Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 17/CT-TTg về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.
Chỉ thị nêu: Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU do tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU. Để tháo gỡ “thẻ vàng”, giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ quốc gia về chống khai thác IUU đã chỉ đạo các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp về chống khai thác IUU và đã được phía EC ghi nhận, đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, phía EC đánh giá, một số công tác vẫn còn chậm, chưa có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt là tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài có giảm, nhưng chưa vững chắc và diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chưa chặt chẽ trong trao đổi thông tin, phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa sớm, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
Để kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm công tác phối hợp, trao đổi thông tin, phát hiện, phòng ngừa sớm, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm, trên cơ sở các nguyên tắc, nội dung chính sau:
1- Nguyên tắc trao đổi, xử lý thông tin
a) Tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.
b) Chủ động, thường xuyên trao đổi thông tin; đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.
c) Bảo đảm sự đoàn kết, hỗ trợ, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.
d) Thông tin, dữ liệu trao đổi giữa các cơ quan chỉ sử dụng cho mục đích nghiệp vụ của cơ quan được cung cấp.
đ) Những trường hợp phát sinh trong quá trình phối hợp xử lý thông tin phải được bàn bạc, thống nhất giải quyết theo quy định của pháp luật.
2- Nội dung trao đổi thông tin của các cơ quan:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Công tác quản lý tàu cá, ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển.
- Kết quả hợp tác về thủy sản, chống khai thác IUU với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực.
- Tàu cá mất tín hiệu, vượt ranh giới khai thác trên biển, có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.
- Kết quả xử lý tàu cá ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
- Các tổ chức, cá nhân Việt Nam được cấp văn bản chấp thuận, hoặc giấy phép cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam.
- Công tác chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản.
- Kết quả xác minh thông tin liên quan đến tàu cá ngư dân cho cơ quan ngoại giao để làm cơ sở đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam.
b) Bộ Quốc phòng:
- Tình hình, kết quả tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp chưa được phân định giữa Việt Nam với các nước.
- Tình hình, kết quả kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập cảng, bến theo quy định.
- Tình hình, kết quả ngăn chặn, điều tra, xác minh xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản.
- Tình hình, kết quả can thiệp, đấu tranh đối với các lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá Việt Nam trên vùng biển giáp ranh.
- Kết quả xác minh thông tin liên quan đến tàu cá ngư dân cho cơ quan ngoại giao để làm cơ sở đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam.
c) Bộ Công an:
- Tình hình, kết quả điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tổ chức, môi giới, móc nối đưa người, tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đưa tàu cá, ngư dân về nước trái pháp luật.
- Chủ trương, biện pháp xử lý của các nước đối với tàu cá, ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển khai thác hải sản trái phép.
d) Bộ Ngoại giao:
- Tình hình đàm phán ký kết phân định ranh giới biển giữa Việt Nam và các nước liên quan.
- Tình hình, kết quả đấu tranh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam khi bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý.
- Kết quả thu thập thông tin tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, trao trả (biển kiểm soát tàu cá, họ tên, địa chỉ thuyền trưởng, thuyền viên, vùng biển vi phạm, hậu quả xảy ra, các biện pháp ngăn chặn, xử lý của nước ngoài đối với tàu cá bị bắt giữ, v.v…) để các cơ quan, đơn vị chức năng trong nước điều tra, xử lý các vụ việc. Chứng cứ vi phạm của tàu cá ngư dân Việt Nam khi các nước cung cấp.
- Thông tin nhận được qua kênh ngoại giao về phản ứng, quan điểm, thái độ các nước và tổ chức quốc tế đối với khai thác IUU.
đ) Bộ Thông tin và Truyền thông:
Tình hình công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài.
e) UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển:
- Tàu cá của địa phương đã được đăng ký, đăng kiểm; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá; cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản.
- Tàu cá của địa phương khi đang khai thác trên biển bị mất tín hiệu, vượt ranh giới khai thác trên biển, có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.
- Tình hình, kết quả kiểm tra, kiểm soát tàu cá và ngư dân xuất, nhập cảng, bến theo quy định.
- Tình hình, kết quả xử lý tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài và các vụ việc tại địa phương có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa người, tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
3- Cơ chế phối hợp trao đổi, xử lý thông tin
Việc trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin phải đúng với nhiệm vụ được giao của các đơn vị và phải bảo đảm thông suốt 24/24 giờ trong ngày (trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp), bằng các phương thức phù hợp theo quy định của pháp luật (văn bản, điện thoại, fax, email, v.v...).
4- Đầu mối trao đổi thông tin, xử lý thông tin
Thủ trưởng các ban, bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cử đầu mối chịu trách nhiệm trao đổi, xử lý thông tin và gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực BCĐ quốc gia về IUU) để tổng hợp, đồng thời gửi Bộ Quốc phòng.
5- Trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin
Thủ trưởng các ban, bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng của mình triển khai, thực hiện tiếp nhận, xử lý các thông tin nhận được theo đúng chức năng, thẩm quyền và theo Chỉ thị này, đảm bảo thông tin được trao đổi liên tục, an toàn, bảo mật; thông báo kết quả xử lý thông tin cho bên cung cấp thông tin và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực BCĐ quốc gia về IUU); chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý đầy đủ, kịp thời các thông tin nhận được.
6- Báo cáo kết quả trao đổi thông tin, xử lý thông tin
Các bộ, ngành liên quan và địa phương tổ chức triển khai nghiêm túc Chỉ thị này. Kết quả thực hiện trao đổi, xử lý thông tin của các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển là một nội dung trong báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU và được gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực BCĐ quốc gia về IUU) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ quốc gia về IUU.
VPCP