trong những ngày đầu năm 2016 cũng đạt kết quả khả quan. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong tháng 1, cả nước đã tiến hành giải ngân được trên 800 triệu USD nguồn vốn FDI, nhiều dự án FDI được khởi công và đẩy nhanh tốc độ triển khai xây dựng như dự án của hãng Schneider Electric tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), Công ty may mặc Maple (Xin-ga-po) tại tỉnh Bắc Giang, Công ty New Wing (Hàn Quốc) tại tỉnh Bắc Ninh sản xuất phụ kiện cho Hãng Samsung… và hàng loạt dự án FDI lớn khác như dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam), các dự án của Samsung, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và sự nối tiếp của các dự án Liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh, dự án Samsung Electronics Thái Nguyên… Hy vọng, với sự thu hút nguồn vốn FDI và sự giải ngân nhanh, mạnh nguồn vốn này, cùng với sự nỗ lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thu hút và giải ngân của các địa phương,Việt Nam sẽ vượt qua kết quả “kỷ lục” giải ngân 14,5 tỷ USD trong năm 2015, tạo sức phát triển mạnh hơn cho nền kinh tế đất nước trong năm 2016 này.
Minh Quang