Con dốc nổi tiếng phía Bắc Lào vừa cao, vừa dài, lại trơn, quanh co hiểm trở. Anh nào cũng thồ trên người không dưới ba lăm cân. Lính cơ quan cũng đủ súng đạn, cuốc xẻng như lính bộ binh! Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, lúc đó là thượng sĩ, sức khoẻ vào loại "đuối", phải ráng sức lắm mới "lết" được đến đỉnh núi. Bãi nghỉ là một khoảng đất hẹp, có hầm kèo đặt đài liên lạc trung gian của mặt trận. Báo vụ đài này là chiến sĩ gái, không phải diện hoa khôi, nhưng rắn rỏi, mắt sáng, đặc biệt là có vòng eo rất chuẩn và nụ cười rất duyên, hỏi thăm biết tên là Chung.
Chủ nhiệm chính trị sư đoàn Trần Lạc sau mấy phút nghỉ đã hồi sức, nhìn cánh lính cơ quan mặt tái nhợt, mồm mũi tranh nhau thở, vừa quăng ba lô xuống đã nhoài người ra bãi cỏ như ngất lịm, ông nói khích:
-Bây giờ mà anh nào làm được thơ mới là tài!
Mọi người đổ dồn mắt về phía nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Có ý kiến nên "thi" lấy chủ đề là hành quân và phải có chữ "Chung", lại không được quá bốn câu:
Chẳng phải đợi lâu, Nguyễn Đức Mậu ứng khẩu đọc:
"Chung nồi nước muối ngâm chân
Chung nhau mang vác hành quân đường dài
Yêu thương gánh nặng Chung vai
Thư nhà Chung đọc, ngọt bùi cùng Chung"
Mọi người vỗ tay tán thưởng, cô Chung cười đỏ ửng hai má. Trợ lý thanh niên Trần Duy Đới (cũng có tiếng là hóm hỉnh và phản ứng nhanh) liền hắng giọng:
"Ngủ… Chung”
Tự nhiên anh ngắc ngứ, mọi người nhìn nhau chột dạ: "… Tếu quá! Sượng quá!...".
"Ngủ Chung… bao gạo gối đầu
Hành quân Chung một nhịp cầu cheo leo.
Trú quân Chung…”
Đới lại ngắc ngứ, liếc mắt sang nhìn hầm thông tin và đọc tiếp:
"Trú quân Chung mái hầm kèo
Chiến công Chung tiếng hò reo dưới cờ"
Thính giả vỗ tay ran ran: "Giải nhất, giải nhất. Mời đồng chí Chung ra bắt tay…".
Cả hai bài thơ nói về hành quân có đến tám chữ Chung, nhưng vẫn lành mạnh mà không kém phần tình tứ! Lệnh hành quân tiếp tục! Nỗi mệt nhọc bỗng biến đâu hết cả!...
DUY XUYÊN