Cùng với tuyển chọn, biên tập, cho đăng tải ngót sáu chục bài trên các ấn phẩm của Báo CCB Việt Nam trong nhiều tháng qua; kết thúc cuộc thi, thông qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Ban Tổ chức chương trình đã cho xuất bản cuốn sách "Sâu nặng ân tình". Sách được trình bày trang nhã, đẹp; dày gần 350 trang. Ngoài 56 tác phẩm dự thi được tuyển chọn, còn có một số hình ảnh phản ánh hoạt động của Ban Tổ chức Chương trình "Sâu nặng ân tình".
Được biên soạn trên "cốt lõi" là 37 tác phẩm đoạt giải cuộc thi, nên sách "Sâu nặng ân tình" đã thỏa mãn được ba câu hỏi đặt ra đối với một cuộc thi viết: Viết về ai, ai viết và viết như thế nào?
Cảm xúc trực quan và ngôn từ mộc mạc, dung dị là nét xuyên suốt các bài viết, các câu chuyện được kể. Tác giả các bài viết ở mức độ nào đó đã phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam của đồng chí đồng đội - những anh hùng liệt sĩ, thương binh chiến đấu hy sinh vì nước vì dân; những người mẹ, người vợ liệt sĩ đã hiến dâng cho đất nước những người thân thương nhất của mình và những tấm gương sáng, những việc làm bình dị mà cao quý trong hoạt động xã hội, thiện nguyện, tri ân đồng đội, "đền ơn đáp nghĩa".
"Nữ anh hùng Ba Một" của Nguyễn Thanh Ba và "Hơn cả lời thề" của Nguyễn Tiến Hải
thật xứng đáng là hai "quán quân" của cuộc thi, khi hội tụ được hình tượng cũng như tình tiết điển hình của nhân vật và thông điệp mang tính xã hội sâu sắc. Nữ Anh hùng "Ba Một" là nữ Anh hùng LLVTND Trần Thị Chính (quê Quảng Nam), từng chiến đấu ngoan cường; bị mất một mắt, một tay, một chân bởi kẻ thù, nhưng vẫn tiếp tục tỏa sáng trong đời thường bởi các hoạt động xã hội thiện nguyện. Đại tá CCB Đỗ Hà Thái trong "Hơn cả lời thề", chỉ là một trong rất nhiều CCB bất chấp tuổi tác, thương tật, ngày đêm lặn lội trở lại chiến trường xưa kiếm tìm hài cốt đồng đội, là minh chứng cho hơn cả lời thề "Hết lòng thương yêu đồng đội..." - Lời thề thứ 7 của Quân đội ta. Về gương sáng những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc còn có liệt sĩ AHLLVTND Lê Trần Mãn qua tác phẩm "Lính quân y vào trận" của Hồ Văn Thông (giải Nhì), liệt sĩ AHLLVTND Vương Đình Cung qua tác phẩm "Cậu ấm duy nhất của Bí thư Tỉnh ủy" của Bùi Văn Tuệ (giải Khuyến khích). Đặc biệt Anh hùng liệt sĩ Vương Đình Cung - con trai Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên - Lê Quý Quỳnh, chỉ duy nhất một lần nhờ "uy" của bố để được đi bộ đội, được vào Nam chiến đấu và anh dũng hy sinh, là tấm gương mang tính giáo dục thời đại sâu sắc - khi mà nạn ô dù, "con ông cháu cha" đang làm nhức nhối xã hội.
Tiêu biểu cho các Mẹ VNAH, những người mẹ, người vợ liệt sĩ có Mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành trong tác phẩm "Mẹ Anh hùng đất thép Củ Chi" của Trương Nguyên Tuệ (giải Khuyến khích). Mẹ Rành bản thân là AHLLVTND, lại có 8 người con và 1 cháu ngoại là liệt sĩ. Gây xúc động người đọc là cô giáo Lê Thị Luyến trong "Chuyện cô Luyến" của Đức Dục (giải Ba); sau khi chồng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới phía Bắc, cô giáo Luyến đã gắn bó đời mình với một thương binh nặng là đồng đội của chồng. Tương tự là mẹ Nguyễn Thị Ngũ trong tác phẩm "Người phụ nữ với hai chồng liệt sĩ" của Duy Đắc (giải Khuyến khích)...
Nổi lên trong nhóm nhân vật vừa anh hùng trong chiến đấu, vừa tiêu biểu trong hoạt động tri ân đồng đội, có Anh hùng LLVTND, thương binh Phan Văn Quý - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương, qua tác phẩm "Người lữ hành lặng lẽ" của Trần Ngọc Long (giải Nhì); thương binh Đặng Sỹ Ngọc trong tác phẩm "Ánh đèn khuya và dấu chân người thương binh nặng" của Trần Hoàng Tiến (giải Nhì); hay thương binh Phạm Quang Lại trong tác phẩm "Phạm Quang Lại bốn lần xuất cảnh đi tìm hài cốt đồng đội" của Vũ Thế Thược (giải Khuyến khích) và những CCB lái xe trong tác phẩm "Đội xe máy tình nghĩa" của Đào Bội Thuyên... Từ tổ chức nhiều chương trình tri ân đồng đội bài bản, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ của AHLLVT, thương binh Phan Văn Quý, đến việc tình nguyện đưa đón người thân đi tìm mộ liệt sĩ của những CCB lái xe ôm..., đều minh chứng cho đạo nghĩa, truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" của Dân tộc Việt.
Có thể có bạn đọc băn khoăn về chất văn học khi tiếp xúc cuốn sách "Sâu nặng ân tình". Điều này có thể hóa giải khi biết được một trong những tiêu chí của cuộc thi là khuyến khích đồng chí đồng đội viết về nhau; thân nhân các liệt sĩ, thương binh... viết về người thân của mình. Vì vậy bù lại cho sự hấp dẫn về văn chương, các bài viết làm xúc động người đọc bởi sự dung dị toát lên từ những con người anh hùng; từ những chi tiết, hành động thấm đẫm chất nhân văn và cao hơn là sự hy sinh vô bờ bến của những nhân vật mà Chương trình "Sâu nặng ân tình" tri ân, tôn vinh.
Không to tát, "ồn ào", nhưng cuốn sách "Sâu nặng ân tình" đã nhắn gửi nhiều thông điệp tới người đọc và thực sự lưu dấu ấn kịp thời, sâu đậm của cuộc thi!
Duy Nguyễn