CCB Nguyễn Thanh Bình (bên phải) Chi hội CCB ấp Thuận Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên thu hoạch ớt trên bờ bao nuôi tôm, có đầu ra ổn định nên rất an tâm sản xuất.

Phong trào “sản xuất quanh nhà” mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, thay đổi phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn… Đây là động lực để các cấp Hội CCB tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững, làm giàu hợp pháp.

Điển hình như ở Chi hội CCB ấp Thuận Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, Chi hội vận động cán bộ, hội viên tận dụng đất bờ bao vuông tôm, bờ kênh, đất trống của gia đình để trồng các loại rau màu. Chi hội trưởng Chi hội trưởng CCB ấp Nguyễn Thanh Bình bộc bạch: “Chi hội có 29 hội viên, trước đây chỉ biết nuôi thủy sản, thu nhập đôi lúc bấp bênh. Thực hiện mô hình “Sản xuất quanh nhà”, Chi hội vận động hội viên tận dụng diện tích đất trống để trồng rau màu theo đúng lịch thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, nên chỉ với gần 10ha, mà rau xanh cung cấp không chỉ đủ cho các gia đình mà còn đa dạng các loại rau, củ, quả và đặc biệt đạt chuẩn rau sạch an toàn theo quy định. Đây là chuyển biến lớn về mặt nhận thức, trước đây chăm bón cứ thấy hoa màu lên nhanh, chóng được thu hoạch thì cho là tốt; thậm chí cá biệt có tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”, bây giờ thì tuyệt đối không, là nhờ các buổi đi học, tập huấn về an toàn vệ sinh thực vật, nhất là các công tác kiểm tra hằng ngày của CCB... Bên cạnh đó, hội viên còn biết tận dụng mặt nước trong ao mương nuôi ếch, mỗi năm cho thu hoạch trên 20 tấn ếch thương phẩm. Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho hội viên CCB từ 5-20 triệu đồng/hội viên. Hiện Chi hội CCB ấp Thuận Hòa không còn hộ nghèo, 100% hội viên đều xây cất nhà cửa khang trang, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Khi mô hình tận dụng bờ bao nuôi tôm để trồng màu cho thấy hiệu quả và liên kết được với đầu mối tiêu thụ, Chi hội trưởng Nguyễn Thanh Bình đứng ra bao tiêu sản phẩm cho hội viên, bởi vậy, các hội viên đều tích cực hưởng ứng chủ trương tận dụng đất trống trồng màu kết hợp nuôi tôm. CCB Lê Văn Quốc ở ấp Thuận Hòa cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, được Chi hội trưởng Nguyễn Thanh Bình vận động và hướng dẫn trồng màu trên bờ bao vuông tôm, được chi hội tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng để sản xuất và được anh Bình bao tiêu sản phẩm, tôi đã mạnh dạn thực hiện. Đến nay, gia đình tôi đã có 1ha đất nuôi tôm và tận dụng trồng màu, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng”.

Một trong những gương tiêu biểu về tinh thần tự lực tự cường trong lao động, chuyển đổi sản xuất là CCB Phan Văn Thắng, ở ấp 15, xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Năm 2019, được đồng đội vận động chuyển đổi mô hình sản xuất, lúc đầu, ông cũng hơi lo vì mình chỉ biết bám lấy cây lúa, bây giờ làm mới, không thành công thì gia đình sống sao. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông cũng quyết định thực hiện tận dụng phần đất sau nhà liền kề đất ruộng, cải tạo để trên thì trồng ổi, dưới ao thì trồng bông súng, nuôi cá. Sau 3 tháng thu hoạch đầu tiên dù chỉ bán bông súng nhưng cũng đủ vui vì thành quả lao động được đền đáp. Khi vườn ổi ra hoa, kết trái mang lại nguồn thu ngoài sức mong đợi thì mới biết mình đã đi đúng hướng.

Ông Thắng chia sẻ: “Hiện tại nguồn thu từ bán ổi và bông súng mỗi ngày cho thu nhập khoảng 500.000 đồng. Ổi tôi trồng cho trái quanh năm và toàn hàng sạch. Trong quá trình chăm sóc, trái nào sâu thì hái bỏ, không sử dụng thuốc, nên vị ổi ngọt, khách hàng và bà con ở đây rất thích. Chỉ riêng tiền bán bông súng mỗi ngày đã đủ cho chi tiêu và đóng học cho các cháu”.

Thấy được mô hình chuyển đổi hiệu quả, CCB Phan Văn Thắng được Hội CCB huyện xét cho vay 50 triệu đồng, có thêm vốn, ông bắt tay vào cải tạo, mở rộng số lượng cây ăn trái, trong đó có thêm dừa, chuối…

Còn Chi hội CCB ấp Cái Quanh, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, đồng chí Nguyễn Văn Đủ -  Chi hội trưởng chia sẻ: Từ lợi thế của địa phương về khí hậu, thổ nhưỡng, chúng tôi khuyến khích hội viên phát huy thế mạnh là trồng rau màu đa canh và tùy theo điều kiện của từng hộ mà “trồng cây gì, nuôi con gì” cho phù hợp. Hiện tại, số lượng rau màu do các thành viên trong tổ đều được bao tiêu, có đầu ra ổn định nên mọi người rất an tâm sản xuất.

Từ phong trào đời sống kinh tế của hội viên và gia đình CCB được nâng lên rõ rệt, hiện tại Chi hội không còn hội viên nghèo. Có thể thấy, thông qua các mô hình đã chứng minh được hiệu quả của phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi không chỉ góp phần thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, mà còn phát huy được tính năng động, sáng tạo của hội viên trong lao động sản xuất cải thiện đời sống của gia đình.

(còn nữa)

Bài và ảnh: Phương Nghi