(Báo tháng 7) -Các công ty luôn thiếu nguồn lao động chất lượng cao. Việt Nam cần tận dụng lợi thế dân số vàng để tạo ra nguồn lao động vàng.

Chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở (THCS) trở thành vấn đề lớn trong cả hệ thống giáo dục, là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Giáo dục trong nhiều năm nay. Rất nhiều nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. Tuy nhiên dường như tỷ lệ đề ra đến năm 2020 sẽ có 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề dường như khó có thể đạt được.

Việc phân luồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngay khi vào bậc Phổ thông Trung học (PTTH) là một chủ trương đúng đắn, tạo thêm cơ hội để tận dụng nguồn nhân lực với mục tiêu tham vọng nhưng vẫn còn nhiều rào cản, mà nguyên nhân là “trên” phát, nhưng dưới chưa “động”.

Học để làm gì?

Kinh nghiệm cho hay, ở địa phương nào cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc cùng với sự năng động của cán bộ lãnh đạo nhà trường và đội ngũ giáo viên, có sự hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp, phối hợp giữa cơ sở giáo dục phổ thông và đào tạo nghề... thì ở đó sự phân luồng diễn ra khá tốt.

Đã có một số địa phương làm tốt chương trình phân luồng GDNN với nghề truyền thống và nhu cầu nhân lực cho sự phát triển của địa phương, thí điểm các mô hình nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương như: Mô hình trường học - nông trường chè, trường học - nông trường mía, trường học - nông trường cam tại Tuyên Quang, Hòa Bình; trường học - vườn đào, trường học - du lịch ở Lào Cai, Hà Giang...; triển khai mô hình đào tạo “Giáo dục phổ thông kết hợp với đào tạo nghề” cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tại Trà Vinh, bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người dân địa phương.

Kết quả khả quan từ những tỉnh như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên... Nhờ làm tốt hướng nghề nghiệp cộng với chính sách phân luồng đào tạo GDNN ở bậc phổ thông đã giúp cho các em tại những địa phương này có được những kiến thức, kỹ năng nghề ngay sau khi rời ghế phổ thông trung học và các em sẽ có thể vào các doanh nghiệp của gia đình hay họ hàng với nghề truyền thống như nghề mộc, hay có thể vào làm công nhân tại các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tại địa phương với mức lương từ 7 đến 10 triệu/tháng.

Bà Đặng Thị Bích Vân, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông trung học Hàn Thuyên, TP Bắc Ninh cho biết: Bắc Ninh là một tỉnh có nhiều cụm công nghiệp lớn, nhỏ  vơi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang kinh doanh và sản xuất. Khi có chủ trương, hướng dẫn của trên về phân luồng GDNN, nhà trường đã chủ động xây dưng tích hợp nội dung GDNN vào chương trình giáo dục phổ thông;  trong đó đẩy mạnh tham quan, giao lưu với các doanh nghiệp tại cơ sở để học sinh có thể hình dung rõ ràng về các loại hình công việc trong cuộc sống thực tế, mức thu nhập, những cơ hội việc làm và cơ hội phát triển bản thân thông qua học tập suốt đời. Chính vì thế mà mới sau 2 năm triển khai, tỷ lệ các em có định hướng nghề nghiệp tại trường đến năm học 2017 – 2018 đã đạt tỷ lệ 17% và dự tính năm học 2019 – 2020 sẽ đạt trên 25% số học sinh sẽ chọn định hướng GDNN ngay khi vào trường.

Cũng như những cơ sở GDNN chuyên nghiệp việc gắn kết việc đào tạo nghề trong việc phân luồng tại các trường Trung học phổ thông với các doanh nghiệp là một hướng đi cần thiết. Cần phải đưa ra chính sách quy định và hướng dẫn doanh nghiệp đăng kí và thông tin nhu cầu về loại kĩ năng cho từng giai đoạn để góp phần xác định mục tiêu  định hướng phân luồng được khả thi.

Một rào cản lớn nhất trong việc học sinh không mặn mà với phân luồng GDNN từ bậc THPT, đó là sự coi trọng “văn hoá bằng cấp” còn phổ biên. Bên cạnh đó các loại hình đào tạo sau phổ thông cũng còn quá dễ dãi, lại càng khuyến khích học sinh và phụ huynh “quyết học đến cùng” mà không cần biết học để làm gì!  Cần phải có những tấm gương thực tế về công việc ổn định, mức lương hấp dẫn của những học sinh theo hướng phân luồng giáo dục để có thể đánh tan được những định kiến trên.

Đầu tư quy hoạch cán bộ Giáo dục nghề nghiệp có chất lượng

Lâu nay các chuyên gia hay bàn về chương trình đào tạo chưa phù hợp thực tế hay trang thiết bị đào tạo  chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, mà ít quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ GDNN (cả cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ giảng dạy).

Có một thực tế là ở Việt Nam chủ yêu đầu tư ngân sách, thậm chí vốn vay nước ngoài vào việc nâng cao cộng nghệ máy móc đào tạo, thì các nước có nền GDNN lại chú trọng quy hoạch dài hạn, đầu tư bài bản đội ngũ cán bộ giảng dạy GDNN. TS Horst Sommer, nguyên Cố vấn trưởng Chương trình hợp tác Việt – Đức về Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam nói: “giáo viên là xương sống của bất cứ công nghệ giáo dục, đào tạo nào”.

Kinh nghiệm của Đức và nhiều nước châu Âu cho thấy cán bộ đào tạo GDNN là chìa khoá làm cho GDNN hấp dẫn hơn. Họ không chỉ là những giáo viên trong nhà trường mà là cả đội ngũ thợ lành nghề, kĩ sư của các công ty, nhà máy. Những cán bộ này được trang bị kiến thức và kĩ năng sư phạm, cùng với trình độ thuần thục trong nghề, họ là những cán bộ đào tạo chất lượng nhất. Từ đó GDNN trở nên hấp dẫn nhờ chất lượng được nâng cao một cách thực chất.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam chỉ còn chưa đến 10 năm nữa. Đã vậy nước ta cũng là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Như vậy nếu chúng ta không có những giải pháp đúng đăn và biện pháp tích cực thì cơ hội thời kỳ “dân số vàng” sẽ qua đi. Nghĩa là “chưa giàu đã già”.

Có một nghề nghiệp ổn định ngay sau khi rời ghế PTTH của các bạn trẻ bằng việc tham gia vào chương trình GDNN sẽ là một định hướng đúng đắn để tiết kiệm được kinh phí, công sức cho chính mình và cho xã hội.

Phạm Hà Phi