Đoàn do Trung tướng Tiêu Văn Mẫn dẫn đầu; trong đoàn còn có Trung tướng Mai Hồng Bỉnh, Thiếu tướng Trần Ngọc Anh, Đại tá Đặng Công Toàn, Đại tá Bùi Khắc Hải và tôi cùng một số thành viên khác. Chuyến thăm của đoàn đúng vào năm hai nước Việt Nam - Lào kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào.

Đoàn chúng tôi chọn tỉnh Át-ta-pư là điểm đến đầu tiên. 9 giờ, đoàn làm thủ tục xuất nhập cảnh ở cửa khẩu Bơ-y. Sang đất bạn, điều đầu tiên hiện ra trước mắt chúng toiâ là những rừng nguyên sinh trùng trùng chưa có dấu chân người khai phá. Đi khỏi 50km, xe chúng tôi vượt một con đèo khá dài rồi xuống vùng cao nguyên đất bằng màu mỡ. Ở đây, chúng tôi bắt gặp hai bên đường những rừng cao su của Công ty Hoàng Anh Gia Lai, cao ngút đầu người xanh tốt. Rồi đến rừng cao su của Công ty 385 – Binh đoàn 15 cũng xanh ngăn ngắt. Xen lẫn lô cao su là những dãy nhà mới xây dựng khang trang. Hỏi ra thì được biết đó là nhà người dân tộc địa phương vào làm cao su cho Công ty Hoàng Anh Gia Lai và Công ty 385.

Xe qua tỉnh Sê-kông rồi đến tỉnh Chăm-pa-sắc. Tại đây, Chủ tịch Hội CCB Phông-sa-vát Su-văn tiếp đón đoàn trọng thị. Buổi tuối, Văn phòng Tỉnh trưởng mở tiệc chiêu đãi tại nhà nổi trên sông Mê Kông trong bầu không khí thân mật, thắm tình đoàn kết anh em. Sáng hôm sau, chúng tôi rời Chăm-pa-sắc đi tỉnh Khăm Muộn. Con đường số 13 chạy dọc sông Mê Kông như đường số 1 ở Việt Nam. Xe đưa chúng tôi qua tỉnh Sa-la-van đến tỉnh Sa-va-na-khét, nơi có con đường số 9 nối thị xã Sa-va-na-khét với thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Đường số 9 là con đường máu lửa với những trận đánh ác liệt giữa ta và địch trước đây.

Xe đưa chúng tôi đến thị xã Thà-khẹt thuộc tỉnh Khăm Muộn, có đường biên giới với tỉnh Quảng Bình.

Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về thủ đô Viêng Chăn, đi trên con đường 13 thẳng tắp, phẳng lì, hai bên đường là những rừng cây nguyên sinh xen kẽ những ruộng lúa chín vàng. Nếu như ở Tây Nguyên, cây kơ nia ngày một mất dần, thì suốt chiều dài gần 1.000km ở hai bên đường rừng nước bạn, chúng tôi lại thấy rất nhiều cây kơ nia, thân cây thẳng, vỏ cây trắng, tán lá tròn xanh thẫm… Đến thủ đô Viêng Chăn, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là rừng nguyên sinh sát ngoại ô, đường phố xe cộ đi lại đông đúc, nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng còi xe ô tô, xe máy; mọi người tự giác đi đúng làn đường dành cho mình. Chúng tôi tới thăm Thạt Luổng, một công trình văn hóa đặc sắc tiêu biểu cho trí tuệ, óc sáng tạo của người Lào, được xây dựng vào năm 1566, dưới triều vua Xạt-thả-thị-lạt, với tháp chính cao 45m, được dát vàng, bao quanh là 30 ngọn tháp nhỏ cũng được dát vàng. Đoàn còn được đến thăm ngôi chùa cổ. Điều đặc biệt ở đây là trên một tảng đá lớn có một đôi chim bồ nông, không biết từ bao giờ, lúc nào cũng đứng ở đây, du khách thỏa thích ngắm nhìn…

Rời thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đến ngã ba Xa-la-phu-khun, xe rẽ theo đường 7 về Xiêng Khoảng. Ở đây, hầu hết là đường đèo hiểm trở, ở độ cao trên 1.600m, xe phải chạy 10 tiếng đồng hồ; đến thị xã Phôn-sa-vẳn, tỉnh Xiêng Khoảng là 19 giờ. Sáng hôm sau, Trung tá Thoong Sý, Phó chủ tịch Hội CCB và anh Chăn-tha-von, cán bộ Sở Ngoại vụ dẫn đoàn đến dâng hương tại Đài tượng niệm Quân tình nguyện Việt Nam và thăm Cánh Đồng Chum. Tôi được anh Chăn-tha-von kể về truyền thuyết Cánh Đồng Chum: “Ngày xưa, khi giặc ngoại xâm giày xéo đất nước Lào, các bộ tộc thành lập những đạo quân để đánh giặc. Họ đào đất tìm sắt, rèn gươm, rèn kiếm. Họ vào rừng săn bắt những con voi to khỏe đi đánh giặc. Cuộc chiến kéo dài nhiều chục năm. Để có lương thực dự trữ nuôi quân, nhân dân các bộ tộc Lào đục hàng nghìn chum đá để đầy gạo, đầy ngô rải khắp dọc đường… Nhưng cũng có những truyền thuyết khác về chum đá…”.

Buổi chiều, Hội CCB tỉnh Xiêng Khoảng tổ chức buổi họp mặt thân mật. Tới dự có đồng chí Đuông-chít Chăng-xay-vàng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng. Đồng chí nói:

  • Tôi rất vui mừng được dự cuộc hop mặt đón các CCB Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3. Đây cũng là vinh dự chung của nước Lào và của tỉnh Xiêng Khoảng nói riêng. Tỉnh Xiêng Khoảng cố gắng làm hết sức mình, để ôn lại, nghĩ lại và nhớ lại những năm tháng chúng ta cùng chiến đấu ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, một chiến trường khốc liệt bậc nhất ở Lào. Ngày 16-10 vừa qua, tôi được tham dự Hội nghị tổng kết cấp nhà nước về công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh tại Lào và Cam-pu-chia tổ chức tại Hà Nội… Mùa khô 2012-2013, chúng tôi sẽ phối hợp với Quân khu 4 tìm hài cốt các đồng chí còn nằm lại ở Xiêng Khoảng để đưa về đất mẹ. Điều này là thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”…

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn nói: “Từ năm 1961 đến năm 1974, theo yêu cầu của cách mạng Lào, Đảng Nhà nước Việt Nam đã cử nhiều đơn vị quân tình nguyện, trong đó có Sư đoàn 31, Trung đoàn 24A, Trung đoàn 28, Trung đoàn 40, Trung đoàn 234 của Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 phối hợp với Quân đội Lào chiến đấu giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, tỉnh Át-ta-pư, cao nguyên Bô-lô-ven, đem lại độc lập, tự do cho nhân dân các bộ tộc Lào. Trong đoàn hôm nay có Trung tá Phùng Văn Noãn, 8 năm chiến đấu ở Xiêng Khoảng, 5 năm chiến đấu ở Sầm Nưa; các đồng chí Đỗ Luyện, Vũ Mạnh Khương, Đỗ Trọng Đáng, Nguyễn Phú Biểu… đã từng chiến đấu ở Keng Leng, Phu Tâng, Phu Khé…

Tôi được biết, trong cuộc hành quân từ Viêng Chăn đến Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng đầu năm 1961, do Tướng Thao Chăn (mật danh của Đại tướng Chu Huy Mân), có một đại đội Pa-thét Lào, không ngờ người chỉ huy đại đội ấy lại là đồng chí Nò-và-lò, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Xiêng Khoảng. Đồng chí Nò-và-lò nói: “Chúng tôi giải phóng Cánh Đồng Chum đúng vào 1 giờ ngày 1-1-1961. Năm con số 1 ngẫu nhiên mà mang nhiều ý nghĩa”.

Cuối buổi họp mặt là lễ cầu phúc, buộc chỉ cổ tay theo đúng nghi thức của Lào. Sau đó, Tỉnh trưởng Xiêng Khoảng mở tiệc chiêu đãi đoàn. Kết thúc ta và bạn cùng múa lăm-vông trong tiếng nhạc rộn ràng.

L.H.T