Có thể nói “Gặp nhau cuối năm” đã và đang là chương trình văn nghệ vui, hay, bổ ích, hội tụ đầy đủ các yếu tố thời sự, phê phán, giáo dục và mang hơi thở cuộc sống đúng nghĩa, xứng đáng được công chúng mến mộ, mong đợi.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh thì chương trình cũng còn để lẫn những “hạt sạn” đáng tiếc. Đó là sự cách tân thái quá, bỏ qua những gì thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, được thể hiện trên trang phục và lời thoại.
Về trang phục: Từ trước đến nay, dù trong tranh vẽ hay trên sân khấu, người ta vẫn luôn nhất quán với đặc trưng y phục của họ nhà Táo. Đó là, chỉ thấy áo mà không thấy quần, Vậy mà, không hiểu tại sao ĐTHVN lại để cho Táo Giáo dục (Xuân Bính Thân 2016) mặc quần áo com-lê!.
Nhất là lời thoại lắm câu vẫn còn “sống” nghe rất khó vào.
Trong ý thức hệ phong kiến thì Ngọc Hoàng Thượng đế là Vua của Vua. Tất cả các Vua ở dưới hạ giới đều là “con”, cho nên khi ban Chiếu, Dụ đều phải mở đầu bằng câu: “Phụng Thiên thừa vận” - Vâng theo ý Trời, rồi sau đó mới dám “Hoàng đế chiếu viết”. Vậy mà Táo An toàn thực phẩm, do NSƯT Chí Trung đóng, ngang nhiên gọi Ngọc Hoàng Thượng đế là “anh Hoàng”.
Những năm trước, Chí Trung cũng đã từng xưng hô như vậy. Ai dám bảo một NSƯT như Chí Trung lại không hiểu cái sự tối thượng của đạo quân-thần. Hay lỗi tại đạo diễn, nhà biên kịch.
Về lời thoại giữa các Táo với nhau hoặc các Táo với “người nhà Trời” cũng rất “sượng”. Họp nội các không ra họp nội các, thiết triều không ra thiết triều.
Đời thuở nhà ai: Táo Giáo dục, do Vân Dung đóng quần áo chẽn, đứng chéo chân, nghiến răng ken két, trợn mắt, chỉ tay gằn giọng: “Đây cú lắm rồi đấy!”.
Đành rằng, Chương trình có quyền hư cấu, gây cười, nhưng nên trên cơ sở chắt lọc tinh hoa, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa truyền thống. Chẳng hạn như, đưa làn điệu dân ca, chèo hoặc mượn nhạc các ca khúc mới làm nền khi các Táo báo cáo với Ngọc hoàng. Năm trước Táo Giao thông đã chẳng báo cáo trên nền nhạc của ca khúc “Bà tôi” của nhạc sĩ Vĩnh Tiến, khiến cho bản báo cáo tăng thêm phần sinh động, người xem thích thú đó sao? Nhưng chúng ta cũng không thể cách tân thái quá, bỏ qua những gì thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, dẫn đến “tân” chồng lên “cổ”, “cổ” chồng lên “tân” làm giảm giá trị truyền thống của Chương trình.
Rất mong những người làm chương trình “Gặp nhau cuối năm” của ĐTHVN không vì “gây cười” mà làm giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Có như vậy mới không làm hổ danh họ Nhà táo, xứng đáng với ngưỡng mộ của khán giả cả nước đối với một chương trình vừa có tính thời đại, vừa mang bản sắc văn hóa truyền thống.
Nguyễn Văn Cự