Tỉnh phát hiện nhiều nhất là Tuyên Quang với gần 1.500 vụ, tiếp đến là Sơn La hơn 1.200 vụ, Thái Nguyên 1.089 vụ... Cũng trong thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 1.036 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại 353ha rừng.Tại một số địa phương đã xảy ra xung đột, tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương với các chủ rừng và chủ dự án được phép chuyển mục đích sử dụng rừng hoặc cải tạo rừng, làm phức tạp tình hình an toàn xã hội. Trong Hội nghị Công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực phía Bắc diễn ra ngày 10/11 tại Tuyên Quang, vấn đề tăng cường quản lý bảo vệ rừng khu vực phía Bắc được nhiều đại biểu quan tâm và thảo luận. Hiện nay, tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, hành vi khai thác gỗ trái phép thường diễn ra ở địa phương còn nhiều rừng tự nhiên có gỗ có giá trị kinh tế cao... Đặc biệt, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra ngày càng gay gắt, gây hậu quả nghiêm trọng. Tại hội nghị, Cục Lâm nghiệp đã đưa ra nhiều biện pháp cấp bách quản lý bảo vệ rừng. Trước mắt Cục sẽ tổ chức một đợt "chiến dịch bảo vệ rừng" trên phạm vi toàn quốc trong năm nay và quý I năm 2010 nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, buôn bán, vận chuyển gỗ, lâm sản và chống người thi hành công vụ đang diễn ra phức tạp, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng. Đổi mới nhận thức về công tác bảo vệ rừng tại cơ sở, xác định vai trò, trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng của chính quyền cấp xã được Cục Lâm nghiệp xác định là giải pháp cơ bản, lâu dài. Chuyển đổi phương thức tổ chức, hoạt động của kiểm lâm địa bàn xã để tham mưu cho chính quyền cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm ngay tại chỗ. Cục Lâm nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng khác như công an, quân đội, tư pháp, quản lý thị trường trong việc bảo vệ rừng, nhất là đấu tranh chống "lâm tặc", mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; xử lý nghiêm minh, dứt điểm các vụ vi phạm./. Theo TTXVN A.Hoàng