Báo tháng 9 - Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế nước ta có bước phát triển; tiêu chuẩn tiền ăn của bộ đội được nâng lên và phương thức bảo đảm hậu cần cho Quân đội được chuyển từ bảo đảm bằng hàng hóa sang bảo đảm bằng tiền; đồng thời, thực hiện phân cấp triệt để.

Lúc đầu, bữa ăn của bộ đội tương đối khá, từ đó nhiều đơn vị bỏ không tăng gia sản xuất nữa. Nhưng, đồng tiền ngày càng mất giá, tiêu chuẩn tiền ăn chỉ đủ mua gạo, thịt, cá, nước mắm, bột ngọt...; rau xanh rất thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bộ độ.

Trước tình hình đó, năm 1991, Tổng cục Hậu cần phát động phong trào "Tiểu đoàn sản xuất giỏi", trong toàn quân, với quy mô tăng gia quanh bếp, quanh nhà.

Sau một thời gian, Tổng cục tổng kết thấy phong trào mang lại hiệu qủa rất thiết thực đã quyết định phát động phong trào “Đơn vị tăng gia sản xuất giỏi”, quy mô lớn, theo hình thức chuyên canh. Các đơn vị hưởng ứng nhiệt tình nên từ chỗ thực phẩm, nhất là rau xanh phải mua ngoài, nhiều đơn vị đã tự túc được 100% rau xanh và phần lớn thịt, cá.

Khu vực Xuân Mai lúc đó có nhiều đơn vị của các quân - binh chủng đóng quân; là vùng đất sỏi đá, khô cằn, nhưng anh em đã đào ao thả cá; lấy đất mùn từ nơi khác về phủ lên đất đồi trồng rau xanh; xây dựng chuồng trại kiên cố, bố trí khoa học, nuôi hàng trăm con lợn, từ lợn nái đến lợn bột, lợn thịt; nuôi hàng nghìn gà, ngan, vịt…, trở thành một điểm sáng của phong trào với những điển hình như: Lữ đoàn xe tăng 201 - Binh chủng Tăng, thiết giáp; Sư đoàn 308 - Quân đoàn 1; Trung đoàn ô tô 11, Cục Vận tải…

Do là điểm sáng và cự ly gần Hà Nội nên các đơn vị này luôn được đón các đoàn cấp trên đến kiểm tra; các đơn vị bạn, khách quốc tế đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Được đón các đoàn, nhất là Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu và các Tổng cục đến thăm, anh em rất phấn khởi, vì các Thủ trưởng luôn động viên, chia sẻ sự khó khăn, vất vả và chỉ rõ những mặt còn hạn chế cần khắc phục để đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, cải thiện đời sông bộ đội.

Tuy nhiên, trong các đoàn đến, các đơn vị rất ngại một số trợ lý của các cơ quan của Bộ, mà anh em gọi đùa là “Bộ”. Hầu hết anh em rất tốt, kiểm tra, giúp đỡ đơn vị tận tình, chu đáo, nhưng cũng có đồng chí chỉ là trợ lý nhưng giọng rất oai, cái gì không vừa ý là: Bộ đã chỉ đạo thế nọ thế kia. Tôi về báo cáo Bộ.... Cá biệt, có người còn giở đùa, giở thật gợi ý khéo một vài việc lặt vặt.

Từ đó, mới có chuyện: "Sợ nhất mấy ông “Bộ” này". Những chuyện như thế, được chắp nhặt xâu chuỗi, thêm mắm, thêm muối dần, rồi thành bài thơ vui sau đây:

Hôm qua, “Bộ” lên Xuân Mai

“Bộ” về, kết luận có hai vấn đề:

Vườn rau, ao cá đề huề

Mà sao lại để “Bộ” về tay không?

Trong chuồng gà, vịt rất đông

Cớ chi chẳng chịu vặt lông con nào?

Rõ ràng trách nhiệm chưa cao

Khả năng thì có tại sao không làm?

Đỗ Công Huynh