Tại thành phố Rạch Giá, nước mặn theo các sông vào sâu trong nội đồng hàng chục cây số và khoảng 10 ngày qua, nguồn nước ngọt phục vụ cho hoạt động của Nhà máy nước Rạch Giá đã bị nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Huỳnh Tâm, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn cấp thoát nước Kiên Giang, cho biết: Nhà máy không lấy được nước ngọt hơn một tuần nay. Trong khi đó, hai hồ trữ nước ở phường Vĩnh Thông và Mạc Cửu tổng thể tích 560.000m³, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Rạch Giá và một số xã lân cận của huyện Hòn Đất, lượng nước chỉ còn khoảng 60%, đủ để cung cấp cho người dân sử dụng trên dưới 10 ngày.

Trước nguy cơ thiếu nước này, từ ngày 1/4, công ty thực hiện cắt giảm 30% công suất và cấp nước luân phiên theo từng khu vực kết hợp vận động hộ dân chủ động trữ nước, sử dụng tiết kiệm nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Đến ngày 10/4, nếu xâm nhiễm mặn tiếp tục xấu đi, không lấy được nước ngọt sẽ cắt giảm 50% công suất, dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, công ty kiểm soát chặt chẽ nguồn nước trên sông 24/24 giờ để khi có nước ngọt đổ về tập trung công suất bơm vào hồ chứa, đồng thời lắp đặt thêm những trạm bơm giếng và nước ngầm bổ sung vào hệ thống cấp nước.

Đối với các huyện ven biển như: An Minh, An Biên, Kiên Lương, Hòn Đất và thị xã Hà Tiên, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt càng trở nên căng thẳng hơn.

Ở địa bàn một số xã của huyện An Minh và An Biên, nước dưới sông, kênh rạch gần như cạn kiệt đến đáy không những gây thiếu nước mà còn gây khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của cư dân.

Trên tuyến đê quốc phòng thuộc ấp Ngọc Thuận, xã Đông Hưng A, huyện An Minh hơn 300 hộ dân sinh sống hàng ngày mõi mòn chờ ghe vận chuyển nước ngọt đến để mua sử dụng, dù giá đổi nước hơn 50.000 đồng/m³.

Chị Trần Thị Tím, ấp Ngọc Thuận, xã Đông Hưng A (An Minh), cho biết: "Không riêng gì gia đình tôi, hàng trăm hộ dân sinh sống ở đây đang trông mưa từng ngày để có nước sử dụng. Dù giá đổi nước hơn 50.000 đồng/m³ nhưng vẫn không có ghe vận chuyển tới do nước ròng xuống, sông cạn kiệt xuồng ghe đi không được."

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cho hộ dân vùng nông thôn sâu, vùng ven biển trên địa bàn Kiên Giang đang là “bài toán khó” chưa tìm ra đáp số. Nhiều hộ gia đình khoang giếng nước ngầm, đóng cây nước sử dụng nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn là bị nhiễm mặn. Ngoài ra, bà con còn xây hồ, mua sắm lu, kiệu để trữ nước mưa sử dụng nhưng vẫn không đủ.

Đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt gần như còn ở giai đoạn “lập dự án,” chưa biết khi nào triển khai thực hiện nên nước sinh hoạt hàng ngày của người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa, nước ao hồ, sông rạch.

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện còn khoảng 25% hộ dân chưa có nước sạch hợp vệ sinh để sử dụng, phần lớn tập trung ở các xã ven biển của huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và hải đảo.

Ông Đào Thanh Hoá, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết: Đến năm 2015, Kiên Giang phấn đấu đạt 85% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 40% nước sạch.

Hiện nay, tỉnh đang khảo sát thiết kế, tập trung đầu tư ở những nơi đặc bịêt khó khăn về nước, trước mắt là xây dựng hai nhà máy nước cho các xã ven biển ở hai huyện An Minh và An Biên. Nguồn vốn Ngân hàng Thế giới đầu tư dự án công trình nhà máy nước Thuận Hòa dẫn xuống Xẻo Nhàu, Đông Hưng B (An Minh) và dự án nước phục vụ cho 4 xã là Đông Hưng A, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây và Vân Khánh (An Biên).

Dự kiến đến năm 2015, hai nhà máy nước này hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 4.000 hộ, với hơn 10.000 dân, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu nước sử dụng trong mùa khô ở các xã ven biển huyện An Minh và An Biên./.

Theo Vietnam+

(TH)