Liệt sĩ Trần Văn Chi.

Báo tháng 9 - Sau gần nửa năm hành quân đầy gian khổ hy sinh từ Bắc Giang, đầu tháng 12-1973, Đoàn 2004, Trung đoàn 568 chúng tôi đã tới Lộc Ninh.

Cả tiểu đoàn tân binh gần 400 chiến sĩ, hầu hết là sinh viên các trường Đại học Bách Khoa, Kinh tế và Tổng hợp được giao về Trung đoàn 271, trực thuộc BTL Miền, đang chiến đấu ở Bù Bông. Khi đơn vị được phân chia về các tiểu đoàn, phần lớn Trung đội 2, Đại đội 2 của tôi về Tiểu đoàn 9. Gồm B phó Đinh Thái Sơn và các anh Hoàng Liêm, Nguyễn Chu Chân, Nguyễn Hữu Tân, Nguyễn Lâm...

Chúng tôi về tới Tiểu đoàn khi đơn vị vừa bị tổn thất lớn. Ngay chiều hôm trước, Tiểu đoàn bị một trận pháo kích, thương vong la liệt. Tiểu đoàn trưởng Lương Đình Kiệm hy sinh, Trung đoàn cử Tiểu đoàn phó lên thay. Chiến sĩ liên lạc cũng bị thương phải đi viện, đồng chí trợ lý chính trị hỏi B phó Đinh Thái Sơn: “Trong số tân binh, ai làm liên lạc được?”. Gần như ngay lập tức, anh Sơn tiến cử tôi và được chấp nhận ngay. Thế là thay vì đeo ba lô xuống đại đội, đồng chí trợ lý chính trị dẫn tôi về Tiểu đoàn bộ và ngủ cùng hầm với anh Trần Văn Chi - một chiến sĩ liên lạc kì cựu, đã chiến đấu ở Lào trước khi cùng Trung đoàn đi B.

Anh Chi là người thầy đầu tiên của tôi ở đơn vị chiến đấu. Anh hơn tôi vài tuổi, nhập ngũ năm 1970, ít nói, khi có điều gì vui chỉ tủm tỉm cười… Đều là con em nông dân, anh đi bộ đội từ quê, còn tôi đi từ trường đại học, nên khi mới về ở cùng nhau, anh hơi giữ ý và đôi khi tỏ ra tự ti. Nhưng khoảng cách trôi qua rất nhanh, vì thực sự tôi kém anh rất nhiều. Chính anh là người thầy truyền cho tôi những kĩ năng chiến đấu đầu tiên để hoàn thành nhiệm vụ.

Ở ngoài Bắc, tôi làm liên lạc chủ yếu để chỉ huy “sai vặt” và được Chính trị viên giao thêm nhiệm vụ văn thư. Vào chiến trường thì khác hẳn, liên lạc là người giúp việc, vừa như lính bảo vệ, lại như người đồng hành với chỉ huy; ăn cùng mâm, ngủ cùng hầm, cặp kè với nhau như hình với bóng. Nhưng khi chỉ huy trao đổi công việc thì liên lạc phải biết ý tránh ra. Anh Chi dặn tôi: “Đừng gần quá, Thủ trưởng nghĩ mình nghe lỏm. Cũng đừng xa quá, để khi chỉ huy cần là có mặt ngay...”. Nhờ đó, tôi mau chóng thạo việc và suốt 3 năm làm liên lạc, hầu như tôi chưa bị chê trách lần nào.

Một sáng, tôi với anh Chi đang ngồi bếp đun nước uống, Tiểu đoàn trưởng gọi: “Tính chuẩn bị đi công tác với anh, báo cho cả chiến sĩ thông tin đi cùng”. Anh bảo thêm: “Không cần mang quần áo, chỉ mang AK với đủ cơ số đạn, lựu đạn”. Nghe Tiểu đoàn trưởng giao việc cho tôi, Chi đứng phắt dậy nói: “Thủ trưởng để em đi cho. Em nghe mấy hôm nay thám báo đang cắt đường về Trung đoàn, Tính chưa có kinh nghiệm, để em đi”. Tiểu đoàn trưởng trầm ngâm: “Chính vì có thể gặp thám báo, nên mình định đi đội hình gọn nhẹ. Thôi Tính ở nhà, để Chi đi với mình”.

Chiều rồi, đêm xuống, không thấy 3 thầy trò về, cả Ban chỉ huy sốt ruột. Chính trị viên Nguyễn Minh Tĩnh điện lên Trung đoàn thì đường dây hữu tuyến bị đứt, mất liên lạc.

Mãi phiên liên lạc VTĐ sáng hôm sau, Trung đoàn mới báo tin: “Đêm qua, lúc trở về tiểu đoàn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 bị phục kích và bị thương cùng đồng chí thông tin. Đồng chí liên lạc đã hy sinh…!”. Nghe anh Tĩnh nói lại mà tôi như chết lặng! Thương quá anh Chi ơi! Có phải biết trước định mệnh này mà mấy hôm trước, anh bò ra viết thư về cho gia đình...

Sau này gặp lại chiến sĩ thông tin đi cùng anh Chi hôm ấy, tôi mới rõ chuyện: Tối hôm ấy, làm việc ở trung đoàn xong thì ba người bám theo đường dây thông tin trở về tiểu đoàn luôn. Lúc đầu đi thứ tự theo thông lệ, chiến sĩ thông tin đi trước. Thấy chiến sĩ thông tin đi chậm, Chi vượt lên trước, nói: “Ông đi sau, để mình đi trước cho nhanh”. Đang đi, bỗng nghe ầm một tiếng phía trước. Quả mìn Claymo của Mỹ phang thẳng vào hướng ba người đang đi tới. Chi vẫn còn hô: “Em bị rồi Thủ trưởng ơi” và bắn một loạt AK… Vậy là, không chỉ nhận đi thay cho tôi chuyến đó, anh còn nhận vị trí đi đầu thay cho chiến sĩ thông tin rồi bị vướng vào quả mìn định hướng do địch gài trên đường dây thông tin!

Ngày thường, người thầy - người anh Trần Văn Chi luôn nhận về mình phần khó khăn, gian khổ. Lần này, anh “nhận” cả sự hy sinh thay chúng tôi!

Vũ Quang Huy

(Ghi theo lời kể của CCB Chu Đức Tính, nguyên chiến sĩ d9, e271- Bộ Tư lệnh Miền)