(Báo tháng 6) - - Chào ông Trần Đăng Khoa. Rất vui lại có dịp gặp ông, lại chuyện phiếm với ông ngay trong ngày đầu tháng. Nhìn lại tháng qua, ấn tượng nhất đối với ông là gì?

- Đó là việc Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ X với sự xuất hiện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Sự xuất hiện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đã xua đi những tin đồn nhảm ở trên mạng xã hội về sức khoẻ của ông. Người dân thực sự vui mừng.

Có lẽ đã từ lâu rồi mới lại có một đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước được người dân quan tâm và yêu mến đến như thế. Nhà thơ Vũ Quần Phương có lần kể với tôi rằng, ông  đi lễ chùa. Và ông rất ngạc nhiên khi nhiều người dân đi lễ, lại chẳng cầu gì cho bản thân mình, chỉ xin Giời Phật phù hộ độ trì cho bác Nguyễn Phú Trọng, để bác có sức khoẻ, dọn dẹp lại đất nước, đưa đất nước trở lại thời tử tế như thời của Bác Hồ và ném hết "giặc nội xâm" vào lò thiêu.

Có một câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mà người dân rất tâm đắc, đại ý, nếu ai còn do dự, ngần ngại trong cuộc chiến chống tham nhũng thì hãy dẹp sang một bên để người khác làm. Lò đã cháy rồi thì củi tươi ném vào cũng phải cháy...

Và quả thật, trong suốt thời gian qua, tuyệt không còn vùng cấm nào nữa, nhiều củi khô, củi tươi đều đã vào lò…

- Còn nhớ ở thời điểm đầu tiên, khi một số quan chức mắc sai lầm nghiêm trọng, có người bị kỷ luật, thậm chí còn bị cách chức, kể cả những người đã về hưu rồi cũng bị cách chức, cách tất cả mọi chức vụ khi còn tại vị…

-Vâng, tôi cũng còn nhớ những khoảnh khắc ấy. Khi đó, chúng ta chưa quen với loại kỷ luật này, lại nghĩ chưa thấu đáo, nên có người còn cười mỉm, cho đó chỉ là một kỷ luật mang tính hình thức. Nếu đã cách chức thì phải cách những chức đang có, chứ sao lại cách những chức không còn tồn tại. Kỷ luật thế thì cũng bằng không. Nhưng không phải vậy. Thực chất, ở Việt Nam, những người có chức, có quyền, nhất là những người ở địa vị cao chót vót, khi về hưu vẫn còn nguyên mọi chế độ. Nhưng cách chức sẽ khác. Mọi chế độ sẽ không còn. Có người còn vào tù, trở thành một tội phạm.

Kỷ luật đó còn là một thông điệp đanh thép: Đâu phải cứ có chức vụ cao là muốn làm gì thì làm. Khi đã tham nhũng, đã lợi dụng chức vụ, vơ vét của dân, thì không có vùng nào an toàn để mà hạ cánh cả.

- Đúng thế. Cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và những người cộng sự của ông rất được dân quan tâm và ủng hộ triệt để…

- Quả là đã lâu rồi, chúng ta mới lại có một cán bộ được người dân thực sự yêu mến tin cậy là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ bằng lời nói và việc làm cụ thể, quyết liệt. Ngay cả bản thân ông cũng là một tấm gương. Đến cả con cái ông cũng rất gương mẫu.

Nhiều cán bộ bây giờ rất sa đoạ. Ngay cả những cán bộ cấp cao. Một loạt vị đã thành củi khô, củi tươi vào lò cho chúng ta thấy rõ điều đó. Ngay cả những cán bộ loàng xoàng, chỉ mới ở cấp huyện, cấp tỉnh mà đã thành vua chúa. Họ hoành hành, thâu tóm quyền lực. Rồi lợi ích nhóm. Họ đưa vợ con, họ hàng vào các ghế quyền lực, rải suốt từ tỉnh đến các huyện, xã. Con cháu còn chưa trưởng thành thì nâng điểm.

Khi dân kêu, báo chí phê phán thì họ nói họ không biết. Đó là do cấp dưới làm. Cấp dưới đã… hại họ. Có phải họ không biết thật không? Hay họ chỉ đạo ngầm, rồi làm ra vẻ không biết. Một người làm quản lý mà đến cả con cái trong nhà còn không biết thì làm sao mà biết được nỗi khổ của muôn dân? Những cán bộ giả dối như thế thì có nên tồn tại không?

- Không đâu. Nếu để dân quyết thì lũ sâu mọt ấy không thể tồn tại được một ngày chứ đừng nói là một nhiệm kỳ hay cả hai khoá…

- Chính vì thế, người dân rất vui khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã trở lại vị trí làm việc, đặc biệt trong phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ X, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có những chỉ đạo rất hợp lòng dân.

Một loạt vấn đề, một loạt câu hỏi rốt ráo đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra: Dự kiến chiến lược xác lập mục tiêu cụ thể cho từng vùng kinh tế không thể cứ mơ hồ chung chung mà phải rõ ràng, minh bạch: "Thành phố Hồ Chí Minh, 10 năm nữa, 15 năm nữa sẽ là thế nào? Hà Nội sẽ là thế nào? Cứ nói thành phố thông minh, thành phố xanh, vậy nội hàm cụ thể là gì, hoặc nước ta đến năm 2030 sẽ là nước công nghiệp phát triển hay là một nước phát triển, hay là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội hàm của nó là gì? ". Người dân rất mong những vấn đề nổi cộm, đã thành nỗi nhức nhối trong dân sẽ sớm được đưa ra ánh sáng, như vụ đất đai ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh, hay vụ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Một tuyến đường chỉ có 13km mà 11 năm trời chưa làm xong. Vốn đội lên khủng khiếp. Một món nợ công khổng lồ mà không biết đến đời nào mới trả được hết. Và nếu làm xong vận hành được thì cũng cần tới  700 người phục vụ, vận hành thì quả là kỳ dị. Lấy lương ở đâu ra mà trả cho khối người khổng lồ ấy, trong khi mọi cơ quan đoàn thể đang còn phải giảm biên. Người dân rất mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho tổng kiểm ta toàn bộ tuyến đường này.

Bây giờ công trình vẫn còn khá ngổn ngang. Nhưng một dự án quá tệ hại, không thể nói là có hiệu quả thì có nên rót vốn vào đó nữa không? Hay cứ giữ nguyên trạng, rồi có sao thì cứ dùng vậy không nên đầu tư thêm, và chỉ nên coi nó là một bảo tàng sống, bảo tàng ngoài trời, không phải là nơi ghi dấu những kỳ tích, thành tựu, mà là một bài học đắt giá về một sai lầm nghiêm trọng, cần phải rút kinh nghiệm cho muôn đời sau. Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một dự án tệ hại nhất trong các dự án tệ hại từ khi thành lập nước đến nay.

Và cũng xin các bạn lưu ý, dự án này là do Bộ Giao thông và vận tải khởi xướng, thực hiện, chứ không phải Hà Nội.

- Và như thế, Hà Nội là một nạn nhân…

- Bà nói thế cũng chẳng sai. Phố bé, đường bé, giờ Hà Nội lại bị cắt nát vì tuyến đường sắt trên cao này. Hà Nội bị xấu đi rất nhiều, nhếch nhác thêm rất nhiều vì con đường sắt trên cao này. Nhưng thôi, chán quá rồi, chúng ta chẳng nên bàn đến nó nữa…

- Vậy có điều gì ông còn muốn nói thêm?

- Tôi cũng như nhiều người dân rất tâm đắc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi ông chú ý và quan tâm thực sự tới kinh tế tư nhân.  Ông bảo: "Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu Anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân".

Đây là một vấn đề rất mới. Mặc dù chúng ta đã có kinh tế tư nhân, nhưng chưa được quan tâm thấu đáo, từ vay vốn ngân hàng cho đến những điều kiện khác để vận hành và phát triển. Những doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn được quan tâm hơn, nhưng rồi chính những doanh nghiệp này lại thua lỗ, phá sản, tham nhũng để lại những gánh nặng khổng lồ cho khoản nợ công mà không biết đến đời nào chúng ta mới trả hết được, trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân lại làm việc hiệu quả và phát triển rất tốt.

Nếu doanh nghiệp tư nhân không bị kỳ thị và được đối xử công bằng, bình đẳng, tôi tin nền kinh tế của chúng ta và đất nước chúng ta sẽ thật sự phát triển và phát triển bền vững.

Chúng ta có cơ sở để tin vào điều đó

- Xin cảm ơn ông!

SONG YẾN ghi