Tháng khuyến mãi được kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

     Nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 1183/QĐ-BCT về việc tổ chức “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022”. Tháng khuyến mại được tổ chức trên quy mô toàn quốc, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.

Chung tay phục hồi phát triển kinh tế

Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng, hấp dẫn. Bộ Công thương giao Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện Chương trình; thực hiện các hoạt động phát động, truyền thông cho Chương trình; phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công thương; Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; các hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan để thực hiện.

Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động kích thích tiêu dùng nội địa và các hoạt động trong khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các hiệp hội, ngành hàng có liên quan phối hợp với Bộ Công thương thông tin, khuyến khích hội viên và các doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động xây dựng kế hoạch tại địa phương đảm bảo mục đích, thời gian thực hiện Chương trình. Sử dụng logo của Chương trình trong các hoạt động truyền thông, quảng bá chung. Chủ động thông tin, hướng dẫn thương nhân tham gia các hoạt động và Chương trình tại địa phương. Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận tiện cho thương nhân thực hiện thủ tục hành chính và thực hiện hoạt động khuyến mại tại địa phương; hướng dẫn thương nhân thực hiện thủ tục hành chính thông báo khuyến mại trên cổng dịch vụ công quốc gia. Thương nhân, tổ chức và cá nhân có liên quan chủ động tổ chức các hoạt động khuyến mại, phối hợp, tham gia các hoạt động của Chương trình đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Doanh thu nhiều mặt hàng tăng mạnh

Ghi nhận thực tế tình hình triển khai hoạt động Tháng Khuyến mại tại khu vực Hà Nội cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp tham gia chương trình đều tăng doanh số 20-30% so với trước thời điểm triển khai. Các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng thực sự thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng cũng như sự mua sắm của người dân. Tại siêu thị điện máy Mediamart Mỹ Đình, sau 2 tuần triển khai Tháng khuyến mại đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng đến mua hàng hóa. Giám đốc Siêu thị Media Mart Mỹ Đình -  Nguyễn Quý Tân cho biết: Dù mới đi được nửa chặng đường nhưng sức tiêu thụ các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu quý IV-2022, siêu thị điện máy Media Mart đàm phán với các nhà đặt mua các sản phẩm với số lượng lớn, giá cả hợp lý, quà tặng phong phú.

Đánh giá về mức giảm giá của siêu thị trong chương trình, Bà Nguyễn Thu Hoa - quận Thanh Xuân cho biết: “Những năm trước, gia đình tôi thường mua sắm cách Tết 2-3 tuần, gồm thực phẩm, đồ gia dụng, vật liệu trang trí nhà cửa. Năm nay, thu nhập của cả nhà giảm nên tôi phải tính toán hợp lý các khoản chi tiêu. Tôi muốn tận dụng đợt giảm giá từ tháng khuyến mãi này để mua những món hàng gia dụng, thực phẩm. Với những món hàng mà tôi dự định mua từ tháng khuyến mãi này, tôi có thể tiết kiệm được trên dưới 30% tổng tiền”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Tháng khuyến mại năm 2022 được triển khai vào thời điểm này tạo ra một khoảng thời gian phù hợp đón trước dịp cuối năm để tất cả các doanh nhân, doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến mại. Việc tăng hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại có thể lên đến 100% giúp các doanh nghiệp thiết kế chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn. Từ đó, đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp.

Thông qua tháng tiêu dùng sẽ giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm. Kết quả của Chương trình mang lại sẽ góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục tạo thêm cơ sở thực tiễn và lý luận để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách hiệu quả hơn nữa nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia Chương trình.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải chia sẻ, nền kinh tế đất nước đang trên đà phục hồi, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch đang phát triển với nhiều tín hiệu tích cực. Trong 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, với doanh thu đạt khoảng 4.643,6 nghìn tỷ đồng. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Do đó, Chương trình được thực hiện nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam; quảng bá sản phẩm, văn hóa vùng miền và thu hút du lịch.

Võ Hóa