Tăng lương tối thiểu vùng sẽ cải thiện cuộc sống, giúp người lao động yên tâm sản xuất.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1-7-2022. Đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm như thường lệ.

Theo đó, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với hiện hành. Lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu đồng; vùng II 4,16 triệu đồng, vùng III là 3,64 triệu đồng và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Trên cơ sở này, lương tối thiểu giờ tương ứng áp dụng lần lượt vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng. Chính sách áp dụng với lao động được trả lương theo tháng, theo giờ. Với loại hình khác như lương theo tuần, ngày, sản phẩm hoặc lương khoán sẽ do doanh nghiệp lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ, đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu tháng hoặc giờ. Doanh nghiệp không cần thay đổi hình thức trả lương mà chỉ quy đổi ra mức lương tháng hoặc giờ để đối chiếu, kiểm chứng độ tuân thủ quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát lại thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể, quy chế để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định. Cũng theo Nghị định 38, mức lương tối thiểu tháng, giờ là mức thấp nhất làm cơ sở để thoả thuận và trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp không được áp dụng thấp hơn mức lương tối thiểu này. Với người lao động được trả lương theo tuần, ngày hoặc theo sản phẩm thì mức lương quy đổi cũng không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc tối thiểu giờ.

Tăng lương giúp người lao động yên tâm sản xuất

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng làm việc tại Công ty thương mại Minh Khang, huyện Thanh Oai, T.P Hà Nội cho hay: Vợ chồng chị đều làm công nhân, có tăng ca tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Gia đình có 4 người nên chừng ấy tiền chỉ vừa đủ trang trải, không có tiết kiệm, tích lũy. Đáng nói, để có thu nhập như trên, vợ chồng chị phải làm việc hết công suất với hơn 10 giờ/ngày. “Khi vật giá đồng loạt leo thang, thu nhập chừng đó không đủ sống nên phải làm thêm giờ. Việc lương tối thiểu vùng được tăng sẽ giúp chúng tôi giảm bớt khó khăn, yên tâm sản xuất” - chị Hằng nói.

Anh Võ Văn Hoài - công nhân một công ty trong Khu công nghiệp Nam Thăng Long, T.P Hà Nội cho biết: Hai năm qua, Nhà nước chưa tăng lương tối thiểu vùng, còn công ty cũng không tăng lương cho người lao động. Tác động của dịch Covid-19 suốt 2 năm liên tiếp khiến người lao động phải ngừng việc nhiều tháng, thu nhập không có, các khoản tích lũy cũng không còn, thậm chí nhiều người lao động phải đi vay mượn để trang trải cuộc sống. Dịch dã mới ổn định được vài tháng, thì giá cả tăng chóng mặt, cái gì cũng tăng. Vậy nên khi nghe tin Nhà nước có quyết định tăng lương tối thiểu vùng chúng tôi rất vui mừng. Dù mức tăng không quá cao, nhưng sẽ giúp người lao động phần nào”.

Ông Lưu Văn Minh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoàng Sơn tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long, đơn vị đang có gần 2.000 công nhân cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, công nhân nhiều lần có ý kiến về việc giá cả tăng làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Tôi cũng là trụ cột kiếm tiền chính trong gia đình nên rất hiểu những khó khăn mà công nhân đang trải qua. Thế nên, dù bị ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng công ty vẫn cố gắng đảm bảo để làm sao người lao động gắn bó với Công ty. Chúng tôi đã thực hiện động viên, thăm hỏi công nhân trong thời gian dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động như bố trí các bữa ăn cho công nhân tại Công ty. Việc tăng lương tối thiểu vùng là rất tốt, nhưng đi kèm với niềm vui tăng lương, người lao động cũng không khỏi lo ngại về vấn đề giá cả tăng vọt. Vì vậy, rất mong cơ quan chức năng có những hành động cụ thể để kiềm chế giá, có như vậy mới giảm bớt khó khăn cho người lao động”.

Chuyên gia kinh tế, T.S Nguyễn Việt Cường - Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: 2 năm qua, lương tối thiểu vùng chưa tăng, qua phản ánh của người lao động cho thấy mức lương hiện tại chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Năm 2020, 2021 tình hình lạm phát được kiềm chế ở mức ổn định, nhưng đầu năm 2022, lạm phát có xu hướng tăng cao hơn thì việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu là hết sức cẩn thiết để đáp ứng đời sống người lao động. Với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực trong khu vực như vậy thì việc tăng lương tối thiểu sẽ không tác động lớn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngược lại, tăng lương tối thiểu một mặt cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, thâm hụt lao động cao, mặt khác, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ và đây cũng là giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế.

Cũng theo T.S Nguyễn Việt Cường: Thời gian qua Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Vậy nên khi đã tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Nhà nước cần có các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp

Võ Hóa