Hàng dừa giống được CCB Phạm Văn Thản chăm bón, bảo vệ và nhân rộng.

Là cư dân miền biển - xã Đông Minh (Tiền Hải, Thái Bình). Ký ức tuổi thơ của CCB Phạm Văn Thản còn in đậm những ngày cùng bố mẹ ra bãi triều cào don, bắt cáy. Cuộc sống của gia đình và bà con trong xã chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lợi từ biển. Vậy nên, ông thấu hiểu sâu sắc giá trị của biển cả đối với đời sống con người.

Bảo gia đình CCB Phạm Văn Thản đi lên từ thu gom rác thải. Nghe thoáng, chắc có người nghĩ ngay đến câu thành ngữ “Buôn thất nghiệp, lãi quan viên”. Nhưng nói thế là chưa hiểu hết ông.

Tôi. Người viết bài báo này, vừa là đồng hương, vừa là đồng tuế, có dịp gần, nên hiểu ông, mới thấy cội nguồn sâu xa ngày ngày ông vẫn khoác theo chiếc bao dứa kết hợp nhặt rác thải trên bãi biển xã Đông Minh lại ẩn chứa một tấm lòng nhân văn cao cả, mà tiền bạc khó sánh được.

Ông Thản có một kỷ niệm đặc biệt; đó cũng là chiến công, khi ông được trong đội hình dân quân xã phối hợp với Đại đội Pháo binh 2, Tỉnh đội Thái Bình và Đại đội 52, Trung đoàn 178, thuộc Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3) làm nhiệm vụ trực chiến bảo vệ bờ biển, ngày 12 và 17-5-1972, đã bắn cháy 2 tàu khu trục Mỹ - một chiến công được ghi đậm trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh Thái Bình. Ông lại nghĩ, ngày ấy trận địa pháo, không chỉ dân quân, mà kể cả của bộ đội còn rất thô sơ, nhưng địch không thể phát hiện được, chính là nhờ những rặng dừa, rặng phi lao xanh ngắt trải dài tít tắp theo bờ biển, vừa chắn sóng, chắn gió, vừa che mắt quân thù.  

Phân loại rác thải là công việc hằng ngày của CCB Phạm Văn Thản.

Cuối năm 1972 nhập ngũ, ông Thản lại được học lái xe tăng - lực lượng luôn đi đầu của đội hình đánh địch - ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, cũng như trong cánh quân hướng Tây Nam tiến về Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khiến ông lại càng thấm thía bài học về vận dụng địa hình, địa vật trong chiến đấu và thêm trân quý thảm cây xanh bãi biển quê ông.

Tháng 8-1977, Phạm Văn Thản được phục viên, về quê lập nghiệp. Lúc này rặng dừa, rặng phi lao xanh tốt năm nào không còn, vì sự tàn phá của bom đạn Mỹ và sóng biển. Ông cùng gia đình tiếp tục mưu sinh bằng nghề chài lưới trong lộng và cào don, bắt cáy, nhưng không lúc nào ông không ấp ủ mang lại màu xanh cho bãi biển.

Năm 1997, địa phương có chủ trương cho đấu thầu bãi triều để khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, ông thuê 1.500m2 khu bãi cao, đào ao nuôi trồng thủy sản và ngày nào đi biển ông cũng khoác về nhà một bao tải đầy chai lọ nhựa đã qua sử dụng dạt vào bờ biển. Mục địch chỉ là để góp phần làm cho bãi biển đỡ đổ phế thải.

Nhưng chả mấy chốc đống đồ phế thải mang về từ biển trong sân nhà ông  cao lên như đống rơm, đống rạ... Ai cũng khuyên ông sao không bán đồ “đồng nát”. Ông nghe theo, làm thử nhặt ra từng loại rồi gọi khách thu mua đến bán, sau thành quen họ đến tận nhà mua buôn, rồi ông trở thành "bạn hàng tin cậy" của các chủ vựa đồng nát tự bao giờ ông cũng không nhớ rõ ngày, tháng.

Nghe CCB Phạm Ngọc Thản kể, tôi nhẩm tính mỗi năm ông bán 4 lần, trung bình mỗi lần từ 5 đến 6 tạ "đồng nát", mới thấy số lượng rác thải ngoài biển ông thu gom về lớn biết bao nhiêu. Và ông cũng thu được khoản tiền không nhỏ từ rác biển phế thải. Nhưng cái được lớn hơn, là học theo ông, nay nhiều người cùng làm theo, nền nếp, hiệu quả nhất là Chi hội CCB thôn Ngải Châu, vừa góp phần bảo vệ môi trường biển, tận dụng tái chế rác thải thành đồ gia dụng.

Trung tá Trần Quang Trung - Chủ tịch Hội CCB xã Đông Minh cho tôi biết: “Từ mô hình của CCB Phạm Văn Thản và Chi hội thôn Ngải Châu, Hội CCB xã Đông Minh đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân tích cực thu gom xử lý rác thải. Đến nay, toàn xã xây dựng được hơn 20 mô hình, trong đó có 6 mô hình thu gom rác thải trên bãi biển”.

Dẫn tôi ra thăm khu trang trại của gia đình ở bãi ngoài đê biển, CCB Phạm Văn Thản vừa chỉ vào hàng dừa ông trồng đã cao quá đầu người, vừa nói: “Tôi mơ ước xã mình phát động thành phong trào người người, nhà nhà trồng dừa, trồng phi lao làm xanh lại bãi biển như xưa; chứ không thể biến bãi biển thành bãi rác”.

Tôi tin, tôi rất tin điều ước của ông Thản sẽ thành hiện thực.

Nguyễn Văn Hán