Chương trình đào tạo được thực hiện dưới hình thức tập huấn, kết hợp hướng dẫn khảo sát thực địa nhằm nâng cao kỹ thuật phân tích cơ sở dữ liệu liên quan đến di sản văn hóa Huế; đồng thời thiết lập bản đồ thông tin địa lý (GIS) cho một vài điểm di sản được lựa chọn nhằm đề ra các mục tiêu, khuyến nghị, kế hoạch bảo tồn cho điểm di sản (được lựa chọn) và chiến lược phát triển hợp lý cho đô thị Huế.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết từ năm 1802-1945, Huế là kinh đô của nước Việt Nam, dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn. Vì vậy, ở Huế đã hình thành hàng trăm công trình kiến trúc lịch sử văn hóa có giá trị mà tiêu biểu là kinh thành Huế, trong đó, chỉ riêng khu Đại Nội có tới 253 công trình; 7 cụm lăng tẩm của 9 vị vua Nguyễn và hệ thống các đàn Nam Giao, Hổ Quyền, điện Hòn Chén...

Trên cơ sở xây dựng bản đồ thông tin địa lý từ các điểm di sản được lựa chọn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tích hợp dần và triển khai xây dựng việc quản lý di sản đô thị Huế bằng công nghệ GIS trên diện rộng, phù hợp với yêu cầu của UNESCO.

Trước đó, toàn bộ khoảng 1.500 cây xanh trong khu vực Đại Nội, thành phố Huế, đã được triển khai quản lý bằng công nghệ GIS. Nếu muốn biết thông tin về các cây này, đơn vị quản lý chỉ cần dùng công cụ Info trên phần mềm Microsoft sẽ biết được cây tên gì, chu vi, chiều cao, khoảng cách giữa hai cây kế tiếp nhau...

Sự tiện lợi của việc ứng dụng mô hình này giúp cho thành phố Huế quản lý hệ thống cây xanh, tính toán mật độ cây xanh trên từng tuyến phố, lên kế hoạch tỉa cây trong mùa mưa, bão./.

Theo Vietnam+