Ông Đặng Đức Sang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ- TB- XH) nêu lên 3 nguyên do chính buộc phải tiến hành gấp việc sửa đổi Bộ Luật Lao động là: Nhiều quy định trong Bộ luật đã không còn phù hợp với sự phát triển đa dạng của nền kinh tế- xã hội, sửa đổi để cùng chia sẻ các vấn đề mà quốc tế thừa nhận trong quá trình Việt Nam hội nhập, có nhiều bất cập chưa được tháo gỡ trong việc triển khai Bộ luật vào thực tiễn.
Theo đó, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương 278 điều, tăng 54 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành, trong đó có 80 điều mới, 113 điều sửa đổi. Nhiều vấn đề quan trọng bậc nhất của Bộ luật đã được quy định mới, sửa đổi bổ sung như: Quy định trách nhiệm vật chất đối với người sử dụng lao động trong vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động; ký kết hợp đồng lao động, cho thuê lại lao động; tiền lương tối thiểu chung phân theo vùng, ngày, giờ; quyền thành lập ban đại diện để tham gia hòa giải tranh chấp lao động; sửa đổi về kỹ thuật thời gian nghỉ ngơi, nâng mức làm thêm tối đa lên 300 giờ/năm; vấn đề đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động...
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Canada : Dự thảo Bộ luật đã quy định rõ, cụ thể hơn trách nhiệm vật chất đối với chủ sử dụng lao động xung quanh việc chấm dứt hợp đồng lao động. Về vấn đề tiền lương tối thiểu, ý kiến này cho rằng: Dự thảo không nên quy định vì nếu làm như vậy là can thiệp quá sâu, không cần thiết vào hoạt động doanh nghiệp. Hiện nay, mức lương tối thiểu vẫn đang ở mức thấp, chưa giải quyết được vấn đề nhân công giá rẻ; hơn nữa, trên thực tế hầu hết chủ doanh nghiệp đăng kí thang bảng lương với các cơ quan có chức năng nhưng lại chi trả cho người lao động ở một thang bảng lương khác. Mức lương tối thiểu “lí tưởng” phải là mức lương mà ở đó có sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Định ra mức lương tối thiếu như hiện nay vô tình tạo điều kiện để chủ doanh nghiệp “áp giá” mức tiền công cho người lao động thấp hơn giá trị mà họ đã phải bỏ ra.
Về vấn đề nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, có ý kiến băn khoăn là không nên quy định việc “tập nghề”, vì nếu quy định như vậy thì chủ doanh nghiệp sẽ lợi dụng để kéo dài thời gian thử việc, đó là sự “luồn lách” chính sách để bóc lột sức lao động...
Theo kế hoạch, đến giữa tháng 11/2009, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được đưa lên website của Bộ LĐ- TB- XH để lấy ý kiến toàn dân, tháng 12/2009 sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định, đến tháng 3/2010 sẽ trình Chính phủ và đến tháng 10/2010 sẽ trình Quốc hội thông qua, cùng với việc thông qua Luật Công đoàn sửa đổi./.
Theo TTXVN
A. Hoàng