Cố Anh hùng LLVTND Bùi Ngọc Đủ (bên trái) cùng tác giả bài hát “Con suối La La”.
Viết báo có khi vui khi buồn, lúc thuận lợi lúc khó khăn, nhưng khi đã viết với tinh thần trách nhiệm và sự đam mê thì đôi lúc khó khăn cũng sẽ thành thuận lợi. Tôi đã đi gặp nhiều nhân vật để phỏng vấn, hỏi chuyện, có người khó, người dễ.
Người dễ tính thì sau chén trà là chuyện đã sôi nổi, nhất là khi ôn lại kỷ niệm chiến đấu năm xưa, chuyện nghĩa tình đồng đội son sắt. Đề tài này cả người viết lẫn người kể đều khoái, viết không bao giờ hết. Về những chiến công của các anh hùng, dũng sĩ năm xưa cũng vậy, viết không khó, vì chiến tích ấy ai cũng biết, chỉ cần có tiếng nói và hình ảnh của người trong cuộc là bài viết tròn trịa. Nhưng làm việc gì cũng thế, nhất là viết lách cần phải cẩn thận và khéo léo, nhất là phỏng vấn các nhân vật “khó tính” thì mới thành công.
Còn nhớ năm 2016, tôi được Thường trực Hội CCB tỉnh Quảng Bình giao nhiệm vụ hướng dẫn Đoàn cán bộ Hội CCB tỉnh Gia Lai thăm một số thắng cảnh và di tích lịch sử trong tỉnh. Điểm đến đầu tiên là Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến, cũng là nơi T.Ư Hội CCB Việt Nam đã trồng hàng thông CCB rất đẹp. Hôm ấy, Đoàn cán bộ CCB Gia Lai tập hợp trước mộ Đại tướng, ai cũng quân phục chỉnh tề, gắn nhiều huân chương đỏ ngực. Có một người mang quân phục trắng, chỉ đeo duy nhất một tấm huân chương. Hơi tò mò, sau lễ dâng hương tôi lại gần hỏi: “Dạ thưa, bác có tấm huân chương gì đẹp thế ạ ?”... Ông chưa kịp trả lời thì đồng chí trưởng đoàn đã nói: “Ông ấy có rất nhiều huân huy chương, nhưng chỉ đeo mỗi cái huy hiệu Anh hùng này thôi. Chú có biết ông Bùi Ngọc Đủ không, chính là ông ấy đấy”.
Tôi chực reo lên, người dũng sĩ diệt Mỹ lừng danh năm 1967 là ông Bùi Ngọc Đủ đây ư ? Gần 50 năm qua, tôi đã nghe đài báo ca ngợi “Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ - 1 chọi 20” quân Mỹ, rất thích bài hát “Ơi con suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục mà không biết ông Đủ là người thế nào, còn sống hay đã mất? Bây giờ ông đang đứng trước mặt tôi, tuổi tuy đã cao nhưng vẫn rắn rỏi, da sậm đỏ màu cao nguyên. Nghe nói sau khi rời quân ngũ, ông cũng có nhiều thành tích không kém thời đánh Mỹ, tôi quyết định tìm hiểu thêm để viết về người Anh hùng, CCB giữa đời thường. Biết ý định của tôi, đồng chí trưởng đoàn nói nhỏ: “Ông ấy tuy dễ tính nhưng với cánh báo chí thì hơi khó tính, chú phải khéo léo mới được ông ấy tâm sự, không thì công cốc đấy”.
Chuyện ông Bùi Ngọc Đủ hơi “khó tính” với báo chí là một câu chuyện tế nhị, có liên quan đến việc phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông. Qua tìm hiểu tôi được biết, không phải ông ấy khó tính với nhà báo, mà chính các phóng viên đã tự làm khó ông ấy. Một số phóng viên đưa lên báo những chi tiết không chọn lọc hoặc tìm hiểu chưa kỹ, vô tình gây khó khăn cho việc xét tặng danh hiệu Anh hùng. Trước năm 2010, một phóng viên trẻ xem Dũng sĩ Bùi Ngọc Đủ như là thần tượng, cứ ngỡ ông được phong Anh hùng từ lâu rồi, nên trong bài viết cứ gọi là Anh hùng Bùi Ngọc Đủ. Cơ quan thi đua khen thưởng đang xét tặng, xem đây là việc “cầm đèn chạy trước ô tô” nên xếp hồ sơ của ông lại, xét sau. Bởi vậy, tuy lập chiến công đặc biệt xuất sắc từ năm 1967 nhưng mãi 43 năm sau (năm 2010) ông mới được nhận danh hiệu cao quý này. Tất nhiên còn một số lý do khác nhưng báo chí cũng là yếu tố làm chậm quy trình. Việc chậm trễ phong tặng danh hiệu Anh hùng, ông Đủ không buồn lắm, cho đó là việc của tổ chức, nói mình còn sống qua hơn 130 trận đánh ác liệt là may lắm rồi. Nhưng đồng đội không thể để ông thiệt thòi, giúp ông làm hồ sơ để có niềm vui cuối đời. Nghe mấy người kể vậy, tôi hơi chùn, nhưng vẫn quyết tâm tìm hiểu để không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này.
Sau khi viếng mộ Đại tướng, chúng tôi tiếp tục hành quân lên Đường 20 Quyết thắng, nơi có các Di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng, trong đó có Hang 8 TNXP. Biết ông Bùi Ngọc Đủ quê Thanh Hóa, tôi đưa ông tham quan một số công trình của tỉnh Thanh Hóa xây tặng ở Khu di tích Đường 20, điểm nhấn là nơi lưu niệm 8 TNXP hy sinh, đều là người tỉnh Thanh. Ông Bùi Ngọc Đủ xúc động thật sự, hỏi tôi nhiều chuyện ông chưa biết về những chiến công trên Đường 20. Bởi từ khi nhập ngũ vào Sư đoàn 324, ông tham gia đánh Mỹ ở Quảng Trị, rồi Tây Nguyên và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Vừa đi vừa kể chuyện và tôi thấy sự “không mặn mà” với báo chí trong ông hình như đã biến mất lúc nào. Đến thắng cảnh suối nước Mọc, đoàn tham quan tạm nghỉ để ngắm cảnh Di sản thiên nhiên. Tôi mời ông Đủ tới một đoạn suối đẹp nhất, nói đùa là “Con suối La La” để gợi nhớ về trận đánh oai hùng cho ông kể chuyện. Ngồi trên tảng đá ven suối, ký ức gần 50 năm qua như ào về trong người lính già, ông kể say sưa, tôi tốc ký hết chuyện này qua chuyện khác.
Ông kể về tiểu đội 10 chiến sĩ do ông chỉ huy đánh tan trận càn của 200 lính Mỹ có pháo binh và máy bay yểm trợ, rồi chuyện ông làm Tiểu đoàn trưởng pháo binh đánh thắng trận Đắc Tô - Tân Cảnh, đến năm 1975 cùng đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Hết chiến tranh, được Đảng phân công làm cán bộ tổ chức huyện Mang Yang, rồi ông làm Bí thư Đảng bộ các xã khó khăn nhất huyện; lại tổ chức đánh và kêu gọi quân FULRO đầu hàng… Chuyện ông hào hứng nhất là thời làm Chủ tịch Hội CCB huyện Mang Yang. Điều trăn trở lúc ấy là nhiều gia đình CCB còn rất nghèo đói. Ông đã có sáng kiến xây dựng các “Kho thóc CCB”, khi thu hoạch lúa xong mỗi hội viên trích ra 20kg thóc nộp vào kho, đến lúc giáp hạt đưa ra cứu đói cho dân. Toàn huyện có 36 kho thóc, có khi trữ lượng gần nghìn tấn, giải quyết được nạn đói thường trực. Rồi ông tín chấp với Ngân hàng vay 3 tỷ đồng, phối hợp tập huấn về nông lâm cho hội viên, sau 4 năm đã giảm được 30% hộ CCB nghèo của huyện. Mọi người trìu mến gọi ông là “Dũng sĩ diệt đói nghèo”. Những câu chuyện ông kể đã tái hiện một thời đánh Mỹ hào hùng và xây dựng Tây Nguyên, quê hương thứ hai của ông giàu mạnh. Nhờ có những tư liệu quý và chân thực ấy, tôi đã viết được một số bài có chất lượng, trong đó có bài “Gặp thần tượng”, được Chương trình phát thanh QĐND đọc. Qua đó rút ra rằng: Không có ai “khó tính” cả, chỉ có người cầm bút không biết cách khai thác, nắm tâm lý để phỏng vấn nhân vật. Điều quan trọng là phải tôn trọng sự thật và tìm hiểu thật kỹ rồi mới viết bài, đừng để bài báo của mình trở nên… phản tác dụng.
Xuân Vui