Trong 10 ngày từ 18-28/11, việc nạo hút bùn được thực hiện thí điểm trên diện tích 1.000m2 (chiếm khoảng 1% diện tích toàn hồ), khu vực từ đền Ngọc Sơn đến giáp đường Lê Thái Tổ.
Các chuyên gia đã rào kín khu vực được chọn cải tạo thí điểm để không ảnh hưởng đến đời sống các sinh vật trong hồ, đặc biệt không gây nguy hiểm cho sự sống của loài rùa quý.
Đây là hoạt động thuộc Dự án “Phục hồi và ổn định bền vững Hồ Gươm” do Phó Giáo sư Hà Đình Đức làm chủ nhiệm, được thực hiện trên cơ sở triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức.
Việc nạo hút bùn được thực hiện theo công nghệ của Cộng hòa Liên bang Đức, các thiết bị được đưa từ Đức sang, với sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia Đức.
Kết quả của công tác nạo hút bùn và làm sạch nước hồ Gươm sẽ được các nhà khoa học, các chuyên gia phân tích, đánh giá kỹ lưỡng và công bố trong thời gian tới. Theo đó, dựa vào kết quả này, các đơn vị chức năng sẽ xin ý kiến UBND TP để quyết định có tiến hành nạo hút bùn toàn bộ khu vực hồ hay không.
Các chuyên gia đã xác định độ dày, tính chất của tầng bùn, các thông số về cấu trúc, xác định các khu vực trong hồ..., trên cơ sở đó, chia diện tích hồ thành nhiều ô nhỏ để hút bùn, không làm thay đổi đột ngột đến môi trường sống của sinh vật trong hồ.

Cao Thúy