Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Lương Cường - Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trao Bằng khen cho 84 tập thể điển hình tiên tiến (2014-2019).      

Đầu năm 2014, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng (BQP) phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (gọi tắt là Cuộc vận động), gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014-2019).

Ngay sau phát động, trong toàn quân dấy lên phong trào thi đua thực hiện Cuộc vận động với trách nhiệm chính trị, nhiệt tình cao và tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đối với Bác Hồ kính yêu. Cuộc vận động khơi dậy, phát huy cao ý thức, trách nhiệm, trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo; trở thành động lực cổ vũ toàn quân đoàn kết, phấn đấu, vượt khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hội nghị sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động vừa được Đảng ủy Quân sự T.Ư, BQP tổ chức ngày 15-8 tại Hà Nội, đã thể hiện rõ nội dung trên.

Báo cáo cũng như tham luận của các điển hình tiên tiến đều thể hiện rõ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ XHCN của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Như Phó thuyền trưởng tàu ngầm Thiếu tá Trần Văn Phương ở Lữ đoàn 189 Hải quân hay Đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, Sơn La; cũng như các cán bộ công tác trên nhiều đơn vị khác về dự hội nghị đều chung một ý được cống hiến sức lực, trí tuệ cho quân đội, cho Tổ quốc. Họ luôn thực hiện nhiệm vụ bằng trách nhiệm, niềm say mê và nhiệt huyết. Ở cấp nào, đơn vị nào, họ cũng sống và làm việc trong các phong trào, các mô hình: “Cơ quan 5 tốt”, “Chi bộ 4 tốt, đảng viên 5 tốt”, “Đảng viên dìu dắt quần chúng”, “tự soi, tự sửa”, “Mỗi ngày làm một việc tốt”... 5 năm qua, các phong trào, mô hình được triển khai, nhân rộng, góp phần xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Các phong trào thi đua: “Khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi”, “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” đã cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, ra sức huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao. Là lực lượng chủ công, xung kích đi đầu trong phòng chống thiên tai, cứu hộ - cứu nạn, rà phá, xử lý bom mìn, nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ dũng cảm thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Cơ quan quân sự địa phương tham mưu với cấp trên và cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Cuộc vận động, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc.

Phong trào nghiên cứu khoa học và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được nhân rộng trong toàn quân. Đã nghiệm thu và đưa vào ứng dụng 295 đề tài, 967 sáng kiến; triển  khai 15 đề tài cấp quốc gia, chuyển 151 đề tài cấp BQP, khẳng định trí tuệ, tài năng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Thực hiện tốt Cuộc vận động là cơ sở để phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật, thương yêu đồng chí, đồng đội; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Các mô hình: “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”, “Đảo là nhà, tàu là nhà, biển cả là quê hương”, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”... được nhân rộng.

Cuộc vận động góp phần xây dựng, nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng được tỏa sáng. Câu chuyện mà Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Giữ gìn hòa bình Việt Nam chia sẻ giúp chúng ta hiểu và tự hào về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng ở tận châu Phi xa xôi. Đó là 37 sĩ quan, gần 70 bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện dã chiến cấp 2 được biên chế trong lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ, thực hiện sứ mệnh nhân đạo, gìn giữ hòa bình ở Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi. Chẳng những hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ do Phái bộ LHQ giao, họ còn có những việc làm, nghĩa cử giúp nhân dân nước sở tại mà chỉ có Bộ đội Cụ Hồ mới làm được.

Là đơn vị điểm của toàn quốc trong thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn nêu cao trách nhiệm, tích cực thực hiện. Toàn quân tham gia sửa chữa, xây mới trên 7.000 căn nhà, tặng gần 7.000 nhà ngôi đại đoàn kết; 688 ngôi nhà từ mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”; 267 ngôi nhà từ mô hình “Mái ấm tình thương”, 211 ngôi nhà từ mô hình “Mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội”; sửa và làm mới gần 2000 cầu gỗ, cầu bê-tông, trên 7.000 trường học, tặng 24.676 con bò giống, tăng cường 332 cán bộ Biên phòng cho các xã thuộc các tỉnh biên giới. Chương trình quân - dân y kết hợp, đã tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc cho trên 70.000 lượt người; hiến tặng hơn 64.000 đơn vị máu, đào tạo 543 y tá, y sĩ thôn, bản.

Tích cực tham gia ủng hộ xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, với trên 344 tỷ đồng, phụng dưỡng chăm sóc 1.969 Mẹ VNAH; thực hiện Đề án 515 của Chính phủ, tìm kiếm, quy tập, an táng 11.355 hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước, góp phần xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh.

5 năm qua, có 27 tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; 1.187 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của BQP; 17 Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, 2.775 Chiến sĩ Thi đua toàn quân; 1.406 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 203 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động được tặng Bằng khen của Bộ trưởng BQP.

Theo lãnh đạo BQP, các điển hình tiên tiến đều thể hiện ý chí tiếp tuc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động bằng trách nhiệm chính trị và tình cảm sâu nặng với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Quang Vũ