Ngày 22/10, phiên làm việc sáng, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; phiên chiều sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.

Những nội dung của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chínhđã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung hình thức xử phạt; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; lập biên bản vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp xử lý hành chính; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính...Vấn đề được dư luận quan tâm trong dự thảo Luật là về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, quy định tại Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được bổ sung điểm đ khoản 2 và khoản 2a: “biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”.

Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định rõ Luật không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật dân sự; hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.