Tôi đã hình dung công việc của những cô giáo làm công tác chăm sóc các em bị nhiễm chất độc da cam ở Làng Hữu nghị Việt Nam, thuộc T.Ư Hội CCB Việt Nam. Nhưng chỉ đến khi được mắt thấy tai nghe mới thấy hết những vất vả, khó khăn của những cô giáo làm công việc đặc biệt này đến nhường nào.
5 giờ 30 phút, khi mà nhiều người còn đang yên giấc ngủ thì ở Làng Hữu Nghị Việt Nam đã bước vào một ngày mới. Nhưng một ngày mới ở đây cũng có những khác biệt mà chỉ những cô giáo mới hiểu và cảm thông được. Đó là tiếng khóc, tiếng cười, tiếng đùa nghịch, thậm chí tiếng chân đập dầm dập vào giường, đôi khi còn có cả tiếng la hét… của những em bệnh chưa thuyên giảm, hay mới nhập trường.
Tất bật giữa những âm thanh ấy là bước chân vội vã của các cô giáo hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, ăn sáng và chuẩn bị lên lớp học.
Tôi theo cô giáo Lê Thị Bích Hợp, 54 tuổi, quê ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội đến lớp T3 do cô phụ trách. Lớp có 20 em, tất cả đều là học sinh nam. Vừa lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên má, cô vừa tâm sự:

  • Ngày đầu về trường tôi xác định trước là công việc nuôi dạy các em sẽ rất khó khăn. Nhưng chỉ đến khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ phải sống trong đau đớn, vật vã, nửa đêm la hét, đập đầu vào tường, chạy lung tung khắp nơi không làm chủ được mình… mới thấy được sự khó khăn, vất vả nơi đây. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc, chăm sóc các em mới hiểu được nỗi đau mà di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin để lại, từ đó mà yêu thương và gắn bó lâu dài với làng, xem các em như một phần máu thịt của mình.
    Còn cô giáo Bạch Thị Hoa, quê ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, phụ trách lớp T4, 22 em nam. Em nhỏ nhất mới 5 tuổi, em lớn nhất 25 tuổi. Cô Hoa kể, ngày cô tham gia trong Đội thanh niên tình nguyện ở địa phương đã thường hay đến trường phụ giúp các cô giáo trông coi, dạy bảo các em. Một lần, hai lần… Những buổi đầu còn ái ngại, nhưng càng về sau càng gắn bó với các em hơn, thương yêu các em hơn. Và rồi cô quyết định làm đơn xin vào làm việc trong trường để được chăm sóc, dạy bảo các em-những đứa trẻ kém may mắn bị di chứng chất độc da cam.
    Tuy mới gắn bó với trường được 6 năm, nhưng cô Hoa hiểu tâm tính của từng em. Cũng có những em là thế hệ thứ 3 bị di chứng thì chỉ bị thiểu năng trí tuệ. Nhưng cũng có những em bị rất nặng. Điển hình như em Lê Bảo Ch., sinh năm 1996, quê ở Hà Nam. Ch đã bị mù, lại còn bị câm, bị điếc. Bố Ch bị nhiễm chất độc da cam. Em có thói quen ngủ ban ngày, đêm thì thức. Có đêm em la hét, thậm chí bê cả hòm quần áo ném xuống đất, đập phá đồ đạc… Những lúc ấy chỉ có cô Hoa lại xoa bóp, dỗ dành Ch mới chịu nghe.
    Ở lớp T2, cô Nguyễn Thị Hiền phụ trách 24 em nữ. Cô chia sẻ với tôi:
  • Các em nữ nên cũng ngoan hơn các lớp nam. Nhưng cũng lại có những phức tạp riêng. Chỉ là những việc rất đơn giản như tự thay quần áo, đánh răng, rửa mặt, lau nhà, quét sân... nhưng có những em lúc nhớ, lúc quên phải hướng dẫn hằng năm mới tự làm được.
  • Để dạy được các em cần nhất là gì hở cô? - Tôi hỏi.
  • Tình thương yêu và lòng kiên nhẫn. Nếu không yêu thương các em thì có tài giỏi mấy cũng không dạy các em được, mặc dù có những em không phân biệt được tốt, xấu. Còn kiên nhẫn là vì hầu hết các em phải hướng dẫn đi hướng dẫn lại, nói đi, nói lại nhiều lầm các em mới tự làm được. Trách nhiệm trước hết của các cô giáo là hướng dẫn các em tự làm được những công việc phục vụ bản thân các em hằng ngày.
    Cô Hiền rơm rớm nước mắt nói:
  • Ai sinh con ra cũng mong muốn con mình lành lặn, khỏe mạnh như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác. Những em vào đây là những đứa thiệt thòi nhất. Mong muốn của tôi là có được sức khỏe để cống hiến, để chăm sóc các em lâu dài hơn nữa, phần nào làm xoa dịu những nỗi đau của các em và bố mẹ các em.
    Chính nhờ tình yêu thương, đức hi sinh thầm lặng của các cô giáo, sự quan tâm, chung tay của các tổ chức, cá nhân hảo tâm nên nhiều em bị nhiễm chất độc da cam về Làng Hữu Nghị Việt Nam đã học được chữ, được nghề, tự lập được trong cuộc sống, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
    Vũ Minh