Nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu.

Đến tỉnh Bạc Liêu hôm nay, nơi ghi dấu bao chiến công của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến, ai cũng nhận thấy vùng đất đầy nắng và gió này đang đổi thay từng ngày.

Thế mạnh “trời cho” của tỉnh Bạc Liêu là 56km bờ biển, là những vùng đồng bằng sông rạch chằng chịt, là nắng và gió… vậy mà đã bao năm trước, Bạc Liêu vẫn thuộc diện “nghèo”, ít ai có thể hình dung ra gương mặt KTXH của tỉnh đi lên ở thế “kiềng ba chân”. “Chân kiềng” đầu tiên của Bạc Liêu là phát triển nông nghiệp, trong đó thế mạnh là phát triển ngành sản xuất muối và tôm. Những ngày này, chúng tôi có dịp trở lại một số xã ven biển, như Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Nghề làm muối là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Năm nay, do nắng hạn kéo dài, hàng trăm hộ diêm dân các xã ven biển thuộc huyện Đông Hải, Hòa Bình trúng đậm vụ muối khi muối trắng có giá 800-1.600 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Đức, diêm dân xã Điền Hải vừa kéo muối thành đụn trên đồng, vừa cho chúng tôi hay: “Nhà tôi sản xuất hơn 2ha muối. Năm nay, nắng nhiều nên thu được chừng 17 tấn!”. Được biết, diện tích muối vụ mùa 2019-2020 của Bạc Liêu là 1.548ha, sản lượng gần 70.000 tấn, trong đó muối trắng hơn 7.500 tấn. Muối được mùa, được giá, làm ấm lòng diêm dân.

Bên cạnh muối là tôm. Tổng diện tích nuôi tôm của Bạc Liêu năm nay hơn 136.000ha, trong đó 22.000ha nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh; có hơn 1.000ha nuôi theo mô hình siêu thâm canh cho năng suất từ 120-150 tấn/ha mỗi năm. Toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp và 324 hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất tôm giống đã trở thành thế mạnh, có quy mô lớn nhất với 212 cơ sở sản xuất, chiếm 59% lượng tôm giống cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng tổng sản lượng tôm nuôi trồng và khai thác ước đạt gần 165.000 tấn, chủ yếu được xuất khẩu và một phần tiêu thụ trong nước. Chúng tôi về huyện vùng sâu Phước Long (Bạc Liêu), 1 trong 5 huyện của cả nước được chọn làm điểm thực hiện xây dựng NTM và được công nhận đạt chuẩn năm 2017.

Từ trụ sở UBND huyện đến các xã Vĩnh Thanh, Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B, Hưng Phú... các tuyến đường được mở rộng, trải nhựa khang trang… Tại xã Vĩnh Thanh, hàng trăm người tình nguyện hiến đất xây dựng NTM như hộ các ông Nguyễn Thanh Hiệp - 65 tuổi, CCB, thương binh 2/4, nguyên Bí thư Đảng ủy xã đã hiến hơn 600m2 đất xây nhà văn hóa xã; Diệp Văn Thống - Trưởng ấp Vĩnh Bình A hiến 500m2; Tô Văn Viên - hiến 560m2... Sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay huyện Phước Long có hàng nghìn hộ hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất, làm hơn 190 tuyến lộ liên ấp bằng bê tông dài 250km, trị giá hàng trăm tỷ đồng.7/7 xã trên toàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh hiện có 21 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM và Phước Long được công nhận là huyện NTM. Gương mặt người dân, ai cũng vui.

“Trụ đỡ” thứ hai trong phát triển kinh tế của Bạc Liêu là công nghiệp. Trước đây, Bạc Liêu hầu như không có cơ sở công nghiệp nặng nào, vậy mà, từ nắng và gió, bằng những giải pháp đúng và sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tỉnh Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch quốc gia. Năm 2013, Nhà máy điện gió Bạc Liêu được xây dựng tại xã Vĩnh Trạch Đông (T.P Bạc Liêu) trải dài trên vùng biển ngập nước 500ha với những trụ điện cao 82m, sử dụng rotor 3 cánh quạt mỗi cánh dài 42m đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng được xây dựng và hiện hòa lưới điện quốc gia gần 800 triệu kWh. Nhà máy điện gió Đông Hải 1 và Hòa Bình 1 cũng được khởi công xây dựng, Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, dự kiến khởi công vào cuối năm 2020. Không chỉ giúp cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tỉnh, điện gió Bạc Liêu đang tích cực góp phần giải bài toán “khát” điện của cả vùng ĐBSCL hiện nay.

Phát triển điện gió, phát triển nghề muối - cái nắng, cái gió tạo nên cảnh đẹp tạo nên cảnh đẹp mê hồn thu hút du khách đến chiêm ngưỡng. Phát triển du lịch tạo sự phát triển hài hòa và bền vững giữa công nghiệp với nông nghiệp và du lịch - dịch vụ cho người dân Bạc Liêu. “Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu vừa được công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu” của vùng ĐBSCL cùng với 8 điểm đã được công nhận trước đó là Đền thờ Bác Hồ, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, quảng trường Hùng Vương, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, bãi biển Nhà Mát, khu Quán Âm Phật Đài, khách sạn Bạc Liêu, khu Nhà Công tử Bạc Liêu thu hút hơn 2,5 triệu du khách, tạo cho Bạc Liêu nguồn thu 2.300 tỷ đồng/năm. Đây là “trụ đỡ” thứ ba của tỉnh Bạc Liêu trong phát triển KTXH thời gian qua.

Một sức sống mới đang lan tỏa mạnh mẽ khắp nơi. Vừa đẹp, vừa giàu. Ông Nguyễn Văn Nứa (ấp Huê II, xã Vĩnh Thanh, Phước Long) tâm sự: "Được thế này, trước nằm mơ cũng chẳng thấy đâu!”.

Ngọc Thanh