Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Về phạm phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng (sửa đổi), đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng nội dung phạm vi điều chỉnh của dự án luật với mục đích tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng là nhằm tạo lập công trình xây dựng thông qua các hình thức xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình xây dựng; đồng thời kế thừa và nhất quán với các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng ở nước ta từ trước đến nay, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đầu tư công là quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Về điều chỉnh dự án xây dựng, các đại biểu cho rằng việc này rất cần thiết, nhất là đối với các trường hợp do thay đổi chỉ số giá xây dựng, các trường hợp đặc biệt bất khả kháng do thiên tại, do thay đổi quy hoạch. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư với những lý do không cấp thiết như “xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn…” được quy định tại mục b khoản 1 Điều 61 là thiếu chặt chẽ, không rõ ràng và đang bị lợi dụng để điều chỉnh nâng quy mô cũng như tổng mức đầu tư một cách tràn lan. Thực tế cho thấy, đây là vấn đề nhạy cảm, đang được diễn ra một cách khá phổ biến, khó kiểm soát và là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực, kéo dài tiến độ thi công, dễ dẫn đến tiêu cực, gây thất thoát lãng phí. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để bỏ hoặc quy định lại một cách hạn chế, nghiêm ngặt hơn đối với trường hợp điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư quy đinh tại mục b, khoản 1, Điều 61 của dự thảo.

Xung quanh nội dung quy hoạch xây dựng, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng ý với việc cần có quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật. Theo các đại biểu, việc quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật Xây dựng hiện hành nhằm tránh khoảng trống pháp luật trong quản lý. Quy hoạch xây dựng tạo tiền đề cho việc thực thi các nhiệm vụ quản lý Nhà nước có liên quan đến hoạt động xây dựng.

Thảo luận dự thảo Luật Đầu tư công, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật. Theo đó, Luật Đầu tư công điều chỉnh về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và cùng với các luật chuyên ngành khác tạo nên một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư công. Dự thảo Luật đã quy định theo hướng nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công, từ khâu phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn vốn nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Theo quy định của dự thảo Luật, mọi đối tượng sử dụng vốn đầu tư công, kể cả doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều được điều chỉnh trong Luật này. Riêng hoạt động đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh tại dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Một số ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã thể hiện được tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật cùng điều chỉnh hoạt động đầu tư công như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật khác có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị... Cho ý kiến về tiêu chí phân loại dự án đầu tư nhóm A, B,C, có ý kiến cho rằng việc phân loại nhóm dự án đầu tư là vấn đề quan trọng. Luật đầu tư công muốn thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch thì cần có các tiêu chí phân loại cụ thể, rõ ràng.

Hoàng Linh